Thứ Tư, 25/9/2024
Chính sách
Thứ Ba, 15/6/2010 21:59'(GMT+7)

Về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

1- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp đối với công tác nhân đạo và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Công tác nhân đạo là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Ðảng, là nhiệm vụ của mỗi cấp ủy đảng, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị, góp phần giáo dục, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các chính sách xã hội của Ðảng, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với hoạt động nhân đạo.

Các cấp ủy đảng chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ và phát triển tổ chức Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, nhất là ở cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ do Ðảng và Nhà nước giao; bố trí, điều chuyển cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, có năng lực vận động quần chúng làm công tác chữ thập đỏ; thực hiện chính sách đối với cán bộ Hội Chữ thập đỏ trong chính sách chung đối với cán bộ các đoàn thể nhân dân; bồi dưỡng cán bộ Hội để tạo nguồn bổ sung cán bộ lãnh đạo, quản lý cho đảng, chính quyền ở các cấp.

Các cấp ủy đảng xác định nhiệm vụ công tác nhân đạo trong chương trình, kế hoạch công tác hằng năm; định kỳ kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương của Ðảng về công tác nhân đạo và phát huy vai trò nòng cốt của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong các hoạt động nhân đạo. Ban Dân vận cấp ủy đảng các cấp là đầu mối tham mưu cho cấp ủy cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo công tác Hội.

Nhà nước tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Ðảng thành chính sách, pháp luật về hoạt động nhân đạo; thống nhất quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; quan tâm, tạo điều kiện về kinh phí, biên chế, hỗ trợ cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động cho các cấp Hội; ban hành thống nhất chính sách phụ cấp đối với cán bộ Hội cấp cơ sở. Chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện tốt Luật Hoạt động chữ thập đỏ, tạo điều kiện để Hội Chữ thập đỏ thực hiện tốt 7 hoạt động chữ thập đỏ được quy định trong luật; phát huy vai trò của Hội Chữ thập đỏ tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách xã hội, tham gia xóa đói, giảm nghèo, thực hiện các chương trình, đề tài, dự án, tổ chức các hoạt động kinh tế, dịch vụ vì mục tiêu nhân đạo; tạo điều kiện cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tham gia thực hiện tốt các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân đạo, vì hòa bình, hữu nghị và phát triển. Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ là cơ quan tham mưu trực tiếp cho  cấp chính quyền tương ứng trong công tác quản lý  nhà nước về Hội.

Các cơ quan thông tin đại chúng tích cực tuyên truyền, cổ vũ cho các hoạt động nhân đạo và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

2- Củng cố và phát triển tổ chức; đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Chữ thập đỏ các cấp.

Thường xuyên củng cố, phát triển tổ chức Hội, nhất là ở cơ sở (trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, cơ quan dân chính đảng, lực lượng vũ trang, các tổ chức tôn giáo v.v); phát triển lực lượng tình nguyện viên và cộng tác viên chữ thập đỏ hỗ trợ cho hoạt động của cơ quan chuyên trách các cấp của Hội.

Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội Chữ thập đỏ đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác nhân đạo trong tình hình mới; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Hội Chữ thập đỏ các cấp, nâng cao tính chuyên nghiệp của cán bộ Hội trong các hoạt động nhân đạo.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở, gắn bó với đối tượng, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, theo hướng phát triển bền vững, chủ động thực hiện 7 hoạt động chữ thập đỏ được quy định trong Luật Hoạt động chữ thập đỏ, tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu và các thảm họa khác; ứng dụng công nghệ thông tin trong vận động nguồn lực cho hoạt động nhân đạo; nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động nhân đạo, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo".

Nâng cao hiệu quả phối hợp hoạt động với Hiệp Hội chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, các Hội quốc gia và các tổ chức quốc tế khác trong các hoạt động nhân đạo.

Các cấp Hội Chữ thập đỏ có trách nhiệm tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền những chủ trương, biện pháp về công tác nhân đạo; chủ trì tham mưu xây dựng quy chế phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức liên quan khác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng trong công tác nhân đạo.

Về tổ chức thực hiện, bản Chỉ thị nêu rõ:

Các ban đảng, Ban cán sự đảng, Ðảng đoàn, Ðảng ủy trực thuộc Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương tổ chức quán triệt và chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này.

Ðảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Ðảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ban cán sự đảng các bộ, ngành liên quan, Ðảng đoàn Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị.

Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Ðảng và Ðảng đoàn Hội Chữ thập đỏ Việt Nam giúp Ban Bí thư theo dõi, kiểm tra và định kỳ báo cáo Ban Bí thư việc thực hiện Chỉ thị./.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất