Thứ Bảy, 21/9/2024
Tuyên truyền
Chủ Nhật, 27/9/2009 8:59'(GMT+7)

Vị trí, vai trò của phương thức giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong nhiệm vụ giáo dục thanh, thiếu niên

1. Phương thức giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh

“Phương thức” hiểu một cách tổng quát là phương pháp và cách thức. “Phương thức giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh” là cách thức và phương pháp giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, tức là lề lối phải theo để tiến hành giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh với kết quả tốt nhất.

Hiểu một cách khác, “phương thức giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh” là hệ thống phương pháp, cách thức, hình thức, biện pháp mà người đi giáo dục (chủ thể) vận dụng để tác động vào người được giáo dục (khách thể), nhằm đạt được những yêu cầu, mục đích và nội dung giáo dục đã được đặt ra.

Phương thức giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cần có sự điều chỉnh, bổ sung, phát triển cho phù hợp khi tình hình đất nước, nhiệm vụ chính trị và nội dung các chuyên đề tư tưởng Hồ Chí Minh đã có sự thay đổi, bổ sung qua mỗi thời kỳ. Bắt đầu từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (6-1991), khi công cuộc đổi mới mới đi được một nhiệm kỳ và đất nước vẫn còn khủng khoảng kinh tế-xã hội. Đảng ta nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh. Đến Đại hội VIII (6-1996), Đảng ta khẳng định đất nước đã ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội, mặc dù còn một số mặt chưa vững chắc. Trong quá trình đó, chúng ta từng bước đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống, giảng dạy ở các học viện và các trường đại học. Đó cũng là quá trình đẩy mạnh việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, mở ra cả bề rộng lẫn chiều sâu nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (4-2001), Đảng ta có một bước phát triển quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận về tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhận thức đó chứa đựng nội dung: hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; về nguồn gốc: kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; về giá trị: soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta. Trong nhiệm kỳ Đại hội IX, Đảng ta có Chỉ thị “Đẩy mạnh việc nghiên cứu, giáo dục và tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh” (27-3-2003), theo các nội dung của Đại hội IX. Sau nhiệm kỳ Đại hội X bảy tháng, tháng 11-2006, Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Trong nhiệm kỳ Đại hội X, Đảng ta có Chỉ thị 06 ngày 7-11-2006 về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Gần đây, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X có nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (25-7-2008).

Rõ ràng là phương thức giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh năm 1991 không thể giống hiện nay, khi bối cảnh thế giới, đất nước đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt, nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh đã có sự phát triển, bổ sung thêm nhiều. Mục tiêu cách mạng Việt Nam không thay đổi, nhưng nhiệm vụ và con đường đi tới mục đích đó đã có nhiều điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp điều kiện, tình hình. Vì vậy, phương thức giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh phải có những đổi mới cho tương thích với hoàn cảnh mới.

2. Vị trí, vai trò của phương thức giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong nhiệm vụ giáo dục thanh, thiếu niên

a) Vị trí của phương thức giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong nhiệm vụ giáo dục thanh, thiếu niên

Muốn đánh giá đúng vị trí của phương thức giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong nhiệm vụ giáo dục thanh, thiếu niên trước hết cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn vị trí của thanh niên và nhiệm vụ giáo dục thanh, thiếu niên. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, nặng nề nhưng cũng hết sức vẻ vang. Cách mạng là sự kế tục các thế hệ, trong đó thanh niên là những người thừa kế xây dựng CNXH. Trong Di chúc, Bác Hồ đã nhấn mạnh “việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Đảng ta khẳng định “thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc; là lực lượng chủ yếu trên nhiều lĩnh vực, đảm nhiệm những công việc đòi hỏi hy sinh, gian khổ, sức khỏe và sáng tạo. Thanh niên là độ tuổi sung sức nhất về thể chất và phát triển trí tuệ, luôn năng động, sáng tạo, muốn tự khẳng định mình. Song, do còn trẻ, thiếu kinh nghiệm nên thanh niên cần được sự giúp đỡ, chăm lo của các thế hệ đi trước và toàn xã hội. Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng CNXH”. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành trung ương khóa X nhấn mạnh “thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước.

Chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người “vừa hồng, vừa chuyên” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quan trọng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, gia đình, nhà trường và xã hội”(1).

Như vậy, với nhận thức về vị trí, mặt mạnh, mặt yếu của thanh niên, Đảng ta coi nhiệm vụ giáo dục thanh, thiếu niên là hết sức cần thiết và rất quan trọng.

Trong nhiệm vụ giáo dục thanh, thiếu niên có nhiều nội dung cần phải tiến hành đồng bộ như giáo dục đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giáo dục những vấn đề về môi trường; giáo dục văn hóa; giáo dục xây dựng môi trường xã hội lành mạnh; giáo dục tình hình quốc tế; v.v… Nhưng giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Từ năm 1991, Đảng ta đã khẳng định lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng. Hiện nay, Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước theo con đường XHCN trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Lúc sinh thời, Bác Hồ đánh giá cao vị trí, vai trò của thanh niên và rất quan tâm tới thanh niên. Cùng với thời gian, chúng ta khẳng định rằng tuy thế giới đã, đang và sẽ còn nhiều biến động, đổi thay, nhưng di sản Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội khẳng định; “Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa làm cho thế giới quan Mác-Lênin và tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh giữ vị trí chỉ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội”(2).

Phương thức giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh chiếm vị trí quan trọng trong nhiệm vụ giáo dục thanh thiếu niên nói chung. Vì thế, đổi mới được phương thức giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ càng tăng được niềm tin, lý tưởng cho thanh thiếu niên; càng đắp bồi lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa cho lớp trẻ. Với tính chất là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, tư tưởng Hồ Chí Minh được giáo dục một cách khoa học, tức là thanh thiếu niên được tiếp nhận một cách có hệ thống cả nội dung mang bản chất cách mạng, khoa học, nhân văn, cả phương pháp tư duy, và đặc biệt là bản lĩnh cách mạng, tinh thần “không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên”. Chính vì vậy, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa X nhấn mạnh việc tập trung làm tốt một số nhiệm vụ có tác động lớn tới tư tưởng, tạo niềm tin cho nhân dân như “đẩy mạnh, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

b) Vai trò của phương thức giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong nhiệm vụ giáo dục thanh, thiếu niên.

Cần nhận thức hai nội dung liên quan với nhau: vai trò giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò phương thức giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh. Ở đây chỉ bàn tới vai trò của phương thức giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh.

Như trên đã nói, phương thức được hiểu tổng quát là phương pháp và cách thức. Phương thức giáo dục là phương pháp và cách thức chuyển tải nội dung. Phương thức phù hợp, khoa học sẽ làm cho người được giáo dục có điều kiện “tiêu hóa” nội dung và sẽ đạt được các mục tiêu sau đây: 1) Hình thành ý thức cá nhân. 2) Hình thành kinh nghiệm, thái độ, hành vi ứng xử xã hội. 3) Kích thích hoạt động.

Đó là nhìn một cách tổng quát. Riêng tư tưởng Hồ Chí Minh có những đặc thù, nên phương thức giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cũng có vai trò đặc thù. “Hồ Chí Minh học” là một khoa học nghiên cứu hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc của Hồ Chí Minh về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp, phương pháp, phong cách của một vĩ nhân, anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là danh nhân văn hóa kiệt xuất. Hồ Chí Minh là lãnh tụ kết hợp chặt chẽ lý luận với thực tiễn; nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, nêu một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng. Hồ Chí Minh kết tinh các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam và các giá trị văn hóa Đông Tây kim cổ của nhân loại... Như vậy tư tưởng Hồ Chí Minh có một tác dụng rất lớn trong mọi hoạt động, phát triển và hoàn thiện nhân cách của người học.

Tuy nhiên, tự bản thân tư tưởng Hồ Chí Minh không thực hiện được vai trò to lớn và quan trọng đó. Vai trò đó chỉ phát huy tác dụng thật sự thông qua phương thức giáo dục. Chính phương thức giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh mới làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh có sức sống thật sự. Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa X nhận xét; “Kết quả đạt được của cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chưa đều khắp ở các cấp, các ngành và địa phương, những chuyển biến trong việc “làm theo” còn hạn chế”(3). Nguyên nhân của những vấn đề nêu trên có nhiều, nhưng chắc chắn trong đó có việc không làm tốt phương thức giáo dục. Ví dụ, để hình thành ý thức cá nhân về rèn luyện đạo đức theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho người được giáo dục thì nhà giáo dục cùng với diễn giảng cần phải nêu gương, tạo diễn đàn tranh luận. Người được giáo dục nhiều khi thất vọng không phải vì nội dung phong phú của tư tưởng Hồ Chí Minh mà vì phương thức giáo dục thiếu khoa học, không tạo ra được sự hấp dẫn đối với người học.

Một vấn đề khác cũng phải hết sức quan tâm đó là người được giáo dục bàn tới ở đây là thanh thiếu niên. Phải nắm vững đối tượng được giáo dục để có sự điều chỉnh phương thức giáo dục. Thanh thiếu niên là lực lượng rất nhạy cảm. Trước đây cũng như hiện nay, thanh niên là lực lượng xã hội được phía ta và các thế lực thù địch quan tâm. Đảng ta khẳng định “thanh niên là độ tuổi sung sức nhất về thể chất và phát triển trí tuệ, luôn năng động, sáng tạo, muốn tự khẳng định mình. Họ là lực lượng xung kích của cách mạng, nhưng còn trẻ và thiếu kinh nghiệm và hiện nay đang biến đổi nhanh chóng”. Vì vậy, nếu ta không có phương thức giáo dục thanh thiếu niên tốt thì các thế lực thù địch sẽ tìm cách lôi kéo. Đảng ta đã chỉ ra một trong những nguyên nhân của hạn chế, yếu kém của công tác thanh niên trong thời gian qua là “công tác giáo dục, ngăn ngừa và đấu tranh với những tác động, lôi kéo thanh niên của các thế lực thù địch, sự truyền bá lối sống nước ngoài không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc còn nhiều yếu kém, thậm chí bị buông lỏng”.

Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự biến đổi nhanh chóng của tình hình thanh niên và sự xuyên tạc, bóp méo hòng phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch, đòi hỏi phải chú trọng đổi mới phương thức giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong nhiệm vụ giáo dục thanh thiếu niên nhằm chăm lo, bồi dưỡng và phát huy cao nhất vai trò, sức mạnh của thanh thiếu niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN./.

PGS, TS. Bùi Đình Phong

————————

(1) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy BCHTW khóa X, Nxb CTQG, H, 2008, tr.41-42.

(2) ĐCSVN: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Nxb ST, H, 1991, tr.10.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín BCHTW khóa X, Sđd, tr.63.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất