(TCTG)- Ngày 5/10, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã có bài phát biểu quan trọng, khai mạc tại Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương. Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí Ủy viên Trung ương " tập trung trí tuệ, đề cao tinh thần trách nhiệm và ý thức làm việc tập thể, tổ chức thảo luận khoa học, tham gia đóng góp nhiều ý kiến sát thực, góp phần chuẩn bị thật tốt Dự thảo các văn kiện Đại hội XI của Đảng để trình Hội nghị Trung ương 12 xem xét, quyết định trước khi lấy ý kiến góp ý của đại hội đảng bộ các cấp và ý kiến nhân dân". Sau đây là nội dung bài phát biểu
Hôm nay, chúng ta họp Hội nghị toàn thể lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X). Thay mặt Bộ Chính trị và Ban Bí thư, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí đã về dự Hội nghị. Hội nghị của chúng ta họp trong lúc nhân dân các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đang khẩn trương khắc phục hậu quả nặng nề do cơn bão số 9 gây ra. Chúng ta chia sẻ nỗi đau thương đến các gia đình có người thân bị mất, xin gửi lời thăm hỏi ân cần đến nhân dân các vùng bị nạn. Đảng, chính quyền và nhân dân cả nước ta luôn luôn chung sức, chung lòng, góp phần cùng đồng bào vùng bị nạn vươn lên, khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất và đời sống.
Hội nghị Trung ương lần này sẽ thảo luận và cho ý kiến về các dự thảo Văn kiện :
- Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển);
- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020;
- Đề cương chi tiết Báo cáo chính trị trình Đại hội XI của Đảng;
- Báo cáo về một số vấn đề cần nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng;
- Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010; và một số vấn đề quan trọng khác.
Theo chương trình đã định, Hội nghị Trung ương lần này tiếp tục thực hiện một phần công việc của Hội nghị Trung ương lần thứ mười nhằm chuẩn bị và hoàn chỉnh thêm một bước quan trọng các dự thảo văn kiện sẽ trình ra Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Các văn kiện của Hội nghị đã được gửi tới các đồng chí.
Trước khi Trung ương thảo luận, tôi xin phát biểu một số ý kiến :
Từ sau Hội nghị Trung ương 10, Bộ Chính trị đã chỉ đạo các Tiểu ban bám sát kết luận của Trung ương về các đề cương chi tiết, nghiên cứu, thảo luận làm rõ thêm một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, chọn lọc, tiếp thu ý kiến của các đồng chí Trung ương và các đồng chí nguyên là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước để soạn thảo và hoàn chỉnh một bước các văn kiện dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, trình Hội nghị Trung ương 11.
Bổ sung phát triển Cương lĩnh, xây dựng Chiến lược là những vấn đề rất lớn, rất hệ trọng, thể hiện bản lĩnh chính trị và năng lực trí tuệ, tính cách mạng và khoa học của Đảng, là vấn đề quyết định sức sống và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước.
Thực tiễn cách mạng 80 năm qua, trong đó có 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 là rất phong phú. Những thành công và cả những việc chưa thành công trong quá trình đó là những bài học thực tiễn sinh động, quý giá cần phải được xem xét, nghiên cứu, tìm ra bản chất, quy luật, nâng lên thành lý luận, đóng góp vào Cương lĩnh bổ sung, phát triển và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 để định hướng cho các bước phát triển tiếp theo của đất nước.
Trong quá trình thảo luận các văn kiện này, tôi đề nghị các đồng chí phát huy tinh thần dân chủ, suy nghĩ độc lập và sáng tạo, nắm chắc các quan điểm thực tiễn, lịch sử, đổi mới và phát triển, xem xét toàn diện, toàn cục trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định vai trò lãnh đạo của Đảng và đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, tập trung nghiên cứu, đóng góp ý kiến, tạo sự nhất trí cao về nội dung cũng như cách thể hiện, nhất là trên một số vấn đề lớn quan trọng hoặc còn có ý kiến khác nhau như đã nêu trong các Tờ trình và bản gợi ý thảo luận của Bộ Chính trị. Vấn đề nào đạt được sự thống nhất cao và đã được thực tiễn chứng minh là đúng, là chân lý thì chúng ta mới đưa vào Cương lĩnh, bảo đảm cho Cương lĩnh thực sự là nền tảng lý luận, nền tảng tư tưởng và chính trị, định hướng cho toàn Đảng và toàn xã hội.
Hội nghị Trung ương 10 đã quyết định về định hướng chuẩn bị Đại hội XI của Đảng trên tinh thần tranh thủ tận dụng tốt nhất mặt thuận lợi, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, xác định các mục tiêu nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội XI một cách tích cực, vững chắc, tạo thuận lợi để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của các giai đoạn tiếp theo được xác định trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Bản Đề cương chi tiết Báo cáo chính trị trình Đại hội XI của Đảng bước đầu đã được soạn thảo theo tinh thần đó.
Hội nghị Trung ương 9 đầu năm nay đã kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng trong nửa đầu nhiệm kỳ (2006 - 2008) và ra nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Gần một năm qua, chúng ta đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức và đã giành được những kết quả quan trọng. Ban cán sự đảng Chính phủ đã có báo cáo trình Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010. Đây là những cơ sở quan trọng để chúng ta nghiên cứu, suy nghĩ, đóng góp ý kiến vào Đề cương chi tiết Báo cáo chính trị cũng như xác định mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010. Khi đánh giá thành tựu, chúng ta không chỉ đơn thuần nhấn mạnh những gì đạt được về kinh tế, mà cần thấy hết ý nghĩa chính trị của các thành tựu đó. Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới và khu vực lâm vào khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, ở nước ta, nhờ sự nỗ lực, phấn đấu rất cao của toàn dân, của các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời và có hiệu lực của Đảng và Chính phủ, chúng ta đã ngăn chặn được suy giảm kinh tế, ổn định cơ bản kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng và tăng cường các hoạt động đối ngoại... Những việc đã làm, những kết quả đạt được là những bài học kinh nghiệm quý báu cần được tổng kết giúp cho việc chỉ đạo, thực hiện trong thời gian tới.
Tôi cũng đề nghị các đồng chí đặc biệt quan tâm đóng góp ý kiến vào phần xây dựng Đảng trong Báo cáo chính trị và những vấn đề cần nghiên cứu để bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng. Thực tiễn xây dựng Đảng là vô cùng phong phú. Yêu cầu xây dựng Đảng đặt ra rất cao. Chúng ta phải đánh giá đúng thành tựu, hạn chế, yếu kém, thực chất tình hình tư tưởng trong Đảng, tình hình về tổ chức và cán bộ, rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích, đề ra được những chủ trương, biện pháp thiết thực để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực sự giữ vị trí then chốt trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Đề án trình ra Hội nghị Trung ương lần này khá nhiều và có nhiều nội dung hết sức quan trọng. Các văn kiện này có sự liên quan, gắn kết và liên hệ chặt chẽ với nhau. Thời gian họp của chúng ta không nhiều. Tôi đề nghị các đồng chí tập trung trí tuệ, đề cao tinh thần trách nhiệm và ý thức làm việc tập thể, tổ chức thảo luận khoa học, tham gia đóng góp nhiều ý kiến sát thực, góp phần chuẩn bị thật tốt Dự thảo các văn kiện Đại hội XI của Đảng để trình Hội nghị Trung ương 12 xem xét, quyết định trước khi lấy ý kiến góp ý của đại hội đảng bộ các cấp và ý kiến nhân dân.
Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị toàn thể lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương (khoá X).
__________________
Đầu đề của Tạp chí Tuyên giáo