Hàng năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, và con số này đến năm 2030 có thể tăng lên tới 70.000 người/năm.
Khói thuốc chứa hơn 4.000 loại hóa chất
Theo thống kê của ngành y tế, thuốc lá hiện là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở nam giới Việt Nam, với gần 11% tổng số ca tử vong ở nam giới là do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Việt Nam hiện nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành, Việt Nam có khoảng hơn 15 triệu người hút thuốc. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 47%, trung bình hai nam giới có một người hút thuốc. 2/3 số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc ở nhà; 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc...
Những nghiên cứu đã chỉ ra, khói thuốc chứa hơn 4.000 loại hóa chất, trong đó có hơn 200 loại chất độc hại và các chất gây nghiện đặc biệt là nicotine.
Theo các nghiên cứu, khi bị hít vào phổi thì khói thuốc làm giảm hệ thống miễn dịch và gây viêm đường hô hấp. Khói thuốc cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, các bệnh đường hô hấp, ung thư phổi và nhiều bệnh khác ở người hút thuốc thụ động. Trẻ em, phụ nữ, người già là những đối tượng đặc biệt nhạy cảm với khói thuốc.
Theo ước tính tại Việt Nam, có tới 70% trẻ dưới 5 tuổi bị phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động. Bên cạnh đó, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại Việt Nam cũng rất cao với 67% người không hút thuốc bị phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà và 49% phơi nhiễm tại nơi làm việc...
96% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá
Bà Phan Thị Hải, Phó Chánh Văn phòng Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá cho biết, tỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế tại Việt Nam. Hút thuốc lá thụ động là nguyên nhân dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm, để lại hậu quả lâu dài cho sức khỏe của mỗi người. Tuy nhiên hàng ngày, hàng giờ, rất nhiều người trên thế giới và Việt Nam vẫn phải hít khói thuốc của người khác.
Theo điều tra tại Bệnh viện K Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96%, trong khi đó không hút thuốc lá là 3,2%.
Một nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế cũng cho thấy bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá làm mất đi trên 1,5 triệu năm sống khỏe mạnh của người Việt Nam, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam.
Thuốc lá gây ra 5 bệnh chính gồm: ung thư phổi; ung thư đường hô hấp và tiêu hóa trên; bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ. Gánh nặng kinh tế do thuốc lá bao gồm chi phí y tế trực tiếp cho khám và chữa các bệnh liên quan và chi phí gián tiếp do mất khả năng lao động do bệnh tật và tử vong sớm vì bệnh liên quan đến thuốc lá.
Không chỉ người nghèo, thuốc lá còn thu hút nhiều bạn trẻ mới 15-16 tuổi, lứa tuổi chưa nhận thức được hết tác hại của sản phẩm này. Hậu quả là khi trưởng thành nhận ra được thì việc cai thuốc không phải dễ. Không những thế, hút càng sớm thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.
Chính vì vậy, để giảm bớt gánh nặng về bệnh tật do thuốc lá gây ra, Bộ Y tế đang đẩy mạnh việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá cho người dân. Đây được coi như là giải pháp chủ đạo và phải được lồng ghép vào các chương trình, chiến lược về nâng cao sức khỏe để tăng cường nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, từ đó thay đổi hành vi sử dụng thuốc lá trong cộng đồng./.
Theo VN+