Sau khi để mất ngôi đầu về tay đoàn Trung Quốc do kém về HCB ở ngày thi đấu thứ hai, bước sang ngày thi đấu thứ ba, với sự tỏa sáng của các VĐV ở các môn lặn, Kurash, Vovinam, Lân Sư Rồng, đoàn TTVN đã lấy lại vị trí dẫn đầu bảng tổng sắp.
Điền kinh: Thêm hai HCB và một HCĐ
Trong ngày thi đấu cuối cùng của môn điền kinh, các VĐV Việt Nam đã thi đấu xuất sắc để mang về thêm hai tấm HCB và một HCĐ, nâng số huy chương đoạt được ở đại hội này là một HCV, ba HCB và ba HCĐ.
Sau khi có tấm HCĐ ở nội dung 1.500m trong ngày thi đấu đầu tiên, Trương Thanh Hằng tiếp tục bước vào tranh tài ở nội dung sở trường 800m nữ. Trong những vòng đầu, Thanh Hằng bị các đối thủ gây sức ép mạnh mẽ song bước vào vòng đua cuối, Thanh Hằng nỗ lực vượt lên lọt vào tốp ba và ở bước chạy cuối cùng kịp vượt qua cả Viktorya của Kazakhstan để giành HCB với thành tích 2'03"65, kém người về đầu 0,49 giây.
Sau Thanh Hằng, tới lượt Phạm Thị Hiên và Bùi Thị Hiền bước vào tranh tài ở nội dung 3.000m nữ. Ở nội dung này, VĐV Bahrain Tejitu Daba Chalchissa sớm bứt lên bỏ các đối thủ khác khoảng 2.000m và gần như một mình về đích còn Bùi Thị Hiền cũng thi đấu rất quyết tâm để vươn lên về thứ nhì với thành tích 9'37"19. Ngoài ra, Vũ Văn Huyện cũng hoàn thành cuộc thi bảy môn phối hợp với 5.622 điểm, đoạt HCĐ.
Đáng tiếc nhất trong ngày thi đấu cuối cùng môn điền kinh là việc nữ hoàng nhảy cao Bùi Thị Nhung sa sút phong độ, không vượt qua được mức xà 1m83, một thành tích đáng thất vọng với cô gái từng vô địch châu Á với mức xà 1m88 sáu năm trước, chưa kể đến mức xà 1m94 mà cô lập được ở giải điền kinh Thái Lan mở rộng bốn năm trước.
Kurash: Văn Ngọc Tú đăng quang
Trong lần đầu tiên góp mặt ở môn thể thao mới mẻ là Kurash, vốn có kỹ thuật thi đấu tương tự như Judo, nữ hoàng Judo Việt Nam Văn Ngọc Tú đã đăng quang ở nội dung dưới 52kg nữ. Ngọc Tú vượt qua đối thủ người Uzbekistan Gullola Norkulova, võ sỹ Thái Lan Pelada Nuinkaew để đăng quang ngôi vô địch đầy thuyết phục.
|
Huy chương vàng Đông nam Á 7 môn phối hợp Vũ Văn Huyện lần này đã giành HCB châu Á |
Lặn: Đồng đội lên ngôi
Trong ngày thi đấu cuối cùng của môn lặn, hai đội lặn 4x100m vòi hơi chân vịt đồng đội nam và 4x200m vòi hơi chân vịt đồng đội nữ có màn trình diễn tuyệt vời để mang về hai HCV nữa cho đội lặn VN, trong đó đáng khen ngợi nhất là tấm HC của đội nữ VN.
Ở nội dung này, đội Nhật Bản vượt lên ngay từ lượt đầu nhưng bốn cô gái Chu Thị Minh Thùy, Hoàng Thu Phương, Nguyễn Thị Quỳnh, Dương Thị Huyền Trang vẫn thi đấu đầy quyết tâm để bám đuổi và vượt lên ở lượt bơi cuối cùng, giành HCV với thành tích 6'38''60, hơn đội Nhật Bản về nhì tới gần 30 giây.
Tiếp sau thành công của đội nữ, đội nam 4x100m với Phan Lưu Cẩm Thành, Đào Ngọc Tuyến, Trần Bảo Thu và Nguyễn Trung Kiên cũng thi đấu thành công để mang về chiếc HCV thứ tư cho lặn Việt Nam ở AI Games 3 với thành tích 2'33''26. Trước đó, Trần Bảo Thu đã mang về tấm HCB nội dung 800m vòi hơi chân vịt với thành tích 6'38"77.
|
Đội sư tử trình diễn khán giả cũng đã giành được HCV
|
Cầu mây hoop: Đội nữ mất vàng
Trong trận chung kết với kình địch Thái Lan, đội nữ Việt Nam với Trần Thị Thu Hằng, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Minh Trang, Nguyễn Thái Linh và Cao Thị Yến mất HCV rất đáng tiếc khi kém đối thủ vỏn vẹn 20 điểm (hai lần đưa cầu vào lưới treo trên cao). Sau 30 phút thi đấu của mỗi đội, đội nữ Thái Lan được 590 điểm trong khi đội Việt Nam được 570 điểm.
Một kết quả đáng tiếc bởi ở giải King's Cup tại Thái Lan mấy tháng trước, chúng ta từng vượt qua Thái Lan ở trận chung kết với kết quả 610 - 570.
Ở nội dung nam, đội VN không vào được chung kết, đành nhận HCĐ.
Trong ngày thi đấu thứ ba, VĐV Nguyễn Lê Văn giành HCB nội dung Need for Speed môn E-Sports; Quyền Anh nữ có 3HCĐ của các nữ võ sỹ Đoàn Thị Liên (hạng 54kg), Ngô Thị Chung (hạng 57kg), Nguyễn Thị Vui (60kg)./.
Theo TienPhongOnline