Thứ Hai, 25/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Bảy, 16/5/2015 14:51'(GMT+7)

Tu dưỡng, làm theo 18 chữ vàng Bác Hồ căn dặn

Tuy vậy, nhìn chung, việc học tập và làm theo Bác ở các ngành, các cấp, các địa phương... vẫn còn không ít hạn chế, đạt kết quả không đều và chưa được như mong muốn. Trong công cuộc chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xây dựng nền hành chính công và thực thi công vụ, vẫn còn những tồn tại nhũng nhiễu, phiền hà, làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Thực tế đó đòi hỏi đảng viên, cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt phải thật sự gương mẫu, đi đầu, lời nói đi đôi với việc làm trong việc học tập và noi gương Bác.

Minh triết của Hồ Chí Minh là sự chắt lọc, hội tụ, tinh hoa của nhiều nền triết học, nền văn hóa khác nhau, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, trở thành một di sản tinh thần cao đẹp và vô cùng quý giá đối với chúng ta. Minh triết Hồ Chí Minh rất rộng lớn và sâu sắc, chí ít, chúng ta phải học tập và làm theo gương Bác trên 4 vấn đề: Tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, lề lối làm việc của người cán bộ cách mạng.

Minh triết của Hồ Chí Minh và nhất là 4 vấn đề lớn đó được thể hiện rất súc tích qua các trước tác của Người như: "Bản án chế độ thực dân Pháp"; "Đường Cách mệnh"; "Tuyên ngôn độc lập"; "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân"; "Sửa đổi lề lối làm việc"; "Di chúc"…, cùng những bài viết, lời huấn thị lúc sinh thời của Bác, để lại cho các thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau 18 chữ vàng vô cùng quý giá, đó là: Trung với nước, hiếu với dân; nhân, dũng, trí, tín; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Tháng 5-1946, nhân dịp Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1-Trường Đại học Trần Quốc Tuấn) khai giảng khóa 1, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm, huấn thị và trao tặng nhà trường lá cờ thêu 6 chữ vàng: “Trung với nước, hiếu với dân”. Lá cờ này đến nay vẫn được gìn giữ và treo ở vị trí trang trọng của nhà trường. Trung với nước, hiếu với dân là phẩm chất chính trị, đạo đức cơ bản nhất, cao đẹp nhất, trước nhất và trên hết của người cách mạng.

Sống tận tâm với nước, chí hiếu với dân, trung thành vô hạn với lý tưởng chiến đấu cao đẹp của Đảng sẽ mãi mãi được yêu quý, tôn vinh; ngược lại, sống hại nước, hại dân, phản bội lý tưởng cách mạng là tội lỗi lớn nhất. Do vậy, đánh giá và sử dụng con người, trước hết phải lấy 6 chữ “trung với nước, hiếu với dân” làm thước đo đầu tiên.

Nhiều lần đến thăm và nói chuyện tại các hội nghị cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, ngành, địa phương, Bác Hồ thường ân cần căn dặn về 4 chữ: Nhân, dũng, trí, tín.

Trị quốc phải lấy đức làm gốc, đặt nhân nghĩa lên hàng đầu. Chỉ có nhân nghĩa mới thu phục được lòng người, còn bạo lực chỉ gây nên hận thù và đố kỵ. Sau thắng lợi, Trần Quốc Tuấn bao giờ cũng đặt lên hàng đầu nhiệm vụ khoan thư sức dân, còn Nguyễn Trãi thì có tuyên ngôn bất hủ: Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo.

Về chữ “nhân”, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có một cảm nhận vô cùng tinh tế về Bác: “Lòng nhân đạo, tình thương đồng bào-đó là điều sâu sắc nhất, tốt đẹp nhất trong con người Hồ Chí Minh”. “Dũng, trí, tín” là yêu cầu phải có ở mọi người, của cán bộ, đảng viên, đặc biệt không thể thiếu đối với những cán bộ lãnh đạo chủ chốt đảm đương trọng trách. “Dũng” là phải kiên quyết, kiên cường; sự yếu mềm và non gan không làm nên việc lớn và thắng lợi; thiếu dũng cảm sẽ không được cấp dưới yêu quý, kính trọng. Biểu tượng tập trung nhất của chữ “trí” là sự sáng suốt và quyết đoán, giúp con người làm nên sự nghiệp lớn, có thể vượt qua mọi nguy nan, thử thách khắc nghiệt và nghiêm trọng nhất. Sự sáng suốt và quyết đoán thường chỉ xuất hiện ở các bậc hiền tài và nhân tài xuất sắc. Các nhà hoạch định sách lược quốc gia đòi hỏi hơn ai hết phải có trí tuệ sáng suốt, quyết đoán mới có thể chèo lái con thuyền đất nước vượt qua sóng gió, cập bờ vinh quang.

Ở mọi người, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đâu đâu cũng cần phải có chữ “tín”. Mất lòng tin là mất tất cả; đã là đảng viên, cán bộ thì phải xác định sống và làm việc như thế nào để được nhân dân tin yêu.

Bác Hồ của chúng ta là một vĩ nhân mà uy tín vượt ra khỏi biên giới quốc gia, lan tỏa trên thế giới, bởi Bác là một bậc đại nhân, dũng, trí, tín. Bác luôn quan tâm khuyên răn chúng ta: Uy vũ không khuất; gian khổ không sờn; tửu, sắc không ham; giàu sang không chuộng; danh lợi không màng; địa vị không ham.

Chúng ta cần thường xuyên soi rọi chữ “tín” của bản thân vì nó liên quan trực tiếp đến thanh danh, uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

8 chữ vàng khác được Bác Hồ căn dặn: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư đã được chúng ta học tập, nói đến nhiều, nhưng đây đó lời nói chưa đi đôi với việc làm, chưa mang lại hiệu quả như ý Đảng, lòng dân mong muốn.

Xin được nói thêm rằng, hai chữ "cần, kiệm" không chỉ mang ý nghĩa thông thường của nó là siêng năng, cần mẫn, chi tiêu dè sẻn. "Cần, kiệm" là một tư tưởng chính trị lớn của Bác. Chữ "cần" thể hiện quan điểm lao động của Bác. Lao động là nền tảng sự sống của cá nhân và góp phần xây dựng tập thể, đất nước; lao động là vinh quang. Mỗi người phải tự giác, yêu quý, hăng hái lao động, lao động có chất lượng, năng suất cao và sáng tạo. Phải tích cực lao động để cải tạo con người, đổi mới và tiến bộ đất nước, đồng thời phải xem tiết kiệm là một quốc sách dựng nước, giữ nước. Bác Hồ từng chỉ rõ: Làm ra nhiều của cải mà phung phí, không biết tiết kiệm thì chẳng khác nào gió vào nhà trống.

Ở thời đại nào, chế độ nào, người dân Việt Nam ta cũng nhìn nhận rất rõ, rất yêu quý những vị quan thanh liêm. Đảng ta đã thẳng thắn chỉ rõ một bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ bất liêm, bất chính, khiến cho tệ tham nhũng, hối lộ, lãng phí, quan liêu trở thành một quốc nạn, dẫn đến 1 trong 4 nguy cơ sống còn của Đảng và chế độ ta. Đây là một cảnh báo hệ trọng, nghiêm khắc, không thể coi thường, vì sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi những kẻ tham nhũng là “giặc nội xâm” phá hoại ta, tội tham nhũng cũng nguy hiểm và lớn như tội làm gián điệp.

4 chữ "chí công, vô tư", nói cách khác là tinh thần dĩ công vi thượng-đó là vẻ đẹp cao quý nhất, ấn tượng sâu sắc nhất về nhân cách của một người cách mạng.

Sinh thời, nếu có ai đó hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kỷ niệm nào sâu sắc nhất với Bác Hồ, Đại tướng thường đáp ngay: “Dĩ công vi thượng”. Và Đại tướng bồi hồi kể lại câu chuyện bên ngọn lửa hồng ngồi sưởi ấm cùng Bác trong hang Pắc Bó (Cao Bằng) năm 1941, Bác bảo: “Chú Văn ạ, làm cách mạng, phải dĩ công vi thượng…”.

Dĩ công vi thượng là lối sống của các bậc hiền tài, quân tử, trượng phu. Họ xem giá trị đích thực của con người là toàn tâm, toàn ý dốc hết sức lực chiến đấu vì hạnh phúc của con người và tiến bộ xã hội, không bao giờ bận tâm toan tính, vun vén đời sống vật chất cao sang cho cá nhân. Họ không mơ tưởng, đam mê danh lợi, vinh hoa, phú quý. Họ ưa chuộng lối sống thanh cao, giản dị và cho rằng chỉ giàu cho mình, sang cho mình là điều đáng xấu hổ.

Bác Hồ đã chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc của vô vàn tội ác”. Cán bộ là công bộc, là đầy tớ tận tụy phục vụ nhân dân. Muốn được như vậy, phải coi “dĩ công vi thượng là một nhân cách hàng đầu”.

Nhân dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2015), tưởng nhớ Bác, đền đáp công ơn của Bác, chúng ta cần thấm nhuần sâu sắc tinh thần 18 chữ vàng của Bác. 18 chữ vàng: Trung với nước, hiếu với dân; nhân, dũng, trí, tín; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư được ghi sâu và thường xuyên tu dưỡng sẽ giúp mỗi người sống tử tế, chân, thiện, mỹ; các nhà lãnh đạo chủ chốt trở thành nhân tài và hiền tài.

HỒ NGỌC SƠN/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất