Thứ Tư, 25/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 3/6/2012 10:37'(GMT+7)

Vơi bớt những nhọc nhằn

Liên đoàn Lao động tỉnh Long An trao tặng nhà ở "Mái ấm công đoàn" cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn nhân Tháng Công nhân 2012.

Liên đoàn Lao động tỉnh Long An trao tặng nhà ở "Mái ấm công đoàn" cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn nhân Tháng Công nhân 2012.

Tại ngày hội hưởng ứng Tháng Công nhân 2012 diễn ra vào trung tuần tháng năm ở khu công nghiệp (KCN) Thuận Ðạo (Bến Lức, Long An), cô công nhân Nguyễn Thị Kim Anh không giấu nổi sự thích thú: "Thật thú vị khi chúng em có cả một tháng công nhân. Ðây là lần đầu, hàng nghìn công nhân được tham gia các hoạt động tư vấn sức khỏe sinh sản, pháp luật lao động có quy mô hoành tráng như vậy. Vui nhất là khi được mua sắm tại phiên chợ hàng Việt giảm giá do Liên đoàn lao động (LÐLÐ) tỉnh phối hợp ngành công thương tỉnh Long An tổ chức".

Còn tại đêm văn nghệ "Hát cho công nhân nghe - nghe công nhân hát" do LÐLÐ tỉnh Hà Nam phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức đã thu hút hơn 1.000 công nhân trong KCN Ðồng Văn I, Duy Tiên và đông đảo bà con nhân dân quanh vùng. Hơn 30 tiết mục ca nhạc do những người lao động từ các doanh nghiệp đóng trên địa bàn đăng ký biểu diễn khiến đêm văn nghệ kéo dài tưởng chừng không dứt. Công nhân Phạm Quốc Huy, Công ty Sumi Việt Nam náo nức: "Thật tuyệt vời khi được nghe những tiết mục cây nhà lá vườn, tự biên tự diễn nhưng không kém văn nghệ chuyên nghiệp. Ðể có được ba tiết mục tham gia đêm văn nghệ tối hôm nay, gần 50 diễn viên không chuyên trong công ty được lãnh đạo và công đoàn tạo điều kiện đã miệt mài tập luyện suốt gần một tháng. Giá như, một vài tháng, chúng em lại được tham gia một đêm như thế này, sẽ khiến tinh thần phấn chấn, quên đi mệt mỏi sau những giờ lao động vất vả và cuộc sống tinh thần vốn tẻ nhạt thì vui biết mấy". Ðây chỉ là một trong chuỗi các hoạt động mà các cấp công đoàn Hà Nam triển khai trong Tháng Công nhân 2012. Nhưng, đêm văn nghệ đã trở thành điểm nhấn quan trọng, khiến mỗi công nhân của KCN Duy Tiên nói riêng và đội ngũ công nhân viên chức, lao động (CNVCLÐ) trong tỉnh nói chung thật sự cảm nhận được họ chính là chủ thể được hưởng quyền lợi chính đáng, thiết thực từ Tháng Công nhân đem lại.

Từ sáng kiến của mình, sau hai năm tổ chức thí điểm ở một số tỉnh, thành phố, năm 2011, Tổng LÐLÐ Việt Nam chính thức phát động và tổ chức sâu rộng Tháng Công nhân trong toàn hệ thống công đoàn được đông đảo người lao động (NLÐ) đón nhận, được các cấp ủy Ðảng, chính quyền, doanh nghiệp đánh giá cao. Tiếp theo tinh thần đó, việc tổ chức lần đầu Tháng Công nhân theo kết luận của Ban Bí thư vào tháng 5-2012, được Tổng LÐLÐ Việt Nam triển khai sớm trên phạm vi cả nước bằng những hoạt động thiết thực, cụ thể, hướng về cơ sở, chăm lo trực tiếp cho CNVCLÐ với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi. Mục tiêu tập trung chăm lo cho NLÐ trong các KCN, KCX, trên các công trình trọng điểm và công nhân, lao động (CNLÐ) có hoàn cảnh khó khăn. 

Chưa đầy một tháng phát động, chỉ tính từ ngày 7-4 đến 5-5, 30 LÐLÐ tỉnh, thành phố, công đoàn T.Ư, công đoàn trực thuộc đã tổ chức lễ phát động Tháng Công nhân tại các KCN, KCX, trên công trường trọng điểm quốc gia. Từng cấp công đoàn lựa chọn các hoạt động mang đặc trưng riêng của ngành, địa phương với mục tiêu, mục đích, phương châm rõ ràng. Nổi lên một số hoạt động tiêu biểu như "Ngày pháp luật", "Tuần pháp luật", "Tuyên dương công nhân lao động tiêu biểu xuất sắc" tại Ðồng Nai, ngành giao thông vận tải, xây dựng, điện lực; liên hoan nghệ thuật "Hát cho công nhân nghe - nghe công nhân hát" ở Hà Nam, Hà Nội. "Chương trình giờ thứ 9", "Cùng công nhân vượt khó" ở TP Hồ Chí Minh; "Ngày hội văn hóa thể thao CNVCLÐ" ở Hải Phòng, Bắc Giang; đối thoại với CNLÐ tại Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, ngành Dệt may Hà Nội, ngành công thương.

Ðặc biệt, "Ngày hội CNLÐ" được LÐLÐ nhiều tỉnh, thành phố tổ chức với nhiều nội dung như khám, cấp thuốc miễn phí, hội chợ giảm giá, giao lưu văn nghệ, thể thao. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn đẩy mạnh vận động xây dựng quỹ trợ vốn cho CNLÐ nghèo phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập; đẩy mạnh hoạt động Quỹ Tấm lòng vàng Lao động, Quỹ CEP; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hàng nghìn "Mái ấm Công đoàn". Hàng chục nghìn CNLÐ có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp... được thăm hỏi và tặng quà; hàng nghìn con em CNLÐ hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập được tặng quà, học bổng; phát hàng nghìn phiếu mua hàng giảm giá cho CNLÐ tại các KCN, KCX... 

Có thể nói, trong điều kiện tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn, đời sống của CNLÐ còn nhiều vất vả, thiếu thốn, việc Ban Bí thư công nhận Tháng Công nhân thể hiện sự quan tâm của Ðảng và toàn hệ thống chính trị cùng vào cuộc, chung tay với tổ chức công đoàn chăm lo nhiều hơn, thiết thực, cụ thể hơn cho CNVCLÐ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tốt đẹp đạt được, Tháng Công nhân còn một số hạn chế. Do đây là năm đầu tiên tổ chức, nhiều nơi, các cấp ủy Ðảng, chính quyền, đoàn thể chưa thật sự tích cực phối hợp với tổ chức công đoàn trực tiếp tổ chức các hoạt động hưởng ứng. Nhiều tổ chức công đoàn ở một số tỉnh còn bị động, chưa tranh thủ được sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia. Ðiều này làm hạn chế nguồn lực nhằm chăm lo hơn nữa cho NLÐ. Chính những thiếu sót ấy khiến ngay trong Tháng Công nhân 2012, khi cả nước và các cấp công đoàn hướng về NLÐ thì nơi này, nơi kia vẫn có tình trạng hàng nghìn NLÐ đang sản xuất trực tiếp tại doanh nghiệp, trong KCN, KCX vẫn đình công, ngừng việc tập thể do những vướng mắc về lợi ích hoặc lợi ích chưa được giải quyết thỏa đáng.

Ðể Tháng Công nhân lan tỏa và có chiều sâu, thật sự trở thành ngày hội lớn của NLÐ, Phó chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam, Hoàng Ngọc Thanh cho rằng: Bốn chủ thể chi phối sự thành công của Tháng Công nhân. Ðó là: Các cấp ủy đảng, chính quyền, chuyên môn đồng cấp; doanh nghiệp; công đoàn và người lao động. Mỗi chủ thể có một trách nhiệm và nghĩa vụ quan trọng.

Trong đó, lãnh đạo chính quyền, chuyên môn đồng cấp cần quán triệt và thực hiện đúng Nghị quyết số 20-NQ/T.Ư về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", thật sự lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của NLÐ tại các cuộc đối thoại thông qua tổ chức công đoàn. Doanh nghiệp cần thật sự coi NLÐ là vốn quý để từ đó đề ra những chính sách, chế độ thỏa đáng. Công đoàn các cấp giữ vai trò chủ đạo trong tham mưu cấp ủy Ðảng, chính quyền, đề ra những nội dung, cách thức tổ chức các hoạt động thiết thực hướng về NLÐ. Trong đó, đặt nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLÐ là mục tiêu sống còn. Ðẩy mạnh công tác tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLÐ: ký kết thỏa ước lao động, giao kết hợp đồng lao động, các chế độ lương, thưởng, xử lý kịp thời các vướng mắc về lợi ích của NLÐ.

Bên cạnh đó, đồng chí Hoàng Ngọc Thanh cũng kêu gọi NLÐ nên chung tay chia sẻ, hiến kế cho các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Ðồng thời, tự bản thân mỗi CNLÐ cần tự học, tự rèn luyện để nâng cao trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật nhằm đáp ứng tốt yêu cầu công việc, góp phần ổn định và phát triển doanh nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Đặng Thanh Hà/ Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất