Thứ Ba, 26/11/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 4/10/2009 17:50'(GMT+7)

UBTVQH: Thảo luận sửa đổi Luật Giáo dục và chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 6

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc phiên họp thứ 24 UBTVQH khóa XII.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc phiên họp thứ 24 UBTVQH khóa XII.

Luật Giáo dục được Quốc hội sửa đổi, ban hành năm 2005 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2006 đã tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục xây dựng và phát triển nền giáo dục nước nhà.

Sau hơn ba năm thi hành, Luật Giáo dục cũng đã bộc lộ một số hạn chế bất cập cần được sửa đổi.

Thành lập trường đại học: Thủ tướng quyết định các trường trọng điểm

Tại Phiên họp diễn ra sáng nay của UBTVQH, hầu hết các ý kiến đều thống nhất quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng: Sửa đổi bổ sung Luật chỉ nên tập trung vào những vấn đề thật sự bức xúc nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong tổ chức và hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu lực quản lý giáo dục.

UBTVQH nhất trí với đề nghị trong tờ trình của Chính phủ đối với nội dung sửa đổi tại  Khoản 2  Điều 6 về chương trình giáo dục, Khoản 1 Điều 11 về phổ cập giáo dục, Điều 13 về đầu tư giáo dục, …

Các vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận gồm thời gian đào tạo trình độ tiến sỹ, phân cấp quản lý giáo dục, việc miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm, chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, thẩm quyền quyết định thành lập trường đại học…

Liên quan tới  thành lập nhà trường ( Điều 50, 51), Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung đã làm rõ  hơn các điều kiện thành lập trường và tách quy trình thành lập nhà trường thành hai khâu: Quyết định thành lập nhà trường và đăng ký hoạt động giáo dục.

Tuy nhiên, ý kiến của các đại biểu đề nghị cần phải quy định chặt chẽ hơn trong điều kiện và đăng ký thành lập trường.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho rằng: Lĩnh vực đào tạo là lĩnh vực đầu tư có điều kiện, vì vậy cần thiết kế lại sao cho rõ ràng, chặt chẽ, khả thi  phù hợp với Luật đầu tư và theo tinh thần cải cách hành chính. Mặt khác cũng cần quy định trong trường hợp nào  thì nhà trường bị đình chỉ hoạt động hoặc bị giải thể để đảm bảo kỷ cương.

Một số ý kiến không đồng ý với thẩm quyền quyết định thành lập, cho phép thành lập trường đại học giao cho Bộ trưởng Bộ GDĐT như trong dự thảo, các ý kiến cho rằng thành lập trường đại học liên quan đến chiến lược, quy hoạch và chính sách  phát triển giáo dục và đào tạo quốc gia do đó thẩm quyền này phải do Thủ tướng Chính phủ thực hiện.

Một số ý kiến đề nghị chủ trương phân cấp quản lý giáo dục cần toàn diện hơn. Bên cạnh đó cần phân định rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn giữa Bộ GDĐT với các Bộ, ngành hữu quan và địa phương theo hướng tăng thẩm quyền trách nhiệm nhiều hơn cho địa phương, cơ sở giáo dục.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thiện Nhân giải thích:  Thẩm quyền quyết định thành lập trường đại học  theo Dự thảo hiện nay theo hướng  những trường đại học có yêu cầu đặc biệt sẽ do Thủ tướng quyết định, còn các trường bình thường thì Bộ trưởng quyết định theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.

Về  chương trình phổ thông và sách giáo khoa, hiện có nhiều xu hướng khác nhau, Bộ GDĐT đang thảo luận lấy ý kiến chương trình  vì vậy chưa nên đưa vào Luật.

Theo Phó  Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Luật sửa đổi bổ sung  một số điều của Luật Giáo dục  thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp vì vậy đòi hỏi có sự chuẩn bị kỹ hơn. Về cơ bản  UBTVQH  thống nhất nhiều nội dung, Phó Chủ tịch đề nghị Ban soạn thảo bổ sung để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Quốc hội xem xét đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Chuẩn bị nội dung Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XII tới, các đại biểu thảo luận và cơ bản tán thành các nội dung đưa vào chương trình kỳ họp bao gồm, xem xét  quyết định chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, xem xét thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, xem xét sửa đổi Biểu khung thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm hàng.

Một số  đại biểu   đề nghị Chính phủ  báo cáo thêm  nội dung : Kết quả thực hiện chính sách kích cầu đầu tư và tiêu dùng, ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; kết quả triển khai các nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát; đánh giá kết quả tổ chức triển khai các Luật đã được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ  khoá XII đến nay; việc triển khai thực hiện dự án Bauxit ở Tây Nguyên, triển khai cụm Khí -Điện- Đạm Cà Mau; kết quả thực hiện Chương trình giảm nghèo; công tác chuẩn bị tổ chức đại lễ 1000 năm Thăng Long –Hà Nội.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, cần bổ sung thêm báo cáo hoạt động của Chủ tịch nước sau một năm (theo Khoản 2 Điều 2 của Luật tổ chức Quốc hội).

Đối với  các công trình trọng điểm quốc gia, không nên đặt vấn đề Chính phủ báo cáo, mà nên để Uỷ ban khoa học công nghệ và môi trường trình bày làm cơ sở các đại biểu có điều kiện thảo lụân, chất vấn và trả lời chất vấn.

Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bố trí nghỉ tất cả các ngày thứ 7 để đảm bảo sức khoẻ cho đại biểu Quốc hội và có thêm thời gian nghiên cứu tài liệu.

Một số ý kiến khác đề nghị tăng, giảm thời gian và sắp xếp hợp lý một số nội dung của chương trình kỳ họp nhằm đảm bảo chất lượng và rút ngắn thời gian tiến hành kỳ họp.

Chiều 3/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã bế mạc Phiên họp thứ 24 của UBTVQH./.

(Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất