Công tác học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng là nhiệm vụ quan trọng, nhằm đưa chủ trương, đường lối của Đảng đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân; tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thực tế cho thấy chỉ thị, nghị quyết của Đảng nếu không đến được với cán bộ, đảng viên và nhân dân, không thực sự thấm nhuần trong nhân dân thì chỉ thị, nghị quyết đó không thể đi vào cuộc sống.
Để các nghị quyết, chỉ thị được quán triệt và thực hiện một cách hiệu quả, việc viết bài thu hoạch là một vấn đề rất quan trọng. Nhận thức được tầm quan trọng đó, kể từ đợt học tập Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tại Chỉ thị số 01-CT/TW, ngày 22/3/2016, Bộ Chính trị đã yêu cầu “…Kết hợp tự nghiên cứu với nghe phổ biến, kết hợp giữa học tập, quán triệt với thảo luận, thông qua chương trình hành động của cấp ủy, tổ chức đảng; kết hợp chặt chẽ giữa thuyết trình với thảo luận, đối thoại giữa báo cáo viên và người nghe, với thu hoạch, kiểm tra, đánh giá việc học tập, quán triệt Nghị quyết”. Viết bài thu hoạch không chỉ thể hiện trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên khi tham gia học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng mà còn thể hiện trách nhiệm và quyền chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc tham gia với cấp ủy xây dựng chương trình hành động thực hiện các chỉ thị, nghị quyết ở cấp mình.
Thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TW của Bộ Chính trị, những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã chỉ đạo các cấp ủy đảng trực thuộc từ tỉnh đến cơ sở phải tổ chức cho cán bộ, đảng viên viết bài thu hoạch sau khi học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Trong bài viết thu hoạch, trên cương vị công tác của mình, cán bộ, đảng viên tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp ủy những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
Triển khai thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kể từ đợt học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo cùng cấp tổ chức cho cán bộ, đảng viên viết bài thu hoạch sau mỗi hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng; tổ chức đánh giá chất lượng bài thu hoạch của từng cán bộ, đảng viên, đồng thời, tổng hợp những đề xuất kiến nghị, giải pháp của cán bộ, đảng viên về việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết để tham mưu cho cấp ủy bổ sung vào chương trình hành động thực hiện nghị quyết của cấp ủy các cấp.
Đánh giá về việc viết bài thu hoạch của cán bộ, đảng viên từ sau hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đến nay có những mặt tích cực nhưng cũng còn một số hạn chế, khuyết điểm nhất định.
Hầu hết các địa phương, đơn vị đều thực hiện nghiêm túc việc yêu cần cán bộ, đảng viên viết bài thu hoạch, cấp ủy tiến hành kiểm tra đánh giá bài thu hoạch của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bài thu hoạch của đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp về cơ bản đều đạt yêu cầu, trả lời đầy đủ các câu hỏi mà Ban tổ chức hội nghị đưa ra. Đa số bài thu hoạch đều nhận thức đầy đủ, sâu sắc các nội dung cơ bản, những điểm mới trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; có sự liên hệ các nghị quyết, chỉ thị với chức năng, nhiệm vụ, vai trò trách nhiệm bản thân, địa phương, đơn vị trong thực tiễn công tác. Một số địa phương, đơn vị thông qua bài thu hoạch đã nghiên cứu đề xuất kiến nghị, giải pháp thiết thực của cán bộ, đảng viên để bổ sung vào chương trình hành động thực hiện nghị quyết của cấp ủy các cấp, nhằm đưa các nghị quyết, chỉ thị đi vào cuộc sống một cách hiệu quả. Nhiều bài thu hoạch viết tay một cách rõ ràng, mạch lạc, trình bày đầy đủ nhận thức, quan điểm cá nhân về nội dung các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đồng thời, có những kiến nghị, đề xuất tâm huyết, kịp thời, cụ thể phục vụ việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc tổ chức viết bài thu hoạch vẫn còn những hạn chế, như: Một số bài thu hoạch chưa thật sự được đầu tư, nhận thức về các nghị quyết, chỉ thị chưa đầy đủ; viết thu hoạch mang tính đối phó, chưa có liên hệ thực tiễn, địa phương, đơn vị công tác. Bên cạnh các địa phương, đơn vị tích cực, chủ động, trách nhiệm cao trong yêu cầu cán bộ, đảng viên viết thu hoạch, nộp bài thu hoạch theo quy định, một số địa phương, đơn vị chưa thực sự chủ động trong việc yêu cầu cán bộ, đảng viên viết và nộp bài thu hoạch, buộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phải đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần.
Chất lượng nhiều bài thu hoạch chưa cao, còn tình trạng copy nguyên trên mạng internet. Một số cán bộ, đảng viên được triệu tập học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị không trực tiếp viết bài thu hoạch mà giao cho bộ phận tham mưu, giúp việc làm thay (Một số đơn vị giống nhau cả về nhận thức lẫn kiến nghị, đề xuất). Đối với lớp cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, do một số Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy chưa bám sát Kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nên trong quá trình chỉ đạo viết thu hoạch, nộp bài thu hoạch còn lúng túng, một số đơn vị không xây dựng bản tổng hợp thu hoạch theo quy định.
Dù có những hạn chế nói trên, tuy nhiên nhìn chung, việc tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng viết bài thu hoạch đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc nghiên cứu, học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; góp phần to lớn trong việc phát huy tinh thần trách nhiệm, quyền chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc tham gia xây dựng chương trình hành động của cấp ủy thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở cấp mình và cần được duy trì nghiêm túc trong thời gian tới.
Châu Minh
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị