Đổi mới thể chế kinh tế là một quá trình
liên tục và không có điểm dừng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia
nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với biên độ hội nhập ngày
càng cao.
Những ngày qua, thông tin quý I-2016 cả nước có hơn 2 vạn doanh nghiệp (DN) tạm ngừng hoạt động, chiếm hơn 80% tổng số DN mới thành lập trong cùng thời gian trên nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Về cơ bản, một số chuyên gia kinh tế tỏ ra lo ngại và cho rằng số liệu này bộc lộ rằng cộng đồng DN nước nhà đang "đuối sức", dẫn tới phải tạm ngừng hoạt động và sau đó rất có thể là phải phá sản. Điều này cũng dẫn tới nguồn thu ngân sách qua hoạt động đóng thuế của DN giảm sút... Xét trong điều kiện nền kinh tế đang đẩy mạnh tái cơ cấu, hội nhập quốc tế sâu rộng thì những nghi ngại trên là đúng nhưng chưa đủ và ở góc độ nào đó không nên quá bất ngờ. Vì sao vậy?
Trước hết, trong một thời gian dài, số liệu chuẩn xác về cộng đồng DN Việt Nam chỉ là một con số tương đối nếu không muốn nói là nhiều trường hợp có độ vênh rất lớn ngay giữa các bộ, ngành ở cùng một thời điểm. Đặc biệt, việc chúng ta buông lỏng chế độ "hậu kiểm" trong khi tạo điều kiện dễ dàng cho việc thành lập DN cũng bộc lộ hạn chế. Đó là nơi đăng ký DN theo giấy phép và nơi hoạt động thực không đồng nhất, kéo theo công tác quản lý, nhất là khâu quản lý thuế lúng túng, bị động. Đặc biệt, việc DN thành lập quá dễ nhưng khi sản xuất, kinh doanh không hiệu quả muốn phá sản lại quá phức tạp, trong khi đây cần được xem là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường. Điều này dẫn đến số lượng DN "chết lâm sàng", không có đóng góp gì cho nền kinh tế luôn chiếm một lượng khá lớn, được minh chứng bằng việc trong nhiều năm, số DN làm thủ tục phá sản dừng lại ở con số vài trăm một năm, không phản ánh đúng thực tế nền kinh tế… Nhưng, khi Luật Phá sản năm 2014, có hiệu lực thi hành ngày 1-1-2015, thay thế Luật Phá sản năm 2004 thì "nút thắt" trên đã dễ dàng hơn trước rất nhiều, tạo điều kiện cho cả DN và các cơ quan quản lý. Điều đó dẫn đến việc số DN trên giấy tờ và số DN "sống thật" trên thực tế đang ngày càng tiệm cận nhau.
Trong khi đó, có một thời gian dài, thể chế kinh tế của chúng ta hướng mạnh vào thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tạo nhiều "siêu ưu đãi" cho cộng đồng DN nước ngoài vào làm ăn mà có phần xem nhẹ cộng đồng DN dân doanh trong nước. Điều này thể hiện qua hàng loạt những ưu đãi, "trải thảm đỏ" về vốn, lãi suất, công nghệ, thuế, thủ tục tiếp cận đất đai… đã từng được các địa phương ban hành thời gian qua. DN FDI với nhiều ưu đãi, cộng với tiềm lực tài chính, nhân lực… mạnh nên dễ dàng lấn át DN trong nước là điều không quá ngạc nhiên. Ở chiều ngược lại, DN Việt Nam cơ bản có mô hình nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, đi lên từ kinh tế hộ gia đình vốn đã thiếu thốn đủ bề nay lại không được ưu đãi thì chịu thua thiệt đủ bề.
Đổi mới thể chế kinh tế là một quá trình liên tục và không có điểm dừng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với biên độ hội nhập ngày càng cao. Điều đó dẫn tới việc DN cũng phải chịu áp lực cạnh tranh, đào thải cao hơn theo quy luật của nền kinh tế thị trường. Trong bối cảnh đó, không có cách nào khác là phải tập trung cao độ thúc đẩy phát triển DN trong nước, mà chủ yếu là DN tư nhân Việt Nam, về cả số lượng và chất lượng, coi đây là nhiệm vụ của bộ máy nhà nước các cấp. Phải coi "sức khỏe" của DN trong nước chính là "sức khỏe" của nền kinh tế. Trước mắt phải nâng cao cho được năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho các DN trong nước thông qua hoàn thiện, củng cố nền tảng của kinh tế thị trường, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản và xác định các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và thông tin giữa các loại hình DN với nhau. Đã đến lúc phải đặt nhiệm vụ bồi dưỡng, hun đúc tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ, tạo điều kiện cho DN trong nước phát triển là ưu tiên số một trong những năm sắp tới.
Đan Nhiễm/Hà Nội Mới