Chất cấm liên quan đến hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm xuất hiện tràn lan, là vấn đề đã được truyền thông cảnh báo thường xuyên, liên tục và được nhiều người biết đến. Nhưng có lẽ ít người “định lượng” được loại hàng hóa nêu trên đang tồn tại trên thị trường nước ta.
Bởi thế, rất nhiều người đã phải giật mình vì những con số được đưa ra trong phiên họp giữa 5 bộ, ngành, do Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, về tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và các chất dùng trong chế biến thực phẩm, nông nghiệp vừa được tổ chức ngày 2-12.
Đáng chú ý hơn cả là con số “khủng” mà Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố: 80% các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi được thanh tra có sử dụng chất cấm hoặc thừa nhận từng sử dụng một loại chất cấm. Ngoài ra, trong số 3.103 cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc thú y, thủy sản được thanh tra, kiểm tra thì có tới 30% cơ sở có hành vi vi phạm…
Báo chí nói nhiều, dư luận lên án nhiều, những hệ lụy từ sử dụng thực phẩm bẩn do sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm, đặc biệt là với sức khỏe người tiêu dùng, đã quá rõ ràng, song tại sao những con số liên quan đến các sai phạm trong kinh doanh và sử dụng những chất này vẫn gia tăng với cường độ chóng mặt như vậy?
Phải chăng do năng lực của các cơ quan chức năng có vấn đề?
Có thể là như vậy, song đó chưa hẳn là nguyên nhân chính và cũng không phải là tất cả!
Một trong những nguyên nhân sâu xa được chỉ ra là do chính quyền địa phương cũng như lực lượng chức năng chưa tích cực vào cuộc. Đặc biệt, một bộ phận cán bộ tha hóa, biến chất, tiếp tay, bảo kê, thờ ơ với lĩnh vực này-nhận định này đã được thẳng thắn nêu lên trong cuộc họp nói trên. Đặc biệt, có thành viên dự họp đã khẳng định có địa phương, lực lượng chức năng tiếp tay, bao che cho sai phạm, “hô biến” hoàn toàn những yếu tố cấu thành hình sự trong hồ sơ các vụ thanh tra, kiểm tra.
Chắc chắn, khi những bất cập, yếu kém, khuyết điểm nêu trên còn tồn tại và không được ngăn chặn, triệt tiêu, sẽ có thêm những con số “khủng” khác tiếp tục “rung chuông”, “tuýt còi” báo động. Và người chịu hậu quả nặng nề nhất không phải ai khác mà chính là người tiêu dùng. Chúng ta đừng “bắt” tất cả mọi người phải là “người tiêu dùng thông thái” trong lựa chọn thực phẩm sạch, bởi không phải ai cũng có chuyên môn “kiểm định” thực phẩm, nhất là khi thực phẩm bẩn xuất hiện với số lượng ngày càng lớn lớn, tồn tại tràn lan, “tấn công” không chỉ các chợ cóc mà còn được tuồn cả vào siêu thị như truyền thông đã từng phản ánh.
Đề giải quyết căn cơ vấn đề thực phẩm bẩn, thì trước hết phải triệt tận gốc tình trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm, bởi đây chính là những thứ “vấy bẩn” lên thực phẩm, hàng tiêu dùng...
Để thực hiện rốt ráo mục tiêu này, cần nhiều giải pháp đồng bộ, mà trước tiên và trên hết vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với cộng đồng của người sản xuất, kinh doanh, sử dụng các mặt hàng phục vụ chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên thực tiễn đã và đang chỉ ra, nếu chỉ tuyên truyền thôi vẫn chưa đủ, và “vấn nạn chất cấm” vẫn sẽ tiếp tục nhức nhối như hiện nay. Bởi thế, cần phải thực hiện nghiêm túc, kiên quyết, triệt để một số biện pháp khác, như nâng cao trình độ, phẩm chất, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là lực lượng làm công tác quản lý thị trường; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng các mặt hàng phục vụ chăn nuôi, trồng trọt và thậm chí thanh tra, kiểm tra cả kết quả thực hiện nhiệm vụ của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trong lĩnh vực này; phát huy vai trò “tai mắt” của quần chúng nhân dân và các cơ quan thông tin, truyền thông; và khi vụ việc xảy ra ở địa bàn nào, người đứng đầu địa bàn phải chịu trách nhiệm, như kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận tại cuộc họp của 5 bộ vừa qua. Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng những chế tài đủ mạnh, làm cơ sở xử lý thích đáng những người tiếp tay, bao che cũng như sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm./.
Gia Lương/QĐND