Chủ Nhật, 28/4/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Ba, 7/6/2016 22:36'(GMT+7)

Tư duy nhiệm kỳ

Ngồi trò chuyện với một chuyên gia nghiên cứu lý luận, biết tôi là người hay theo dõi, quan tâm đến Văn kiện các Đại hội Đảng, ông hỏi: “Trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, phần nói về công tác xây dựng Đảng, cậu có thấy điểm gì mới đáng chú ý không?”. Tôi trả lời là có rất nhiều nội dung mới, trong đó có việc đưa nội dung “đạo đức” vào xây dựng Đảng. Ông bảo đó là điểm mới đáng chú ý. Nhưng còn điểm mới nữa cũng rất đáng quan tâm, đó là lần đầu tiên, Đảng ta đã ghi rõ trong Nghị quyết: Phải khắc phục “tư duy nhiệm kỳ”. Tôi hỏi: “Là người nghiên cứu lý luận và am hiểu đời sống chính trị lâu năm, ông có thể phân tích rõ về “tư duy nhiệm kỳ” được không ạ?”. Như khơi “trúng” mạch nguồn suy nghĩ của ông, ông đã lý giải cho tôi nhiều điều sâu sắc về “tư duy nhiệm kỳ”.

Thời gian gần đây, người ta hay nói đến cụm từ “tư duy nhiệm kỳ”, nhưng thường hàm ý chê bai, phê phán. Thật ra, tự thân “tư duy nhiệm kỳ” không có lỗi. Cái lỗi là do chính người ta quan niệm và thể hiện nó như thế nào trong cuộc sống và công tác mới là điều đáng nói, đáng bàn.

“Tư duy nhiệm kỳ” được hiểu là một người nào đó được bầu cử, bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong một thời gian nhất định, nhưng thường là một nhiệm kỳ kéo dài 5 năm. Trong 5 năm đó, người đứng đầu có để lại “dấu ấn cá nhân” tốt đẹp hay không cho tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình; ngoài yếu tố khách quan, còn phần lớn phụ thuộc vào tài năng, đức độ, bản lĩnh của chính họ.
  
Thực tế cho thấy, không hiếm người đứng đầu sau một nhiệm kỳ lãnh đạo, quản lý - bằng ý thức tận tâm, tận lực, biết cách tập hợp, quy tụ và khơi dậy sức mạnh tập thể một cách khoa học, đúng lúc, đúng chỗ, không ngại khó khăn, gian khổ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; năng động, sáng tạo, tự nguyện hy sinh lợi ích cá nhân để cống hiến toàn bộ trí tuệ, sức lực, tâm huyết của mình cho sự nghiệp chung - góp phần làm chuyển biến nhiều mặt của tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, mang lại lợi ích cho số đông, nên đã để lại một “dấu ấn nhiệm kỳ” tốt đẹp trong lòng dân. Đặc biệt, có người đứng đầu đã không ngại ngần phá vỡ những “rào cản” lạc hậu về cơ chế, chính sách một cách sáng tạo để có những quyết sách, việc làm đột phá, có ý nghĩa tạo bước ngoặt quyết định cho tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương từ hoạt động khó khăn, ì ạch, yếu kém chuyển sang quá trình phát triển thuận lợi, mạnh mẽ nên đã thu được nhiều thành quả vượt bậc. Những người đứng đầu như thế đã để lại một “dấu ấn nhiệm kỳ đặc biệt” trong lịch sử tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mà họ từng gắn bó và công tác.

Tuy nhiên, trong thực tế cũng không hiếm người đứng đầu có cách hiểu chưa đúng, suy nghĩ chưa thấu và có cách hành xử không phù hợp về “tư duy nhiệm kỳ” đã dẫn đến những mặt trái và để lại không ít hệ lụy đáng tiếc, đáng buồn. Có người đứng đầu tuy có đức độ, tâm huyết, trình độ, nhưng thiếu khả năng quyết đoán, làm gì cũng chỉ bám khư khư vào nguyên tắc, dựa dẫm, ỷ lại vào cơ chế, chính sách của trên, mà không dám làm, dám chịu trách nhiệm, không có sáng kiến, hiến kế và quyết sách gì sáng tạo trong suốt nhiệm kỳ nên tổ chức mình vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Có vị lãnh đạo từ nơi khác chuyển đến, tuy có tâm, song “tầm” chưa tới, nhưng lại quá nôn nóng, sớm mong có “dấu ấn nhiệm kỳ” nên đưa ra những chủ trương không sát thực tế, đề xuất những chương trình, dự án, kế hoạch “hoành tráng” mà không mang lại kết quả như ý muốn khiến cho tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị không chuyển động theo chiều hướng tích cực.

Có người ở cương vị “đứng mũi chịu sào” tuy năng nổ, xông xáo, muốn làm thay đổi nhanh chóng tình hình nên đưa ra những chính sách theo ý chủ quan, thiếu cơ sở khoa học, thiếu điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng, thiếu lắng nghe thông tin và tiếp thu ý kiến đúng đắn của các chuyên gia, nhà khoa học và người dân, nên lợi bất cập hại.

Có người giữ vị trí chủ chốt của tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, thời gian đầu nhiệm kỳ tỏ ra rất “trăn trở, lo toan, nặng lòng” với công việc tập thể, nhưng càng về sau, nhất là cuối nhiệm kỳ khi biết mình khó có khả năng tại vị tiếp, nên tìm mọi cách để thu vén lợi ích cá nhân; thậm chí có người tìm mọi sơ hở của cơ chế, chính sách, luật pháp để “vớt một mẻ cuối cùng” càng nhiều càng tốt! Châm ngôn có câu: “Tân quan tân chính sách”. Nếu thủ trưởng mới đưa ra những chủ trương, quyết sách mới đúng quy luật, sát thực tế, hợp lòng người, mang lại lợi ích cho số đông, vì sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững của tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, vì mục tiêu chung của quốc gia, dân tộc, thì họ đã để lại một nhiệm kỳ lãnh đạo đáng nhớ, đáng trân trọng. Còn thủ trưởng mới nào mà đưa ra những ý tưởng theo ý chí chủ quan, những chương trình thiếu khoa học, những giải pháp thiếu khả thi hay “bật đèn xanh” cho cấp dưới triển khai, thực hiện những dự án, đề án nào đó chỉ mang lại lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, làm phương hại đến lợi ích chung, thì nhiệm kỳ lãnh đạo của họ nhanh chóng bị chìm trong quên lãng, thậm chí bị lên án, nguyền rủa trong dư luận. Sau khi phân tích ngọn nguồn, thấu đáo như vậy, vị chuyên gia đáng kính đã “gút” lại vấn đề: Nói tóm lại, người đứng đầu ngoài trình độ, tài năng, tinh thần xả thân, còn phải có bản lĩnh, đạo đức, lương tâm và một lòng một dạ vì dân, vì nước, chí công vô tư, dám vượt lên lợi ích cá nhân, mới có thể ghi lại một “dấu ấn nhiệm kỳ” tốt đẹp. Còn nếu ai đó dù có trình độ, năng lực tốt, gặp đúng vận hội và may mắn được giao trọng trách ở vị trí đứng đầu, song chỉ màng danh lợi cá nhân, vinh thân, phì gia, không hết lòng vì tập thể, vì cộng đồng thì họ đang để lại một “dấu vết nhiệm kỳ” khó gột rửa trong mắt nhân dân./.

Thiện Văn


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất