Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 8/12/2011 20:15'(GMT+7)

Ngành in hướng đến tăng trưởng bền vững

Các đại biểu tham quan các xuất bản phẩm tiêu biểu được giới thiệu tại Hội nghị tổng kết ngành in Việt Nam giai đoạn 2008-2010.

Các đại biểu tham quan các xuất bản phẩm tiêu biểu được giới thiệu tại Hội nghị tổng kết ngành in Việt Nam giai đoạn 2008-2010.

Vui, buồn lẫn lộn…

Trong bối cảnh khủng khoảng kinh tế toàn cầu, ngành in vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tốt, so với năm 2009, năm 2010 tăng khoảng 15%, đạt hơn 838 tỷ trang in 13x19cm (thống kê của 717 cơ sở in, chiếm khoảng gần 1/2 số cơ sở in trên thực tế); doanh thu năm 2010 là gần 5.500 tỷ đồng tăng 18,2%, nộp ngân sách Nhà nước 373 tỷ đồng tăng 87,3% và lợi nhuận sau thuế là 399 tỷ đồng tăng 29%. TP Hồ Chí Minh vẫn giữ vị trí hàng đầu về hoạt động in, sản xuất hơn 60% sản lượng in toàn quốc, tạo ra năng lực cạnh tranh công nghệ mạnh ở cả 3 công đoạn trước in, in và gia công sau in.

Tăng trưởng đạt được là do các cơ sở in lớn đã chủ động đầu tư có trọng tâm, tập trung vào các thiết bị hiện đại, tự động hóa cao và thiết bị in kỹ thuật số. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý các công đoạn sản xuất in, tự động một phần hoặc toàn phần đã được áp dụng. Cán bộ kỹ thuật và công nhân ngành in tiếp tục được tiếp cận và làm chủ những thiết bị in hiện đại.

Một động lực khác để ngành in có sự tăng trưởng là nhờ các văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, đã thể chế hóa nhiều nội dung chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động in, dần hướng tới một định chế thông thoáng hơn. Quy định pháp luật đối với hoạt động in tiếp tục cởi mở, như: Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ và Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28-9-2010 của Bộ Tài chính cho phép tự các doanh nghiệp đặt in, tiếp tục tạo điều kiện cho môi trường hoạt động in bình đẳng, tạo sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, thu hút mọi nguồn nhân lực đầu tư.

Tốc độ tăng trưởng kể trên chưa khiến các nhà hoạt động trong lĩnh vực in hài lòng. Lý do là mức tăng trưởng trên vẫn dựa vào 3 sản phẩm in truyền thống là sách, báo và lịch. Hiệu quả sản xuất thấp do chi phí sản xuất tăng cao, nguyên liệu đầu vào gia tăng nhanh nhưng giá công in tăng không tương xứng, gây khó khăn cho các cơ sở in. Sản xuất in của các cơ sở in chủ yếu phục vụ trong nước, chưa vươn ra được thị trường nước ngoài. Một nguyên nhân khác tác động xấu đến ngành in là tình trạng vi phạm pháp luật về hoạt động in như: In không có giấy phép, giấy phép hết hạn, in không đúng nội dung trong hợp đồng hoặc in nối bản không đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước…; nghiêm trọng hơn là tình trạng in lậu vẫn tiếp diễn. Vì những điều kể trên mà các chuyên gia cho rằng, ngành in Việt Nam chưa có sự tăng trưởng bền vững và sẽ gặp khó khăn trong tương lai nếu không chủ động tái cấu trúc và siết chặt quản lý ngay từ bây giờ.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, mỗi cơ sở in đều tự ý thức, đề ra các giải pháp duy trì tăng trưởng sản xuất. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Công Tuấn (Giám đốc Công ty TNHH một thành viên In Quân đội 1) cho biết: Công ty đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo Nghị quyết 11 của Chính phủ, ngừng đầu tư mở rộng, tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh các xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, nâng cao chất lượng và thu hút thị trường sản phẩm mà các công ty in khác không có điều kiện đáp ứng. Đồng thời, công ty chú trọng thực thi cải tiến khâu quản lý để giảm chi phí và thực hành tiết kiệm.

Về lâu dài, theo ông Nguyễn Văn Dòng, Giám đốc Công ty in Trần Phú-một trong những công ty in lớn nhất TP Hồ Chí Minh và cả nước: Ngành in Việt Nam cần chú trọng việc in gia công xuất khẩu cho nước ngoài và xuất khẩu tại chỗ từ các khu công nghiệp, khu chế xuất; qua đó mở rộng thị trường khu vực và thế giới. Đồng thời chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng sản lượng ấn phẩm có giá trị cao, trong đó sách khoảng 10-15%, báo khoảng 25-30% và xu hướng tăng bao bì, nhãn hàng trên giấy khoảng 30%, ấn phẩm quảng cáo khoảng 10-15%.

Để chuyển dịch cơ cấu, nhiều đại biểu ngành in nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân bố lại lực lượng sản xuất ngành in. Ngoài tập trung ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, ngành in phải tập trung xây dựng một số trọng điểm in ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp làm hạt nhân cho những vùng kinh tế hoặc khu vực như Hải Phòng, Nghệ An, Cần Thơ, Đắc Lắc, Bình Dương, Đồng Nai.

Các đại biểu ở bộ phận đào tạo và bồi dưỡng nhân lực ngành in lại kiến nghị cần đầu tư trang thiết bị hiện đại cho việc giảng dạy và nghiên cứu, tránh tình trạng học chay. Mở thêm nhiều loại hình đào tạo, nâng cao chỉ tiêu tuyển sinh; tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho các cán bộ quản lý ngành in.

Một trong những kiến nghị quan trọng khác của các đại biểu ngành in đó là cần sửa đổi Luật Xuất bản, thậm chí cần có Luật riêng cho ngành in để sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về hoạt động in, nhất là những nội dung có liên quan đến đầu tư nước ngoài, tham gia thị trường in xuất bản phẩm ở Việt Nam mà hiện nay đối tượng này chưa được tham gia.

Nhận thức đã sâu sắc, giải pháp cũng đã đạt được đồng thuận, vấn đề còn lại là làm như thế nào để các giải pháp phát huy hiệu quả tối đa. Lẽ dĩ nhiên, tất cả các bên liên quan cần phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững cho ngành in, chứ không thể để tình trạng “mạnh ai nấy làm” ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích chung./.

(Trần Hoàng Hoàng/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất