Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Bảy, 10/8/2013 21:26'(GMT+7)

Viết về trẻ em: Cẩn trọng như cho chính con em mình


 
Đó là nội dung được các nhà báo thảo luận sôi nổi tại hội thảo: Đưa tin về trẻ em và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo do Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí thuộc Hội Nhà báo Việt Nam và Tạp chí Nghề báo phối hợp tổ chức sáng 9-8 tại TP Hồ Chí Minh.

Sự vô tâm của nhà báo

Theo nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo, từ trước đến nay, trong tất cả các loại hình báo chí đều có những tin, ảnh, bài viết liên quan đến trẻ em. Trong xã hội, cuộc sống, hình ảnh trẻ em luôn xuất hiện khắp nơi. Điều này được phản ánh rất rõ trong đời sống báo chí hằng ngày. Có thể hiểu, trẻ em đang phải hít thở chung một không gian văn hóa truyền thông như người lớn qua nhiều kênh khác nhau trong đời sống. Chính vì thế, viết về trẻ em luôn cần được trân trọng trong cả cách khai thác đề tài, cách viết, cách đưa lên mặt báo.

Thế nhưng, trong thực tế, không ít nhà báo đã không có sự nhận thức đầy đủ và đúng đắn đó. Có thể nói, trong các loại hình báo chí, báo mạng hiện là một trong những kênh thông tin được giới trẻ tiếp xúc nhiều nhất và đây cũng là kênh có số lượng các bài báo sử dụng ngôn ngữ, cách thông tin sai lệch nhiều nhất so với các loại hình báo chí khác.

Theo số liệu điều tra tại năm tờ báo điện tử trong năm 2012 thì có đến 548 bài báo có nội dung không bảo đảm quyền riêng tư của trẻ em. Trong đó, phần lớn là chủ đề về xâm hại tình dục, bạo hành, bạo lực. Có đến 39% bài báo đăng trực tiếp hình ảnh trực diện của trẻ em được cung cấp chi tiết cụ thể mà ai cũng có thể tìm được. Việc đưa thông tin quá chi tiết kéo theo nhiều hệ lụy và những mối đe dọa đến sự an toàn của trẻ em.

Dự hội thảo, nhà báo Đỗ Thị Thanh Nhã, Tổng biên tập báo Phụ nữ Thủ đô đưa ra một số dẫn chứng cụ thể về cách đưa thông tin của các nhà báo. Đơn cử: trong tin: Hiếp dâm trẻ em rồi cho 20 nghìn đồng trên trang Eva.net, một nhà báo đã viết: “Theo hồ sơ của cơ quan công an, vào lúc 18h ngày 7-8, cháu Lương Thị Trâm A. (Ghi rõ: số tuổi, nhà số, tên phường, quận, TPHCM của nạn nhân) qua phòng Trần Thế Tài, 23 tuổi, quê Nghệ An cạnh đó để chơi…” hoặc “Ngày 23-12-2009, công an huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Liêm, 74 tuổi, quê ở Tây Ninh, tạm trú thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây, Tiền Giang về hành vi hiếp dâm trẻ em”… Mặt tích cực của những thông tin là tố giác những kẻ đang tâm hiếp dâm trẻ em nhưng đã vô tình tiết lộ thông tin, địa chỉ cụ thể của các nhân vật liên quan. Nếu là nhà báo có trách nhiệm và đạo đức thì sẽ có nhiều cách xử lý thông tin khôn khéo hơn.

Với sự bùng nổ của các phương tiện thông tin, thông tin, hình ảnh tràn ngập trên mạng nhiều khi lấy mất của nhà báo sự tỉnh táo cần thiết. Trước sự ngồn ngộn thông tin, một số nhà báo quên rằng cần phải tìm hiểu thông tin kỹ hơn trước khi đặt bút viết một bài báo.
Thông tin cần có trách nhiệm

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho rằng, trong luật pháp cũng như trong đạo đức báo chí, quy chế tác nghiệp đều có quy định về những điều nên và không nên khi đưa tin về trẻ em. Thí dụ: khi phỏng vấn trẻ em cần phải có cha mẹ giám hộ, khi đưa tin, hình ảnh về trẻ em có ảnh hưởng, xâm hại đến tuổi thơ, tương lai phải xử lý để bảo đảm quyền lợi về sau cho các em. Đáng báo động hơn, tình trạng dùng trẻ em, khai thác đề tài trẻ em để bán báo, câu view… cần sớm được các cơ quan chức năng có hướng xử lý thích đáng. Tại hội thảo, phóng viên của một đài Phát thanh – truyền hình một tỉnh kể về câu chuyện: trong quá trình thông tin về một em bé bị nhiễm HIV bị bỏ rơi từ nhỏ, trong quá trình tác nghiệp, phóng viên này đã vô tình tiết lộ hoàn cảnh cũng như căn bệnh mà em mắc phải dẫn đến hậu quả em bé và người cưu mang phải chuyển đến nơi khác sinh sống. Cho đến bây giờ, câu chuyện này vẫn khiến cô phóng viên day dứt.

Để chấn chỉnh tình trạng này, ông Nhân cho rằng, cần mở nhiều lớp tập huấn về đề tài trẻ em để hạn chế đến mức thấp nhất những sai phạm nếu có. Bên cạnh đó, những bài học tốt trong cách khai thác xử lý thông tin hay về trẻ em cần được phổ biến rộng rãi cho các đồng nghiệp khác cùng nắm bắt.

Cùng quan điểm, PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí nhấn mạnh: Nhà báo khi đưa tin về trẻ em dù thông tin bằng loại hình nào cũng cần nắm rõ những nguyên tắc cơ bản khi đưa tin về trẻ em, đặc biệt là vấn đề đạo đức nghề nghiệp.

Cùng với nhiều vấn đề nóng bỏng khác của xã hội, trẻ em được xem là một vấn đề cần được báo chí quan tâm và thông tin đúng mực và chính xác. Đồng thời, mỗi một nhà báo cần nâng cao lương tâm, đạo đức của mình để mỗi thông tin viết ra góp phần cứu giúp và nâng đỡ cho những mầm non tương lai của đất nước. Hãy viết như viết cho chính con em của mình đọc vậy.

Theo Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất