Thứ Sáu, 4/10/2024
Cuộc sống số
Thứ Hai, 2/3/2009 8:59'(GMT+7)

Việt Nam trong top 25 điểm gia công rủi ro

Sau một loạt những biến cố trong năm 2008 như vụ khủng bố ở Mumbai, vụ bê bối của hãng gia công lớn thứ 4 Ấn Độ Satyam, những cuộc biểu tình dẫn đến tê liệt cả 2 sân bay quốc tế ở Bangkok – Thái Lan... những lãnh đạo của các hãng CNTT thế giới đã buộc phải tính toán và thay đổi lại các kế hoạch kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực gia công phần mềm và dịch vụ (IT outsourcing) của mình.

Khẩu hiệu “tốt hơn, nhanh hơn, rẻ hơn” của lĩnh vực outsourcing giờ đây đã được thay thế bằng mục tiêu “an toàn hơn, ổn định hơn và đảm bảo hơn”.

“Sự gián đoạn trong công việc kinh doanh đã khiến các khách hàng của ngành outsourcing rất lo lắng”, Doug Brown, chuyên gia nghiên cứu trưởng của tập đoàn The Brown-Wilson Group đồng thời là đồng tác giả của bản báo cáo “Những thành phố nguy hiểm với lĩnh vực outsourcing năm 2009” (2009: The Year of Outsourcing Dangerously) nói. "Các giám đốc thông tin (CIO) hiện vẫn phải tiếp tục các dự án gia công ở nước ngoài mà họ đã ký kết từ hơn một năm trước nhưng giờ đây họ đang chú ý và phân tích những sự thay thế tương xứng giúp giảm bớt những rủi ro do các vấn đề chưa được giải quyết mang lại".

Các yếu tố rủi ro có ảnh hưởng nhiều nhất đến sự thay đổi chính sách và kế hoạch của ngành gia công bao gồm: Khủng bố, các nguy cơ chiến tranh tiềm ẩn, thiên tai, sự gián đoạn hệ thống, môi trường và bệnh dịch.

Đáng chú ý là trong danh sách 25 thành phố rủi ro nhất đối với lĩnh vực gia công, cả hai thành phố lớn nhất của Việt Nam là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều góp mặt.

Tuy nhiên, cũng cách đây không lâu, hãng tư vấn gia công Tholon (Mỹ) và hãng tư vấn KPMG đã xếp TP. Hồ Chí Minh vào một trong top 10 và top 31 điểm gia công hấp dẫn nhất thế giới.

Theo báo cáo 2009: The Year of Outsourcing Dangerously, tính theo thang điểm 10, TP. Hồ Chí Minh có điểm số trung bình là 5,99 điểm xếp thứ 17/25 thành phố có mức độ rủi ro lớn nhất đối với lĩnh vực gia công CNTT. Điểm số cao nhất tính theo từng tiêu chí cụ thể, TP. Hồ Chí Minh được cho 8,82 điểm cho tiêu chí mạng lưới kém an toàn và ít được bảo vệ, cơ sở hạ tầng công nghệ và viễn thông yếu. So sánh với các thành phố khác của Đông Nam Á lọt vào danh sách, tiêu chí này của TP. Hồ Chí Minh chỉ đứng sau Bangkok (Thái Lan – xếp thứ 2) và Manila/Cebu/Makati (Philippines – xếp thứ 7). Với tiêu chí tội phạm cá nhân và an ninh trật tự xã hội, TP. Hồ Chí Minh cũng bị đánh giá rất thấp với 8,08 điểm. Bản danh sách còn chỉ ra một số điểm yếu khác có ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường kinh doanh cũng như khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực gia công của TP. Hồ Chí Minh như: sự yếu kém trong việc kiểm soát chất thải nguy hại và ô nhiễm môi trường (7,12 điểm), sự lỏng lẻo và thiếu quyết liệt của hệ thống pháp luật (6.90 điểm).

Mặc dù xếp sau trong bản danh sách đen này (ít rủi ro hơn) nhưng Hà Nội lại có nhiều tiêu chí bị đánh giá kém hơn TP. Hồ Chí Minh như tiêu chí: tội phạm cá nhân và an ninh trật tự xã hội Hà Nội có 8,78 điểm, sự yếu kém trong việc kiểm soát chất thải nguy hại và ô nhiễm môi trường – 7,76 điểm, sự lỏng lẻo và thiếu quyết liệt của hệ thống pháp luật – 7,35 điểm. Hà Nội cũng bị đánh giá là một trong những thành phố có mạng lưới kém an toàn và ít được bảo vệ, cơ sở hạ tầng công nghệ và viễn thông yếu nhất với 8,05 điểm.

Đây là những lời cảnh báo không mới nhưng đáng để Việt Nam một lần nữa nhìn lại thực trạng ngành CNTT của mình. Cho đến nay, các đối tác nước ngoài thường chỉ đánh giá cao ngành CNTT Việt Nam trên yếu tố nguồn lao động dồi dào, giá thuê nhân công rẻ nhưng để phát triển bền vững một ngành công nghiệp gia công nói riêng và CNTT nói chung, các yếu tố cơ sở hạ tầng mạng lưới, sự an toàn của hệ thống, kiểm soát và bảo vệ môi trường, thực thi các chính sách pháp lý về bảo vệ bản quyền và Sở hữu trí tuệ (SHTT) cần phải được coi trọng hơn nữa. Đặc biệt, trong lĩnh vực CNTT, bản quyền và SHTT đôi khi quyết định gần như toàn bộ sự sống còn của một doanh nghiệp hay một ngành kinh tế.

Tại khu vực Đông Nam Á, có lẽ những cuộc biểu tình triền miên đã ảnh hưởng không nhỏ đến vị trí của thủ đô Bangkok – Thái Lan. Với tổng điểm trung bình 8,29, trong đó 5 tiêu chí có số điểm trên 9 và 3 tiêu chí trên 8 điểm, Bangkok được xếp thứ 2 trong số 25 thành phố rủi ro nhất thế giới đối với lĩnh vực gia công CNTT.

Manila, Cebu, Makati là 3 thành phố của Philippines có cùng vị trí thứ 7 trong bản danh sách đen này.

Theo Doug Brown – đồng tác giả của báo cáo, những địa chỉ “đầy hứa hẹn” trong những năm trước như Nam Phi, Colombia, Malaysia, Thailand và Mexico đã không có nhiều hành động quyết liệt và rõ ràng để trấn an các khách hàng của họ rằng môi trường gia công ở đây là an toàn. Với Ấn Độ, những tồn tại bấy lâu nay của các thành phố gia công, thậm chí là cả với các trung tâm công nghệ như Bangalore lại đánh mất khả năng cạnh tranh của mình do cơ sở hạ tầng và các vấn đề xã hội không được cải thiện bao nhiêu. "Sự chậm chạp của Ấn Độ đã khiến những khu vực như châu Mỹ La tinh và Trung – Đông Âu có cơ hội vượt lên” ông Brown giải thích.

Danh sách các địa chỉ tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất cho ngành gia công IT thế giới:

1. Bogota, Colombia

2. Bangkok, Thái Lan

3. Johannesburg, Nam Phi

4. Kuala Lumpur, Malaysia

5. Kingston, Jamaica

6. Delhi/Noida/Gurgaon, Ấn Độ

7. Manila/Cebu/Makita, Philippines

8. Rio de Janeiro, Brazil

9. Mumbai, Ấn Độ

10. Jerusalem

11. Curitiba, Brazil

12. Dalian, Trung Quốc

13. Juarez, Mexico

14. Brasilia, Brazil

15. Chandigarh, Ấn Độ

16. Colombo, Sri Lanka

17. TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam

18. Quezon City, Philippines

19. Accra, Ghana

20. Pune, Ấn Độ

21. Chennai, Ấn Độ

22. Hà Nội, Việt Nam

23. Bangalore, Ấn Độ

24. Hyderabad, Ấn Độ

25. Kolkata, Ấn Độ

(Theo ICTnews)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất