Thứ Tư, 20/11/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 28/7/2015 21:13'(GMT+7)

Vinh danh đại thi hào Nguyễn Du trên phạm vi toàn thế giới

Tượng đài Nguyễn Du ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. (Nguồn: hatinh.gov.vn)

Tượng đài Nguyễn Du ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. (Nguồn: hatinh.gov.vn)

Ngày 28/7, tại Hà Nội, Hội Kiều học Việt Nam phối hợp với Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học mang tên "Đại thi hào Nguyễn Du và kiệt tác 'Truyện Kiều'."

Đây là hội thảo thứ ba về Nguyễn Du do Hội Kiều học Việt Nam kết hợp cùng Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức, hướng tới kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm ngày sinh và vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015) vào tháng 11 tới. 

Hội thảo khoa học về kiệt tác "Truyện Kiều" lần này có hơn 30 tham luận của các nhà nghiên cứu xoay quanh hai phương diện, về thiên tài Nguyễn Du và kiệt tác "Truyện Kiều." 

Đây là hoạt động khởi động cho lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, tiếp theo sẽ là hội thảo quốc tế về Nguyễn Du do Viện Hàn lâm khoa học xã hội chủ trì; lễ kỷ niệm cấp quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức. 

Tại hội thảo, giáo sư Phong Lê, Phó Chủ tịch thường trực Hội Kiều học Việt Nam nhấn mạnh việc khẳng định tư cách đại thi hào cho Nguyễn Du và kiệt tác cho "Truyện Kiều" tại hội thảo này là việc làm không mới nhưng nhưng vẫn cần thiết, bởi đại thi hào Nguyễn Du và kiệt tác"Truyện Kiều" đã để lại các giá trị trường tồn theo thời gian, ngày càng ngày tỏa sáng. 

Vào năm 1965, đúng dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du, ông đã được Hội đồng hòa bình thế giới tôn vinh. Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 37 của UNESCO tháng 11/2013 chính thức ra nghị quyết vinh danh đại thi hào Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới. 

Đặc biệt, trong năm 2015, lễ vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du sẽ diễn ra trên phạm vi toàn thế giới nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào.

Như vậy, Việt Nam có 3 danh nhân văn hóa thế giới được UNESCO tôn vinh, đó là Nguyễn Trãi, tôn vinh năm 1980, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôn vinh năm 1990 và Nguyễn Du, tôn vinh năm 2015.

Giáo sư Phong Lê cũng khẳng định, thời kỳ "Truyện Kiều" ra đời cũng là thời kỳ xuất hiện nhiều truyện thơ nổi danh khác như "Phan Trần," "Hoa tiên," "Sơ kính tân trang," nhưng "Truyện Kiều" vẫn là một hiện tượng nổi bật nhất.

Kiệt tác của Nguyễn Du đã chinh phục bao thế hệ công chúng hơn 200 năm qua, các nhân vật của "Truyện Kiều" đều có sức sống mãnh liệt. Không chỉ là Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Từ Hải, Thúc Sinh, Vương Ông, Vương Quan, hay Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến, Hoạn Thư..., mà ngay cả các nhân vật không tên như thằng bán tơ, mụ mối, quản gia nhà họ Hoạn, viên lại già họ Đô, viên quan xử kiện “trông lên mặt sắt đen sì...” cũng có chỗ đứng trong tiềm thức của những người mê Kiều.

Có thể nói, trong giai đoạn từ thế kỷ 17đến cuối thế kỷ 19 không một tác phẩm thơ Nôm nào có thể đạt được hiệu quả nghệ thuật hiện đại đến thế. 

Kết thúc "Truyện Kiều," Nguyễn Du tổng kết bằng hai câu thơ đã trở thành kinh điển "Thiện căn ở tại lòng ta/Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" như một tổng kết tuyệt đối đúng cho sự tu thân, tu dưỡng của nhân gian trăm họ. 

Đây chính là thành tựu tuyệt vời của Nguyễn Du để cho "Truyện Kiều" trở thành tác phẩm lớn nhất và duy nhất của văn học cổ điển Việt Nam có được giá trị của một “bức tranh đời,” với “những điều trông thấy mà đau đớn lòng,” chất chứa trong một trái tim lớn.

"Truyện Kiều" của Việt Nam đã vượt ra ngoài biên giới đến với độc giả nhiều nước trên thế giới. Tính đến nay, đã có trên 30 bản dịch tác phẩm này ra khoảng 20 thứ tiếng nước ngoài, trong đó có 13 bản tiếng Pháp, 10 bản Hán văn và Trung văn, các bản dịch tiếng Nga, Anh, Nhật, Đức, Tiệp, Hungary, Romania, Hàn Quốc...

Từ "Truyện Kiều" đã xuất hiện nhiều sản phẩm văn hóa Kiều như bói Kiều, vịnh Kiều, ngâm Kiều, lẩy Kiều.../. 

Hội Kiều học Việt Nam thành lập vào tháng 11/2011, đề cao hàng đầu là nghiên cứu Kiều và đại thi hào Nguyễn Du. 

Trong năm 2015, Hội Kiều học Việt Nam có một nhiệm vụ lớn cần phải thực hiện, đó là xác định được một bản "Truyện Kiều" đạt được sự đồng thuận cao bởi Kiều sống trong đời sống nhân dân nhưng văn bản Kiều đòi hỏi phải có sự chuẩn xác theo yêu cầu của khoa học. 

Nguyên bản của "Truyện Kiều" không có, lại trải qua nhiều đời. Hiện tại, vẫn chưa có bản Kiều nào thống nhất.

Trong 3.254 câu Kiều, có khoảng 1.000 từ có dị bản khác nhau gây tranh cãi. Muốn tìm được sự đồng thuận cao không phải là việc dễ dàng./.

TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất