Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Ba, 19/8/2008 22:15'(GMT+7)

Hà Nội, dấu ấn của những ngày Tháng Tám

Từ Tân Trào, dòng thác cách mạng cuộn về Hà Nội. Ngày 16-8-1945, Thành ủy Hà Nội họp ở xóm Duệ Tú (phường Dịch vọng) thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng. Chiều 17-8-1945, Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội quyết định biến cuộc mít-tinh do Tổng hội viên chức của chính quyền bù nhìn tổ chức thành cuộc biểu dương lực lượng tuyên truyền cách mạng.

Tại Nhà hát Lớn, 14 giờ chiều, khi chuẩn bị mít-tinh thì cờ đỏ sao vàng do các đội viên tuyên truyền Hà Nội tung rộng xuống lễ đài. Khi cán bộ Việt Minh kêu gọi đồng bào đoàn kết, nổi dậy giành chính quyền, chuyển cuộc mít-tinh sang biểu tình, tuần hành, đồng bào đã nhanh chóng hưởng ứng. Ðây là những giây phút đầu tiên của cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Tối hôm ấy, Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội họp hội nghị cán bộ mở rộng quyết định tiến hành Tổng khởi nghĩa vào sáng 19-8-1945.

Cuộc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tiến hành gấp rút. Vũ khí giấu ở ngoại thành được chở về phân phát cho các đội tự vệ trong thành. Sáng sớm 19-8-1945, mọi nẻo đường Hà Nội rực rỡ mầu cờ. Từ các cửa ô, đồng bào nườm nượp hướng về Nhà hát Lớn. 11 giờ, cuộc mít-tinh bắt đầu. Sau lời kêu gọi toàn dân khởi nghĩa của đại diện Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội, cuộc mít-tinh chuyển thành biểu tình vũ trang đánh chiếm Phủ Khâm sai, Tòa thị chính, Sở Cảnh sát trung ương, trại Bảo an binh, kho bạc, Sở Mật thám...

Ðến ngày 25-8, toàn bộ các xã ngoại thành đã thành lập các Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời. Hà Nội vinh dự đón Bác Hồ từ Việt Bắc trở về. Sáng 2-9-1945, hàng trăm nghìn người dân Thủ đô náo nức hướng về vườn hoa Ba Ðình, chào đón Chính phủ cách mạng lâm thời. Ngày thu 63 năm trước, lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập trở thành thời khắc lịch sử thiêng liêng của đất nước.

Mùa thu năm nay, Hà Nội thêm một lần ghi dấu ấn khi chính thức hoạt động theo địa giới hành chính mới, với diện tích tự nhiên 3.344,47 km2, dân số hơn 6,23 triệu người. Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô ý thức rõ đây là sự kiện trọng đại, là cơ hội và trọng trách lớn lao để xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ý thức về trách nhiệm và niềm vinh dự, BCH Ðảng bộ Hà Nội (mới) trong kỳ họp hợp nhất thẳng thắn chỉ ra những thách thức trong thời gian tới. Ðó là, khối lượng công việc liên quan mở rộng địa giới mà thành phố phải tập trung giải quyết là rất lớn, phức tạp và chưa có tiền lệ, những thay đổi trong bộ máy, tư tưởng của cán bộ, công chức, sự khác nhau giữa hệ thống các cơ chế, chính sách của Hà Nội và các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình hợp nhất, giữa trình độ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Hà Nội mới, những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao trong công tác chỉ đạo, điều hành... Làm thế nào để Hà Nội phát triển tương xứng tiềm năng? Câu hỏi này được Thành ủy, HÐND đưa ra phân tích, lý giải, tìm cách khắc phục không né tránh.

Phát huy nội lực, khơi dậy mọi tiềm năng, thế mạnh, chủ động, đổi mới phong cách lãnh đạo, với tinh thần đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm là tư tưởng chỉ đạo của Hà Nội bước vào thời kỳ mới. Không phải bằng khẩu hiệu, mà điều này được thể hiện bằng việc làm cụ thể.

Ngay sau ngày 1-8-2008, bộ máy hành chính mới của Thủ đô đi vào hoạt động, giải quyết tốt các công việc. Trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính đã được bố trí, sắp xếp hợp lý với tinh thần tập trung, tiết kiệm, tạo thuận lợi cho người dân đến giao dịch. Những ngày này, các sở, ngành vừa di chuyển trụ sở, vừa bảo đảm tốt công việc, nhất là những việc liên quan dân. Không khí làm việc khẩn trương, không có ngày nghỉ.

Tất cả các sở, ban, ngành đã hoàn thành việc phân công nhiệm vụ cho lãnh đạo và trưởng, phó các phòng, ban, đơn vị trực thuộc. Các cơ quan chức năng đã khẩn trương rà soát, tham mưu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành tập trung xây dựng và ban hành 44 văn bản mới về cơ chế, chính sách, sớm khắc phục những điểm còn "vênh" trong văn bản pháp quy của Thủ đô sau khi mở rộng.

Ngay sau khi tiếp nhận bàn giao bốn xã Ðông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung, từ huyện Lương Sơn (Hòa Bình), lãnh đạo thành phố Hà Nội đã trực tiếp khảo sát, chỉ đạo các đơn vị có liên quan sớm triển khai việc cung cấp điện cho khoảng 300 hộ dân thuộc địa bàn bốn xã này.

Tập trung nguồn lực cho các dự án giao thông, từ ngày 20-8, UBND quận Thanh Xuân sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng, đền bù, thu hồi, tái định cư cho hơn 400 hộ dân thuộc dự án nút Thanh Xuân - điểm giao cắt giữa tuyến đường vành đai 3 với quốc lộ 6. Ðây là dự án quan trọng, góp phần giải tỏa tình trạng ách tắc giao thông trên một trong những tuyến đường huyết mạch của Thủ đô. Sau ngày hợp nhất, các ngành, các quận, huyện, các doanh nghiệp của Thủ đô cùng chuyển động, bước đầu có những tín hiệu vui. Ðó là nét mới ở Thủ đô, là niềm vui nhân lên trong không khí của mùa Thu Cách mạng.

Theo PHƯƠNG MINH (ND)

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất