Lời ăn tiếng nói trong cuộc sống hàng ngày như “cơm ăn áo mặc”. Nhưng nói làm sao cho đẹp, đúng mực và tạo ra không khí vui vẻ thân tình, hài lòng người nghe là điều cần có sự rèn luyện và tu dưỡng của mỗi người. Hiện nay, khá phổ biến tình trạng trẻ em nói tục, chửi bậy, nhất là ở các khu chợ, làng quê. Sự dễ dãi trong lời ăn tiếng nói cũng là một khía cạnh của sự buông thả trong lối sống.
Đất nước ta đang hướng tới cho một nền kinh tế tri thức, thì cách nói năng thô tục không thể chấp nhận được. Một khía cạnh của xã hội văn minh là ở đó mọi người, đặc biệt là trẻ em không nói tục, chửi bậy. Muốn được vậy, trẻ em phải được rèn giũa ngay trong trường học và gia đình. Trẻ em như tờ giấy trắng, không tự biết nói bậy, mà bị ảnh hưởng trước hết từ gia đình và những người xung quanh. Nếu cha mẹ, anh chị thường nói tục, chửi bậy thì thế nào trẻ nhà đó cũng như vậy. Xưa, ông cha ta thường dạy: “Tiên học lễ, hậu học văn”, cho thấy lễ tiết rất được coi trọng - thể hiện một khía cạnh văn hóa của dân tộc, đặc biệt là các dân tộc phương Đông.
Trong các gia đình xưa, lễ giáo được xem như điều căn bản. Ở Việt Nam ta, bất luận người giàu, kẻ nghèo, nếp sống của gia đình xưa khá chuẩn mực, có quy tắc. Con cái phải vâng lời cha mẹ, người ít tuổi phải lễ độ với người nhiều tuổi hơn, đi thưa về trình. Cuộc sống hiện đại không đòi hỏi con người phải giữ những nghi lễ quá khắt khe đến từng tiểu tiết kiểu phong kiến. Lớp trẻ có thể phát huy tính sáng tạo, tự do phát triển và trong gia đình mối quan hệ dân chủ hơn. Tuy nhiên, hiện đại không có nghĩa là “phát triển tự do” bừa bãi, không có lề thói, không có chuẩn mực đạo đức, bỏ qua những quy tắc cơ bản trong giao tiếp, từ những việc nhỏ như việc cảm ơn, xin lỗi hay chào hỏi, kính trên nhường dưới v.v... đến những việc ứng xử ngoài xã hội như tôn trọng người khác, chấp hành luật pháp...
Lời ăn tiếng nói đến hình thức ứng xử hàng ngày ở nơi công cộng phản ánh trình độ văn hóa của mỗi người. Nhiều người băn khoăn cho rằng phải chăng trong xã hội ngày nay văn hóa ứng xử đang xuống cấp? Chỉ đơn cử một số chuyện xảy ra nơi công cộng như trên xe buýt, trên đường, trong bệnh viện, nơi thanh toán bán hàng ở các trung tâm lớn... tình trạng chen lấn, xô đẩy vẫn còn phổ biến; người trẻ tuổi không biết nhường người nhiều tuổi, nam giới cậy khỏe chen lấn, chiếm chỗ của phụ nữ, thậm chí xô đẩy cả phụ nữ có thai, ít khi thấy có nam giới giúp đỡ phụ nữ, cụ già mang vác những vật nặng... Những hành vi đẹp như đưa người già qua đường hay giúp đỡ người tàn tật dường như ngày càng hiếm hoi.
Trang phục cũng là một mặt thể hiện cá tính, phẩm cách, sự tôn trọng của mỗi cá nhân đối với mọi người chung quanh. Những năm gần đây, đời sống được cải thiện, hàng hóa phong phú và dễ mua hơn với thu nhập bình quân trong xã hội, có nhiều chủng loại quần áo khác nhau để lựa chọn. Thế nhưng vẫn còn một số người khi đến những nơi công cộng như: Siêu thị, chợ, bến xe, trường học, bệnh viện, rạp chiếu phim, lễ hội, đình chùa... ăn mặc “hở trên, hở dưới” hoặc không phù hợp như mặc đồ bộ (đồ ngủ), quần soóc, áo thun ba lỗ đến những nơi công cộng, thậm chí vào công sở quan hệ công việc. Nhiều “mốt” được các nhà may mặc, thiết kế thời trang và người tiêu dùng trẻ tuổi lựa chọn theo cảm tính là hiện đại theo phương Tây nhưng không phù hợp vóc dáng người Á Đông, nên trông rất phản cảm.
Có lẽ bên cạnh vận động trên các phương tiện truyền thông, giáo dục trong đoàn thể, nhà trường... cũng cần có những quy định về ăn mặc nơi công cộng. Bên cạnh đó, ngay từ trong nhà trường, gia đình, từ lớp mẫu giáo đến tốt nghiệp trung học, đại học cần đưa ra những định hướng về ăn mặc thế nào là đẹp, thanh nhã để dần dần thành phản xạ của lớp trẻ./.
Hoàng Việt