Thứ Bảy, 23/11/2024
Chung sức phòng chống thiên tai
Thứ Hai, 12/12/2022 17:0'(GMT+7)

Việt Nam thực hiện cam kết, trách nhiệm để thích ứng với biến đổi khí hậu

Đồng chí Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội thảo

Đồng chí Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội thảo

Ngày 12/12, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Mạng lưới Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội thảo “Tham vấn dự thảo Báo cáo quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu”. Việt Nam dự kiến sẽ đệ trình Báo cáo này đến Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) trong thời gian tới.

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) khuyến khích các Bên tham gia thỏa thuận - trong đó, có Việt Nam - đệ trình và cập nhật định kỳ Báo cáo quốc gia về thích ứng BĐKH, qua đó, xác định mục tiêu thích ứng ở quy mô toàn cầu. Báo cáo có mục đích tăng cường các thông tin về thích ứng BĐKH quốc gia, góp phần cân bằng với các nỗ lực về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Hiện nay, chi phí cho thích ứng mới chỉ chiếm khoảng 7% các khoản chi ứng phó BĐKH nói chung trên toàn cầu, trong khi hơn 90% dành cho các nhiệm vụ giảm phát thải.

Thông tin từ báo cáo cũng giúp cung cấp đầu vào cho việc đánh giá nỗ lực toàn cầu về ứng phó BĐKH dự kiến bắt đầu vào năm 2023 và tăng cường năng lực cho thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia. Theo UNFCCC, đến nay, 53 nước đã xây dựng và nộp Báo cáo quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu, chủ yếu là các quốc gia đang phát triển.

Nhiều chính sách, giải pháp, nghiên cứu và các hành động thiết thực ứng phó với BĐKH đã được xây dựng và triển khai đồng bộ. Việt Nam đã đệ trình Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) năm 2015; cập nhật NDC năm 2020 và năm 2022. Việt Nam cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Thời gian qua, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Mạng lưới Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu xây dựng Báo cáo quốc gia về Thích ứng biến đổi khí hậu. Qua đó, xác định các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, ưu tiên và huy động các nguồn lực trong nước cũng như hỗ trợ quốc tế trong thích ứng biến đổi khí hậu – ông Tấn nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, đại diện Cục Biến đổi khí hậu đã chia sẻ về các kết quả của Hội nghị COP 27; những ưu tiên về thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam trong Chiến lược biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050 và Đóng góp quốc gia tự quyết định của Việt Nam (năm 2022); yêu cầu của Thỏa thuận Paris. Đây là cơ sở để Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Dự thảo Báo cáo quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu cho Việt Nam.

Quang cảnh Hội thảo

Quang cảnh Hội thảo

Dự thảo Báo cáo đã cung cấp thông tin về bối cảnh quốc gia, thể chế, chính sách về thích ứng với BĐKH; Tác động, rủi ro và tính dễ bị tổn thương do BĐKH; Các mục tiêu, chiến lược, chính sách, kế hoạch quốc gia về thích ứng với BĐKH; Nhu cầu về thích ứng với BĐKH; Nỗ lực và thành quả thích ứng với BĐKH tại Việt Nam; Hài hòa và đồng lợi ích giữa mục tiêu thích ứng BĐKH và các mục tiêu kinh tế – xã hội và giảm nhẹ phát thải KNK; Đóng góp vào các Điều ước/Thỏa thuận quốc tế khác; Bình đẳng giới, kiến thức bản địa trong thích ứng với BĐKH.

Đồng tình với những nội dung này, đại diện các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức phi chính phủ nhận định, dự thảo Báo cáo đã thể hiện những nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường sức chống chịu và phát triển bền vững trong bối cảnh BĐKH, đóng góp vào mục tiêu toàn cầu về thích ứng, cân bằng với lĩnh vực giảm nhẹ.

Góp ý hoàn thiện dự thảo, các đại biểu cho rằng, Báo cáo cần tách biệt những nỗ lực của Việt Nam và làm nổi bật hơn những khoảng trống về chính sách, xây dựng năng lực, tài chính… cần có sự hỗ trợ từ quốc tế. Những biểu hiện dễ bị tổn thương của Việt Nam có thể gắn với đặc điểm tác động của BĐKH theo từng vùng, cần ưu tiên tài chính cho vấn đề gì; bổ sung tác động của BĐKH đến tài nguyên đất đai như sa mạc hóa, thoái hóa đất. Một số ý kiến cho rằng, việc trình bày báo cáo cần hạn chế sự trùng lắp với các báo cáo khác mà Việt Nam đã gửi tới UNFCCC./.

Tuấn Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất