Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 26/8/2011 8:4'(GMT+7)

Về tính chuyên nghiệp của đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng

PV đài Truyền hình Nghệ An quay những cảnh lũ lụt năm 2010

PV đài Truyền hình Nghệ An quay những cảnh lũ lụt năm 2010

 Từ thực tiễn hoạt động, trong giới nhà báo cũng như trong xã hội đang thảo luận về tính chuyên nghiệp của những người làm báo Việt Nam, những người trong đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng. Nhưng có lẽ trước hết nên tìm hiểu chuyên nghiệp là gì?

Theo Từ điển tiếng Việt thì chuyên nghiệp (profession) được hiểu là làm một việc gì, coi việc đó như một nghề, trái với nghiệp dư (amateur) được hiểu là làm thêm, làm ngẫu hứng, làm theo kiểu tài tử. Có thể đó là một cách hiểu khái quát, dễ hiểu, nhưng trong thực tế và sự đánh giá của xã hội thì phức tạp hơn nhiều. Một số cầu thủ bóng đá, có những cầu thủ nổi tiếng, lương cao ngất ngưởng, sống sung túc bằng nghề đá bóng nhưng bị phê phán là thiếu chuyên nghiệp khi không nghiêm túc chấp hành luật lệ, cãi lại trọng tài dẫn tới bị thẻ phạt, khi chơi bóng ác ý gây chấn thương đối thủ, khi tính toán cá nhân không tham gia đội tuyển quốc gia vào thời điểm cần họ. Một số ca sĩ, có người đã nổi danh trở thành “Ngôi sao”, thu nhập rất cao từ nghề ca hát, nhưng cũng bị coi là thiếu tính chuyên nghiệp khi tỏ thái độ “khệnh khạng”, một buổi nào đó không tôn trọng hợp đồng lỡ hẹn “sô” diễn, lại có buổi chủ quan hát quên lời. Rồi với người làm báo chúng ta, phần lớn đã coi báo như một nghề nhưng không ít bạn vẫn bị coi là thiếu tính chuyên nghiệp v.v... Như vậy rõ ràng định nghĩa “làm một việc gì, coi việc đó như một nghề” chưa phản ánh đầy đủ tính chuyên nghiệp, mà xem ra xã hội rất coi trọng trách nhiệm với nghề, do đó phải chăng trách nghiệm với nghề, sự tôn trọng pháp luật và các cam kết của những người làm nghề được coi là tiêu chí quan trọng nhất khi xem xét tính chuyên nghiệp của người làm nghề.

Làm báo là làm nghề, nhưng ở Việt Nam, báo chí là tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, do đó làm nghề này cũng không giống nhiều nghề xã hội khác. Do đó tôi hiểu rằng, bên cạnh những tiêu chí chung thì tính chuyên nghiệp của nghề báo cũng có những yêu cầu khác so với người làm các nghề chuyên nghiệp khác, cũng khác với những người làm báo chuyên nghiệp ở các nước khác...

Về vấn đề phong phú này, tôi xin có một số ý kiến, không có tham vọng đề cập toàn diện mà chỉ muốn nêu một số nội dung mà tôi quan tâm.

Như đã phân tích ở trên, báo chí nước ta là tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp hoạt động trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, do đó theo tôi nghĩ, người làm báo chuyên nghiệp Việt Nam không chỉ là người làm nghề báo thông thường, mà trước hết cần rất coi trọng trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân. Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng vừa qua nêu chức năng báo chí rất mới, rất cởi mở. Đó là chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức, phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng “vì lợi ích nhân dân và đất nước”. Do đó, rèn luyện tính chuyên nghiệp của người làm báo Việt Nam theo tôi nghĩ trước hết là phải rèn luyện tinh thần vì Tổ quốc, vì nhân dân, ý thức chấp hành luật pháp và các quy chế, hợp đồng trong khi hành nghề.

Người làm nghề chuyên nghiệp nào cũng phải say mê nghề nghiệp, hết lòng vì nghề. Báo chí là một nghề phải làm việc luôn luôn khẩn trương; trong quá trình tìm hiểu sự thật, thông tin sự thật, bên cạnh bản lĩnh và trí tuệ, nhiều lúc phải vượt qua khó khăn, thậm chí nguy hiểm và coi thường mọi sự cám dỗ, do đó chỉ có lòng say mê nghề nghiệp chân chính và tinh thần trách nhiệm xã hội cao cả mới có thể vươn lên trở thành nhà báo chuyên nghiệp. Đọc trên các trang báo, tôi rất quý một số bạn đã vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm tới vùng sâu vùng xa núi non hiểm trở, vùng thiên tai ở trong nước, không chỉ phản ánh cuộc sống của đồng bào, chiến sỹ, mà còn kiến nghị các chính sách; có một số bạn đã vượt qua nguy hiểm xông vào điều tra các vụ tham nhũng, lãng phí, buôn lậu, các ổ tệ nạn, một số bạn đã tới một số vùng thiên tai trên thế giới để phản ánh về cuộc sống và ý chí vươn lên của con người ở đấy, không chỉ đưa đến thông tin mà còn đem lại lòng tin cho con người, khơi gợi sự cưu mang đùm bọc lẫn nhau trong một thế giới đầy bất trắc... Họ đã tỏ rõ phẩm chất của những nhà báo chuyên nghiệp, vì những nhà báo chuyên nghiệp đáng kính trọng không bao giờ né tránh khó khăn, vất vả, thậm chí nguy hiểm vì sự nghiệp cao cả là hướng tới sự thật để thông tin tới mọi người, và vì lẽ đấu tranh cho quyền làm chủ của nhân dân và công bằng của cuộc sống. Do đó, nội dung thứ hai tôi muốn nhấn mạnh là tinh thần vượt qua khó khăn, nguy hiểm để chạm tay vào sự thật, tới bản chất của sự kiện, bảo đảm quyền được thông tin, quyền làm chủ của nhân dân.

Hoạt động của con người luôn luôn hướng tới hiệu quả cuối cùng. Với những người làm báo thì sản phẩm cuối cùng là tác phẩm báo chí với hiệu quả xã hội cao và đạt tới “hay, chân thật, hùng hồn” như Hồ Chủ tịch mong muốn. Để có những tác phẩm trúng, đúng, hay, có hiệu quả xã hội cao, thì trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, lòng say mê nghề nghiệp chân chính tuy rất quan trọng nhưng vẫn chưa đủ.Không ngừng học tập chính trị, văn hoá, ngoại ngữ, thường xuyên bồi bổ kiến thức, tiếp cận để sử dụng thành thạo các kỹ thuật mới về nghề nghiệp, luôn luôn tự rút kinh nghiệm, và quan trọng là đắm mình trong thực tiễn, “sống sâu sắc và say sưa trong thực tiễn” như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói. Chúng ta đều biết rằng nghề báo có lợi thế là nắm chân lý từ thực tiễn, cho nên một sản phẩm báo chí có chất lượng và hiệu quả xã hội cao, theo tôi, bao giờ cũng là kết quả của thực tiễn được hiểu biết sâu sắc, đúng đắn, được khái quát thông qua tầm trí tuệ và trách nhiệm nghề nghiệp của người làm báo chuyên nghiệp. Do đó, không ngừng nâng cao kiến thức chính trị, văn hoá, nghề nghiệp và sống, hiểu biết sâu sắc cuộc sống của nhân dân, của thực tiễn cơ sở là điều kiện để người làm báo nâng cao tính chuyên nghiệp.

Con đường đi tới thật lắm công phu. Các bạn làm báo hiện nay có trình độ bằng cấp khá cao, hoạt động năng nổ, được trang bị nhiều phương tiện hiện đại, nhưng qua sự quan sát, tìm hiểu, tôi xin lỗi các bạn để phải nói một sự thật theo những gì tôi biết thì, căn bệnh lười đọc đang là căn bệnh phổ biến của không ít bạn, thậm chí cũng ít đọc báo, đọc bài viết của bạn đồng nghiệp để rút kinh nghiệm. Khi thu thập thông tin thì thường hời hợt, dự hội nghị thường chỉ đến lấy báo cáo và phong bì, không nghe thảo luận, hoặc nghe thông tin nhưng ít khi kiểm chứng cẩn thận, đi thực tiễn thì “cưỡi ngựa xem hoa” chủ yếu là sớm đi tối về... cho nên không ít bạn có bằng cấp cao nhưng kiến thức, đặc biệt là kiến thức xã hội thiếu sâu sắc, không cập nhật; thông tin thì nhiều nhưng ít thông tin quan trọng, có không ít thông tin vội vàng, thậm chí có trường hợp bịa đặt bị xử lý như chúng ta đã biết. Những sai sót đó ít nhất cũng là biểu hiện của tính không chuyên nghiệp của một số bạn, chủ yếu không vì chất lượng, hiệu quả bài viết mà không ít bạn chỉ vì thu nhập và mắc bệnh háo danh.

Trong quá trình hành nghề, người làm báo có nhiều mối quan hệ. Không chỉ có mối quan hệ với Tổ quốc và Nhân dân như trên đã trình bày, trong hoạt động nghề nghiệp, người làm báo còn có mối quan hệ với người đọc, người nghe, người xem (gọi chung là bạn đọc), với đối tượng cung cấp thông tin, với đối tượng phản ánh. Người ta thường nói tới tính trung thực, tính kỷ luật và sự khiêm tốn, là những đức tính cần có của nhà báo chuyên nghiệp, trong việc xử lý các mối quan hệ trong hành nghề.

Muốn trung thực trong thông tin, không những chỉ đòi hỏi trung thực trong đạo đức mà còn cần sự cẩn thận đến từng chi tiết trong thu thập và phân tích thông tin, sử dụng kỹ thuật đúng mức, chứ không lạm dụng để đảm bảo thông tin đúng đắn và chân thật tới bạn đọc, không bịa đặt, thổi phồng, bóp méo.

Ai cũng biết, có tự do mới có thể sáng tạo. Có người nói làm báo là nghề rất cần sự tự do, nhưng để đến được tự do sáng tạo thì tôi nghĩ lại phải có kỷ cương hành nghề. Cùng với tấm lòng với Tổ quốc và nhân dân, có trách nhiệm với xã hội, tuân theo luật pháp và quy tắc đạo đức nghề nghiệp, người làm báo chuyên nghiệp cần giữ vững kỷ cương với toà soạn, tìm mọi cách khắc phục khó khăn để gửi tin bài về toà soạn nhanh nhất, đúng hẹn, đúng kế hoạch, đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo.

 Mỗi người làm báo có trách nhiệm với tin bài của mình, nhưng tôn chỉ, mục đích và kế hoạch từng thời gian của tờ báo là rất quan trọng, liên quan tới thương hiệu của tờ báo. Tôn trọng kỷ cương xuất bản của toà soạn không những biểu hiện tính chuyên nghiệp của nhà báo, mà còn khẳng định lý do tồn tại bền vững của nhà báo trong toà soạn đó.

Mỗi nhà báo hoạt động trong một toà soạn, nhưng các nhà báo sống với nhau trong tình đồng nghiệp thường gọi là “tình bút mực” rất thiêng liêng. Họ thường giúp đỡ lẫn nhau, có một số bạn tâm đầu ý hợp trở thành các nhóm rủ nhau cùng lấy tài liệu, cùng đi cơ sở, nhưng không bao giờ vì tình thân mà cùng rủ nhau làm một việc trái với đạo đức nghề nghiệp.

Người làm báo được xã hội coi trọng nhưng lại rất cần cởi mở, khiêm tốn; sự “lên mặt”, “vỗ ngực” là những hành vi xa lạ với người làm báo chuyên nghiệp, chân chính. Họ rất khiêm tốn trong quan hệ với đối tượng cung cấp thông tin cũng như đối tượng phản ánh. Khi cần biểu dương cũng như phê bình đều vì lợi ích chung chứ không phải là sự ban ơn hoặc báo thù. Những hành vi trịch thượng, đòi hỏi đãi ngộ khi viết bài biểu dương hoặc rủ nhau “đánh hội đồng”, hoặc cùng nhau tâng bốc một đơn vị, hoặc một cá nhân nào đó không xứng đáng... đều là những hành vi xa lạ với người làm báo chuyên nghiệp. Nói đúng hơn là những người thiếu đạo đức không bao giờ trở thành nhà báo chân chính được nhân dân tin cậy.

Quan hệ với đối tượng phản ánh, điều tra là một vấn đề lớn mà giới báo chí thế giới rất quan tâm. Một số tờ báo đã đưa ra những quy định cụ thể gồm hàng chục điều với phóng viên của mình như với đối tượng phản ánh, phóng viên không được dự tiệc mời, không được dự kỳ nghỉ hay đi du lịch miễn phí hoặc giảm giá, không được nhận quà biếu của đối tượng phản ánh... không những để nhắc nhở chuyện khiêm tốn, không cho phép đòi hỏi vô lý, mà quan trọng là để bảo đảm cho phóng viên có điều kiện phản ánh trung thực các sự kiện.

Thực ra còn nhiều điều muốn tâm sự, nhưng trong vấn đề phong phú này chỉ xin góp một số ý kiến để tham khảo. Có điều gì nói quá mức, nặng lời mong được lượng thứ vì cũng chỉ muốn cho giới báo chí, trong đó có tôi, hoạt động chuyên nghiệp hơn, được xã hội kính trọng và tin cậy./.

Hữu Thọ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất