Thứ Tư, 23/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Chủ Nhật, 9/12/2012 8:48'(GMT+7)

Tự giác, trung thực trong tự phê bình và phê bình

 

Có thể nói, việc rút kinh nghiệm kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thật sự là tấm gương và có tác dụng tích cực đến kết quả tự phê bình và phê bình của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương. Ðến nay, hầu hết các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương đã cơ bản tiến hành kiểm điểm xong bước 1 và đang triển khai thực hiện đến cấp huyện ủy và tương đương. Từ thực tiễn ở những nơi đã tiến hành cho thấy, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình có đạt yêu cầu đề ra hay không thì sự tự giác, trung thực, thẳng thắn, cầu thị và dũng cảm nhận khuyết điểm của cán bộ, đảng viên là yếu tố có ý nghĩa quyết định.

Trong tự phê bình thì sự tự giác của mỗi người là yếu tố quyết định. Khi thật sự tự giác, mỗi cán bộ, đảng viên mới nghiêm túc nhìn nhận, soi xét lại suy nghĩ, hành động của bản thân mình. Từ đó, mới thấy rõ những ưu điểm của mình để tiếp tục phát huy và những hạn chế, khuyết điểm để kịp thời sửa chữa, khắc phục. Không ai có thể hiểu rõ mình bằng chính mình và không có ai biết rõ được tư tưởng, suy nghĩ của người khác. Chỉ có bản thân mỗi người mới biết được mình đã và đang nghĩ gì, làm gì. Những suy nghĩ và việc làm đó của mình đúng hay sai, tốt hay xấu cũng chỉ người đó mới biết rõ nhất, chính xác nhất. Vì vậy, kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong toàn Ðảng lần này phụ thuộc vào sự tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên. Nếu cán bộ, đảng viên tự giác cao thì kết quả đạt được sẽ cao; nếu cán bộ, đảng viên tự giác thấp thì kết quả đạt được sẽ thấp và nếu cán bộ, đảng viên không tự giác thì kết quả sẽ bằng không. Như vậy, Nghị quyết T.Ư 4 sẽ không vào cuộc sống và nhân dân càng suy giảm niềm tin đối với sự lãnh đạo của Ðảng. Tuy nhiên, để mỗi người tự giác nhìn nhận thấy hết những khuyết điểm, yếu kém của bản thân là "một cuộc đấu tranh gay go, gian khổ diễn ra trong mỗi con người" như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói. Vì vậy, bên cạnh việc đòi hỏi sự tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, phải tăng cường sự chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy cấp trên; sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng với thanh tra của các cơ quan nhà nước; phát huy vai trò giám sát của nhân dân; sự phát hiện, đấu tranh của báo chí và dư luận xã hội mới đem lại kết quả như mong muốn.

Nếu sự tự giác là yêu cầu đòi hỏi đối với mỗi cán bộ, đảng viên khi tự phê bình, thì sự trung thực, thẳng thắn là yêu cầu đòi hỏi đối với mỗi người cả khi tự phê bình mình cũng như khi phê bình người khác. Như vậy, cùng với việc phát huy tính tự giác của mỗi người thì việc đề cao tính trung thực, thẳng thắn, khách quan trong tự phê bình và phê bình có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chỉ có những người trung thực, thẳng thắn mới dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, nói hết ưu điểm, khuyết điểm của mình khi tự phê bình; mới khách quan, công tâm khi phê bình người khác, giúp nhau cùng tiến bộ. Ðối với những người không trung thực hoặc thiếu trung thực thì khi tự phê bình thường chỉ thấy ưu điểm và giấu giếm khuyết điểm của mình, hoặc nếu có nêu khuyết điểm thì thường chỉ là những khuyết điểm chung chung, vô thưởng, vô phạt. Khi phê bình người khác, thường thiếu công tâm, khách quan: đối với cấp trên thì ca ngợi, phóng đại thành tích để lấy lòng; đối với đồng cấp, đồng nghiệp thì thấy ai cũng không bằng mình; đối với cấp dưới thì xem thường, không thấy sự cố gắng và thành tích của họ, v.v. Như vậy, những người thiếu trung thực thường là người cơ hội, thực dụng, vụ lợi, nói không đi đôi với làm, nghĩ một đằng làm một nẻo. Những người thiếu trung thực không chỉ làm mất uy tín của bản thân họ mà còn làm suy giảm uy tín và sức mạnh của Ðảng, phải kiên quyết đấu tranh trong từng tổ chức đảng, khắc phục tình trạng đảng viên "đông nhưng không mạnh".

Mục tiêu, yêu cầu mà Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng đề ra là: Qua tự phê bình và phê bình, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên thấy rõ những ưu điểm và hạn chế, khuyết điểm của mình; chỉ rõ nguyên nhân để đề ra các giải pháp và quyết tâm sửa chữa, khắc phục. Như vậy, cùng với sự tự giác, trung thực trong tự phê bình và phê bình để làm rõ ưu điểm, khuyết điểm của mình, đòi hỏi mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên phải có bản lĩnh, lòng tự trọng, dám vượt lên chính mình, dũng cảm nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa theo gương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ở Hội nghị T.Ư 6 vừa qua. Chính việc công khai khuyết điểm và dũng cảm nhận khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp không những không làm cho Ðảng mất uy tín, mà ngược lại càng làm cho uy tín của Ðảng nâng lên, sức mạnh của Ðảng càng được tăng cường, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Ðảng càng được củng cố vững chắc.

Thiết nghĩ, để cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và cán bộ, đảng viên tự giác, trung thực, thẳng thắn, nghiêm túc trong tự phê bình và phê bình, dám công khai khuyết điểm của mình và dũng cảm nhận khuyết điểm để quyết tâm sửa chữa, khắc phục thì sự gương mẫu, nêu gương của cấp trên, nhất là của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị là hết sức quan trọng và cần thiết./.

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất