Thứ Bảy, 5/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 9/6/2010 15:37'(GMT+7)

Vào hạ cùng họa sĩ Hà Nội

Tranh của Đinh Châu Minh.

Tranh của Đinh Châu Minh.

Gần 20 bức tranh trong một trưng bày chung của hai họa sĩ Đinh Châu Minh và Ngô Đức Hoàng theo chủ đề khá hợp thời - "Vào hạ" không hẳn mang đến nghệ thuật đương đại như nhiều họa sĩ cùng lứa theo đuổi mà thiên về lối vẽ truyền thống gần gũi nhưng vẫn cá tính.

Mang tranh của mình tới khá nhiều quốc gia để giới thiệu với bạn bè quốc tế về "hội họa của những người trẻ" ở Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên hai họa sĩ sinh ra ở Hà Nội là Đinh Châu Minh (sinh năm 1969) và Ngô Đức Hoàng (sinhnăm 1974) hợp sức thực hiện triển lãm dành tặng khán giả Thủ đô một mùa hè sôi động.

Dễ nhận thấy hai phong cách sáng tác khá biệt lập. Tranh của Ngô Đức Hoàng bắt mắt hơn với hầu hết là khắc họa hình ảnh người phụ nữ dân tộc ít người. Cách thể hiện của Hoàng hấp dẫn đến độ có thể kéo người ta ngược lên miền núi để gặp kỳ được những thiếu nữ đeo vòng bạc xủng xiểng, khăn hoa rực rỡ mà bí ẩn, đằm thắm ấy. Vẫn hình tượng người phụ nữ nhưng có cảm giác những cô gái dân tộc này ám ảnh anh hơn nhiều "những cô gái quan họ" hay "những phụ nữ của tuồng, chèo" trong các trưng bày trước đây. Bởi Hoàng vốn là cây cọ được đánh giá là "có gu về màu". "Trang phục và sắc vẻ phụ nữ dân tộc rực rỡ quá, cứ hút tôi theo", Hoàng chia sẻ. Anh chọn lọc họa tiết ấn tượng nhất ở người phụ nữ dân tộc để đưa vào tranh như thể trang trí. Chính vì thế những mảng, khối của Hoàng hiện lên rõ rệt, giống như ở tranh Đông Hồ mà anh tâm đắc và thường chia sẻ trong các sáng tác.

Còn ở đây, người ta vẫn gặp Đinh Châu Minh biết mô tả sinh động "một màu xanh bạt ngàn, một không gian trong lành đầy mối tương quan hài hòa giữa trời đất, nước non, cỏ cây, hoa lá và con người". Nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo cũng phải gật gù về cái "biệt kiến" trong tranh của Châu Minh để đã làm chủ được ánh sáng - nhân vật chính trong tranh phong cảnh. Mượn cảnh nói tình, tranh của Minh cho thấy một tình yêu và khát vọng vươn tới với thế giới cổ tích mà chị đã mê đắm từ thời còn gắn bó với việc thiết kế bìa truyện cổ tích ở NXB Phụ nữ.

Những tưởng như hai phong cách riêng biệt ấy khó hòa quyện trong một không gian chung, nhưng đến đây mới thấy, "những cô gái người Dao" của Hoàng như đang dạo chơi trên những vạt hoa cỏ, ẩn tình vào những triền núi mênh mang, mờ ảo nơi tranh Châu Minh. Mỗi tác phẩm lại bổ sung cho nhau tạo nên một câu chuyện tình tứ về mùa hè thơ mộng, khoáng đạt xua tan đi cái nóng nực, ồn ã bên ngoài. Trong tranh của cả hai không hề có bóng dáng đàn ông, nhưng cái tình hiện lên rõ rệt. "Hai người này có biệt tài ẩn hình tượng nghệ thuật. Cảnh đấy, người đấy nhưng họ lại nói về cái khác, về tình yêu đôi lứa và bày tỏ kỳ vọng một cuộc sống hạnh phúc", nhà phê bình Lê Quốc Bảo nhận xét.

Hơn 10 năm thân thiết, hai họa sĩ tỏ ra dễ kết mạch thành một ý tưởng chung trong "Vào hạ". Triển lãm sẽ diễn ra đến hết ngày 21-6.


An Nhi - HNM 


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất