(TG)-Miền Trung - Tây Nguyên có rất nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp với sự đa dạng, phong phú của các loại đất, khí hậu, thổ nhưỡng. Ở khu vực này trồng được nhiều loại cây khác nhau, kể cả cây ôn đới, từ hoa màu ngắn ngày đến cây công nghiệp dài ngày với năng suất và hiệu quả kinh tế cao như đậu tương, lạc, rau xứ lạnh đến cà phê, cao su, ca cao, thanh long... mà rất ít miền nào ở có được.
Câu hỏi đặt ra là vì sao vùng đất với nhiều lợi thế, đa dạng mà vẫn nghèo và phải chịu phụ thuộc vào thiên nhiên? Trong khi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, kinh tế đất nước đã đi lên, khởi sắc và thu được nhiều thành tựu về kinh tế, xã hội. Nguyên nhân có thể khắng định là do việc đầu tư cho thuỷ lợi, cơ sở hạ tầng chưa tương xứng với yêu cầu, tình hình thực tế. Nếu so sánh với các vùng, miền khác thẳng thắn mà nói thì miền Trung - Tây Nguyên chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ, bài bản, kể cả từ phía Nhà nước, xã hội và người dân. Từ trước đến nay, người dân ở đây chủ yếu dựa vào sự may rủi của thiên nhiên, năm nào mưa thuận gió hoà thì được mùa, nhà nhà có cái ăn, ấm no, vui vầy. Ngược lại nếu thiên tai, hạn hán xảy ra thì không tránh khỏi cảnh thất bát, thiếu ăn.
Ngoài hệ thống kênh mương thuỷ lợi hợp lý, khoa học có tính hệ thống thì việc đầu tư tràn lan hoặc nhỏ giọt, theo kiểu kệ có tiền đến đâu, đầu tư đến đó mà không có kế hoạch kêu gọi, vận đồng đầu tư, huy động, quản lý vốn hiệu quả để tăng nguồn lực. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa có kế hoạch dài hạn, quyết liệt trong việc bảo vệ rừng, tài nguyên đất, ngăn chặn tình hình khai thác khoáng sản tràn lan, xây dựng thủy điện chưa hợp lý làm giảm nguồn nước, không tích trữ được nước, thay đổi dòng chảy...
Sinh ra và lớn lên vùng này nên chúng tôi rất thấu hiểu về sự yếu kém, bất cập của hệ thống thủy lợi, nhiều nơi không có, trắng thủy lợi. Nói không quá khi cho rằng cuộc sống, sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân chủ yếu là nhờ trời! So với các vùng trong cả nước, nhất là miền Bắc hệ thống thuỷ lợi được Nhà nước và nhân dân rất quan tâm đầu tư bài bản, khoa học và có hệ thống. Vì vậy, đã phục vụ rất đắc lực cho nông nghiệp, với năng suất hiệu quả rất cao, mùa màng coi như ăn chắc cuộc sống nhân dân ổn định, ấm no. Trong khi miền Trung cuộc sống, sản xuất của người dân rất bấp bênh, cứ vào mùa mưa là lũ lụt, mùa khô là hạn hán, thiếu nước nên đời sống nhân dân khó khăn, không ổn định. Các cơ quan chức năng thường giải quyết các tình huống như hạn hán, lũ lụt mang tính đối phó, xử lý tình thế một cách tạm thời chưa có giải pháp mang tính toàn diện, hệ thống.
Để phát triển bền vững nền nông nghiệp, phòng chống thiên tai có hiệu quả ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần có biện pháp quyết liệt, dài hạn nhằm huy động nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống thuỷ lợi, phục vụ công tác tưới tiêu hợp lý. Về lâu dài cần có giải pháp toàn diện, tổng thể, trong đó quan trọng nhất là phải ưu tiên đầu tư hệ thống thuỷ lợi bài bản, có hiệu quả. Điều này nhằm xây dựng khu vực này thành vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng - an ninh của đất nước xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh và vị trí chiến lược vốn có của nó./.
Vĩnh Linh