Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 5/11/2012 10:18'(GMT+7)

Vận dụng tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công tác tuyên giáo

Chủ tịch Hồ Chí Minh kiểm tra công tác chống hạn tại kè Lũ Yên (huyện Phú Bình - Thái Nguyên) ngày 02/3/1958. (Ảnh: Tư liệu).

Chủ tịch Hồ Chí Minh kiểm tra công tác chống hạn tại kè Lũ Yên (huyện Phú Bình - Thái Nguyên) ngày 02/3/1958. (Ảnh: Tư liệu).

Lâu nay, chúng ta thường biết đến công tác dân vận, công tác tuyên giáo của Đảng như là hai bộ phận chuyên môn riêng biệt, thuộc về hai cơ quan nằm trong hệ thống các cơ quan tham mưu cho cấp uỷ (dân vận, tuyên giáo, tổ chức, kiểm tra và văn phòng cấp uỷ). Tuy nhiên, nội dung hoạt động chuyên môn của tuyên giáo và dân vận lại có những điểm khá gần gũi nhau. Nếu phân tích tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận và công tác tuyên giáo, ta sẽ dễ dàng nhận ra những điểm tương đồng, qua đó để vận dụng vào công việc một cách hiệu quả.

Trong tác phẩm “Dân vận” đăng trên tờ Sự thật, ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Ðoàn thể đã giao cho” (1). Như vậy, “dân vận”, hiểu theo nghĩa giản dị nhất - chính là công tác tuyên truyền và vận động nhân dân.

Trong bài “Người tuyên truyền và cách tuyên truyền” đăng trên báo Sự thật số 79 (từ ngày 26/6 đến ngày 9/7/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại” (2).

Từ hai khái niệm trên cho thấy, công tác dân vận và công tác tuyên truyền (nội dung trọng tâm của công tác tuyên giáo) có nhiều điểm tương đồng. Tất cả đều hướng đến một mục tiêu: làm cho người dân tự giác, hăng hái tham gia cách mạng, ủng hộ cách mạng.

Ngày nay, theo yêu cầu của công việc, chúng ta đã phân ra chức năng hai lĩnh vực thuộc công tác tham mưu cho cấp uỷ là Tuyên giáo và Dân vận một cách rất rõ ràng. Theo đó, công tác tuyên giáo tập trung vào tuyên truyền, giáo dục cho đối tượng cán bộ, đảng viên là chủ yếu, ngoài ra còn mở rộng cả tới đông đảo quần chúng nhân dân. Còn đối với công tác dân vận, chỉ tập trung vào đối tượng là quần chúng nhân dân. Về hình thức công tác, đối với ngành tuyên giáo, chủ yếu là tuyên truyền; còn đối với dân vận thì chủ yếu là vận động. Về nội dung, đối với ngành tuyên giáo là tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; còn đối với công tác dân vận, tập trung vào vận động người dân thực hiện những nội dung cụ thể nhằm hiện thực hoá các chủ trương, đường lối đó. Tuy vậy, trong thực tiễn công tác đã cho thấy: tuyên truyền và vận động luôn gắn chặt với nhau. Trong vận động đã có tuyên truyền để dân hiểu, và ngược lại, tuyên truyền phải gắn liền với vận động để dân theo, dân làm.

Theo Hồ Chí Minh, “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Óc nghĩ” chẳng những là phải biết hoạt động một cách có chủ đích, mà xa hơn, là cần phải nắm vững những lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nắm vững lý luận và dựa trên thực tiễn để suy nghĩ ra những phương pháp, cách thức tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục quần chúng. Đây là yếu tố đầu tiên, mang tính xuất phát điểm. Việc nắm vững lý luận là đòi hỏi tất yếu, là một yêu cầu đối với bất kỳ lĩnh vực công tác nào của Đảng, trong đó có cả công tác dân vận và công tác tuyên giáo, và rộng hơn là yêu cầu đối với mọi cán bộ, đảng viên. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi” (3).

“Mắt trông” là biết quan sát thực tiễn, thường xuyên sâu sát cơ sở, từ đó biết xác định được đúng, sai, nhận rõ bản chất và hiện tượng của từng sự việc. Trong công tác tuyên truyền, Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh yếu tố này. Theo Hồ Chí Minh, khi đến một địa phương nào, người tuyên truyền cũng cần phải đi thăm các cụ phụ lão, các người phụ trách, rồi đi thăm các nhà đồng bào để gây cảm tình và để hiểu biết tình hình địa phương; sau đó hiểu rõ trình độ dân nơi ấy, những phong tục, tập quán của địa phương... Nghĩa là phải nắm vững đối tượng, nắm chắc thực tiễn, trên cơ sở đó, sử dụng các phương pháp cho thích hợp với đối tượng.

Tai nghe” là một phương pháp khoa học của công tác dân vận, giúp người làm dân vận nắm bắt kịp thời các thông tin từ quần chúng, hiểu được những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân. Quan điểm lắng nghe thông tin, ý kiến phản hồi của đông đảo nhân dân cũng được Hồ Chí Minh đề cập trong phương pháp tuyên truyền của người cán bộ cách mạng. Người thẳng thắn chỉ ra: “Chớ có lên mặt làm “quan cách mạng”. Chớ có tưởng đi tuyên truyền đây là đi dạy người ta chứ không cần học lại người ta, lãnh đạo người ta chứ không chịu người ta phê bình” (4).

“Chân đi” cũng là thể hiện sự xông xáo, nhiệt tình của người cán bộ. Đi để gần dân, sát dân, chính là giúp người làm dân vận không xa rời và lạc hậu với thực tiễn sinh động của cơ sở.

Miệng nói, tay làm” chính là thể hiện sự làm mẫu, và xa hơn là để chứng minh lời nói đi đôi với việc làm nhằm tăng tính thuyết phục. Đây cũng chính là yêu cầu quan trọng trong công tác tuyên truyền: người cán bộ không chỉ nói, mà còn phải làm được. Hồ Chí Minh yêu cầu bản thân người làm công tác tuyên truyền, giáo dục cũng phải là một tấm gương sáng. Theo Hồ Chí Minh, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (5). Bởi vậy, muốn hướng dẫn nhân dân thì tự mình phải mực thước để người ta bắt chước. Đây là phương pháp tuyên truyền không thông qua nói, viết mà bằng việc làm, bằng hành động cụ thể, “nói đi đôi với làm”. Người tuyên truyền còn phải chú ý đề cao phương pháp nêu gương. Việc lấy gương tốt trong cán bộ, đảng viên, quần chúng, những nhân tố tích cực ở cơ sở... để giáo dục là phương pháp tuyên truyền, giáo dục sinh động, có sức thuyết phục, biết dựa vào dân để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Hãy lấy một ví dụ rất điển hình mà nhiều địa phương trong cả nước đã làm tốt trong thời gian vừa qua để phân tích, đối chiếu, đó là việc vận động người dân tự nguyện hiến đất làm đường. Quyền sử dụng đất của người dân đã được Nhà nước công nhận thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ dân. Đương nhiên, khi có nhu cầu thu hồi đất để phục vụ cho mục đích khác theo quy định của pháp luật, Nhà nước sẽ phải bồi thường cho người sử dụng đất đó. Nhưng mặt khác, để phục vụ cho việc làm đường dân sinh, không phải lúc nào địa phương cũng có đủ kinh phí để lo cả việc bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư làm đường. Nhiều trường hợp, nếu chỉ phải chi phí cho làm đường, địa phương sẽ đủ kinh phí, còn nếu phải “cõng” cả bồi thường, giải phóng mặt bằng thì sẽ không đủ, dự án sẽ không thực hiện được. Nguyện vọng của đông đảo người dân là mong muốn có con đường khang trang, thuận lợi cho việc đi lại và thông thương, phát triển kinh tế. Ngay chính người có đất nơi con đường đi qua cũng muốn sớm có đường để mảnh đất của mình tăng thêm giá trị... Vậy là giải pháp “hiến đất làm đường” được nêu ra. Nếu mới nghe nói, nhiều người sẽ nghĩ làm gì lại có ai “hiến đất” trong thời buổi “tấc đất tấc vàng” ngày nay? Thế nhưng không phải. Khi mà lợi ích của người dân đã phần nào được bù đắp (do con đường mang lại), và quan trọng hơn là tinh thần vì cộng đồng, vì làng xóm, vì xã hội… được khêu gợi và phát huy, thì kết quả đạt được lại khiến người ta kinh ngạc! Đã không ít người tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất để làm đường mà không đòi hỏi gì. Hàng trăm con đường đã được hình thành nên từ phong trào hiến đất làm đường ở trong cả nước.

Đó là kết quả cụ thể của công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống. Nếu người làm công tác đảng không bám sát thực tiễn, không nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân, không biết tuyên truyền, vận động để khơi gợi, phát huy sức mạnh tiềm tàng trong nhân dân, thì làm sao có thể thực hiện một chủ trương thiết thực, hiệu quả, hợp “ý Đảng, lòng dân” như vậy.

Tuyên giáo cũng như Dân vận, là những công tác hết sức quan trọng trong hệ thống các công tác tham mưu xây dựng Đảng ở các cấp. Hiện nay, bên cạnh những mặt thuận lợi là cơ bản, chúng ta cũng đang gặp phải không ít khó khăn, hạn chế trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Những chỉ dẫn nêu trên của Hồ Chí Minh về phương pháp tuyên truyền, vận động quần chúng là những cẩm nang vô cùng quý giá, có ý nghĩa to lớn cả về thực tiễn và lý luận. Vận dụng thật tốt những chỉ dẫn đó, chẳng những sẽ giúp chúng ta làm tốt công tác Tuyên giáo, công tác Dân vận, mà còn giúp làm tốt công tác xây dựng Đảng, chính quyền ở từng địa phương, đơn vị./.

Lê Quang Dực
UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Nguyên

__________________________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2002, tập 5, tr.698

(2) Sđd, tập 5, tr. 162

(3)
Sđd, tập 5, tr.233

(4)
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2000, tập 4, tr.72

(5) Sđd, tập 1, tr.263

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất