Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 12/3/2012 10:44'(GMT+7)

Văn hoá đọc với giáo dục truyền thống lịch sử trong trường học

 Cảm nhận từ một cuộc thi

Gần đây, tôi có dịp được tham dự cuộc thi “Tuyên truyền giới thiệu sách” của trường THCS Nguyễn Văn Huyên (Hoài Đức - Hà Nội). Khi nhận giấy mời, tôi cũng chỉ nghĩ nhà trường tổ chức giới thiệu sách như bao cuộc tuyên truyên khác về văn hoá đọc. Nhưng khi về dự, tôi đã đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi các cuốn sách được chọn để giới thiệu đều viết về các danh nhân, nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc mà chi đội các em được mang tên. Nội dung buổi hoạt động ngoại khóa không chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu về những cuốn sách mà qua đó các em đã có được những bài học truyền thống thật bổ ích và ý nghĩa. Một điều nữa : những tuyên truyền viên không phải là cán bộ thư viện hay phòng văn hoá mà chính là các em học sinh.

Với “đầu bài” cho trước: “Em hãy chọn một cuốn sách có ý nghĩa nhất để giới thiệu với các bạn, qua đó giúp độc giả hiểu thêm về nhân vật lịch sử mà chi đội mình được mang tên”. Các em đã lần lượt giới thiệu cuốn sách viết về các nhân vật lịch sử. Từ mảng sách viết về anh hùng nhỏ tuổi như Lê văn Tám, Vừ A Dính, Kim Đồng… đến những anh hùng thuộc lớp thanh niên như Võ Thị Sáu, Nguyễn Viết Xuân, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót… đều được các em giới thiệu rất đầy đủ. Đặc biệt chùm sách về danh nhân Nguyễn Văn Huyên (trường đã vinh dự mang tên) được các chi đội lớp 9 chọn. Đó là những tác phẩm “Nguyễn Văn Huyên toàn tập” (do PGS-TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học viết); cuốn “Nguyễn Văn Huyên tấm gương đáng quý và cao đẹp” (của Nhà xuất bản giáo dục); hay cuốn “Nguyễn Văn Huyên hoài bão suốt đời” (tác giả Nguyễn Kim Nữ Hạnh - con gái của Nguyễn Văn Huyên). Có những chi đội, sau phần giới thiệu sách còn giúp người đọc hiểu thêm bằng việc trình bày một trích đoạn ngắn về nhân vật lịch sử trong sách theo hình thức sân khấu hoá. Tiểu phẩm “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của chi đội Trần Quốc Toản (6A) đã khiến cả trường lặng đi vì xúc động.

Cách giới thiệu của các em thật hồn nhiên hấp dẫn, thu hút độc giả nhí, gợi mở để các bạn tò mò tìm hiểu và đọc tác phẩm ấy. Qua buổi giới thiệu sách đặc biệt này, các em đã nắm được thân thế sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc, cùng những chiến công của các anh hùng nhỏ tuổi. Hiểu về người chi đội mình được mang tên, tự hào và nguyện sống, học tập tu dưỡng sao cho xứng đáng với tên của chi đội.

Thầy Nguyễn Trung Đạo - hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Việc giới thiệu sách được nhà trường thực hiện thường xuyên. Mỗi khi thư viện có sách mới về, chỉ cần dành 15 phút đầu giờ, cuốn sách mới đã được cô Đỗ Thị Hương – cán bộ thư viện - giới thiệu đầy đủ, thu hút các em tìm đọc. Nhà trường cũng chọn lọc những sách có ý nghĩa, đặc biệt sách giáo dục truyền thống để học sinh giới thiệu. Việc này vừa nâng cao văn hoá đọc cho học sinh, vừa giáo dục truyền thống cho các em, việc đọc sách càng thêm ý nghĩa.

Và suy nghĩ về việc tích hợp văn hoá đọc với giáo dục truyền thống

Từ hội thi trên, xin được nói lên vài suy nghĩ của mình về việc tích hợp văn hoá đọc gắn với giáo dục truyền thống trong trường học:

Trước đây, các phương tiện nghe nhìn còn hạn chế thì sách báo là nguồn cung cấp thông tin chủ yếu. Có nhiều cuốn sách thực sự “gối đầu giường” của lớp trẻ. Họ chuyền tay nhau, thậm chí có người còn chép lại để đọc nhiều lần. Từ những cuốn truyện thiếu nhi viết về các nhân vật cổ tích như Thạch Sanh, Tấm Cám… đến những cuốn truyện viết về các nhân vật lịch sử như Trần Quốc Toản, Kim Đồng… Có những cuốn như “Dế mèn phiêu lưu ký” viết cho thiếu nhi, hay cuốn “Chiến tranh và hoà bình” (sách nước ngoài) viết cho thanh niên… được chuyền tay nhau đọc đến cũ mèm mà vẫn không nhàu nát. Nhiều cuốn sách được chủ nhân ghi cẩn thận bên ngoài những lời dặn dò người mượn giữ gìn sách cẩn thận, hình tượng Trần Quốc Toản, Kim Đồng ăn sâu trong trí não trẻ thơ; từ những ông Bụt bà Tiên hiền từ hay cứu giúp người khác đến cô Tấm thảo hiền nết na xinh đẹp. Và cũng từ sách, người thanh niên PaVel Coocsaghin đã là thần tượng của lớp lớp thanh niên thời ấy. Người đọc sẽ nhớ mãi cuốn sách và học hỏi được nhiều điều từ đó.

Ngày nay, cùng với sự bùng nổ thông tin trong thời đại “số hóa”, văn hoá đọc trong giới trẻ gần đây ít nhiều bị mai một. Nếu văn hoá đọc trong các nhà trường được nâng cao sẽ tạo thói quen đọc sách cho học sinh ngay từ nhỏ. Bởi đọc sách không những giúp người đọc hiểu biết về lịch sử mà còn duy trì văn hoá đọc trong học đường. Mặt khác, để học sinh hiểu và yêu thích môn lịch sử, phải giáo dục truyền thống cho học sinh ngay từ nhỏ. Điều này càng cho thấy sự cần thiết phải tích hợp giữa văn hoá đọc và giáo dục truyền thống ở trường học. Trong khi đó việc nắm chính xác các dữ kiện lịch sử truyền thống của giới trẻ gần đây thật đáng buồn. Kéo theo hệ luỵ là ở các kỳ thi đại học, sự nhầm lẫn tai hại về các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử và chiến công của họ đã khiến tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Văn hoá đọc bị giới trẻ xem nhẹ, bởi khi lấy thông tin chỉ cần gõ Google là có hết. Có người còn nói vui: nếu mà không biết thì tra “gu gờ”- (google). Nói vậy cũng không phủ nhận hoàn toàn những người ham đọc sách, nhưng số đó bây giờ còn ít, chủ yếu thuộc “lớp trước” họăc những người thật sự ham mê sách. Số đông còn lại nếu có đọc chủ yếu tìm tư liệu có tính “ăn xổi”. Họ đọc mà không đọng lại được mấy trong nhận thức. Đáng chê trách có những người đã “hồn nhiên” bê nguyên xi những trích đoạn của người khác vào bài luận của mình. Cũng bởi một nguyên nhân nữa là do cách dạy văn sử ở một số nơi còn sáo rỗng thiếu thực tế, học sinh học khó “vào” nên không mặn mà với các môn văn sử. Điều này không những mai một văn hoá đọc mà còn dẫn đến vốn hiểu biết về truyền thống lịch sử cũng chưa sâu.

Giải pháp nào

Để văn hóa đọc được nâng cao, cần tăng cường phát triển hệ thống thư viện trường học: Bây giờ, mỗi trường học đều có cán bộ thư viện chuyên trách, nên việc đầu tư cho hệ thống thư viện trường học là cần thiết. Người cán bộ thư viện cần nâng cao nghiệp vụ thư viện, đặc biệt thường xuyên giới thiệu sách mới đến học sinh, nhất là những cuốn sách gắn với giáo dục truyền thống. Sử dụng mọi biện pháp thích hợp để giới thiệu và thu hút học sinh tìm đến thư viện một cách tự nguyện, tự giác tiếp cận với sách để tìm hiểu truyền thống và nâng cao văn hoá đọc cho các em ngay từ nhỏ.

Trong nhà trường cần tổ chức thường xuyên các cuộc thi tuyên truyền giới thiệu sách. Khi tổ chức buổi giới thiệu sách này cần để chính các em là những tuyên truyền viên đắc lực trực tiếp giới thiệu cuốn sách đến các bạn. Bởi các em là những người đồng trang lứa nên hiểu tuổi học sinh thích đọc những loại sách gì. Tất nhiên cán bộ phụ trách thư viện nên huớng cho các em giới thiệu những cuốn sách hay, bổ ích, lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi. Đặc biệt những cuốn sách có nội dung đề tài truyền thống lịch sử sao cho buổi giới thiệu sách có thể tích hợp tốt hơn giữa văn hóa đọc với giáo dục truyền thống lịch sử trong học sinh phổ thông. (Mà cách làm của trường THCS Nguyễn Văn Huyên (Hoài Đức- Hà Nội) vừa nêu trên là một ví dụ cụ thể).

Bác Hồ đã dạy:

Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam

Đã là người Việt Nam thì việc đầu tiên là phải hiểu lịch sử và tôn vinh những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Muốn vậy, phải nâng cao văn hoá đọc, đặc biệt trong học sinh sinh viên. Có nhiều cuộc tuyên truyền giới thiệu sách được tổ chức hàng năm nhưng cũng chỉ là giới thiệu những cuốn sách mới, và đa số cũng chỉ đến với độc giả ở những khu đô thị mà chưa thấy giới thiệu nhiều cuốn sách gắn với truyền thống lịch sử dân tộc. Ngành giáo dục cần tổ chức nhiều buổi tuyên truyền giới thiệu sách có nội dung gắn với giáo dục truyền thống.

Hội thi Tuyên truyền giới thiệu sách của trường THCS Nguyễn Văn Huyên vừa nêu trên tuy được nhà trường thực hiện thường xuyên và đem lại hiệu quả cao nhưng mới chỉ dừng lại ở cấp trường. Tuy vậy cũng đáng để chúng ta phải suy nghĩ về một cách làm mới nhằm mục đích tích hợp việc nâng cao văn hoá đọc gắn với giáo dục truyền thống dân tộc. Cách làm này cần được nhân rộng và phát huy, đặc biệt ở nông thôn, vùng sâu vùng xa. Để thực hiện được, chỉ riêng cố gắng của ngành giáo dục chưa đủ mà cần ngành văn hoá thông tin cùng kết hợp. Có như vậy, cùng với việc giáo dục truyền thống dân tộc, văn hoá đọc trong trường học sẽ ngày càng được nâng cao.


Nguyễn Thị Diệp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất