Thứ Năm, 28/11/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 3/6/2012 8:23'(GMT+7)

Xây dựng nền hành chính phục vụ: Không phải chờ dân đến, gọi dân lên

 

Cần nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác hộ tịch

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho hay, trong hơn 10 năm trở lại đây, công tác hộ tịch đã có những bước tiến cơ bản: hệ thống cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch được củng cố, đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch được tăng cường. Hệ thống sổ sách, dữ liệu hộ tịch được lưu trữ và sử dụng lâu dài, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch, khẳng định được vai trò trong quản lý nhà nước và bảo đảm quyền nhân thân của cá nhân….

Tuy nhiên nhiều hạn chế là: thiếu văn bản pháp lý có tính hiệu lực pháp lý ở cấp Luật trong khi lại có nhiều văn bản cùng điều chỉnh về vấn đề hộ tịch khiến công tác áp dụng gặp nhiều khó khăn, phức tạp; còn tình trạng đăng ký không kịp thời, chưa đầy đủ, thiếu chính xác, số liệu đăng ký khai sinh quá hạn vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể tại một số địa phương; tình trạng đăng ký sai thẩm quyền, cấp bản sao hộ tịch không căn cứ vào sổ gốc, quá dễ dãi trong việc cấp Giấy khai sinh, tẩy xóa nội dung hộ tịch... Tỷ lệ đăng ký lại và đăng ký quá hạn chiếm tương đối cao.

Thực trạng thay đổi và cải chính hộ tịch trên địa bàn TP Đà Nẵng vẫn còn nhiếu thiếu sót. Vấn đề cải chính năm sinh còn tùy tiện, chưa đúng quy định của pháp luật đôi khi chỉ dựa vào lời khai của các nhân chứng là người thân trong gia đình hoặc giấy tờ không liên quan đến hộ tịch như lý lịch của anh chị em ruột, gia phả tộc họ. Tình trạng này còn diễn ra trên nhiều tỉnh, thành cả nước.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do công chức tư pháp hộ tịch xã phương phải đảm nhiệm khối lượng công việc nhiều trong khi trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, nhiều cán bộ làm công tác này nhưng lại mới chỉ được đào tạo về quản lý nhà nước hoặc chuyên ngành khác.

Theo đại diện UBND phường Khương Đình-quận Thanh Xuân – TP Hà Nội, hoạt động tư pháp của cán bộ tư pháp cấp xã hiện nay quá tải. Vừa trực tiếp giải quyết hồ sơ, vừa tham mưu tổ chức 12 đầu việc khác trong khi chỉ có duy nhất một công chức đảm nhận gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công việc.

Điểm mới của dự thảo Luật Hộ tịch chính là việc xây dựng chức danh hộ tịch viên. Bổ nhiệm số lượng chức danh này là cần thiết nhưng phải tùy thuộc vào tình hình cụ thể của từng địa phương chứ không nên áp dụng chung vì “ở TP Hồ Chí Minh, có những xã phường rất đông dân cư nên nếu chỉ có một hộ tịch viên là rất khó”, đại diện TP Hồ Chí Minh nói.

Chủ động đến với dân để phục vụ dân

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong khi ghi nhận nỗ lực của các cán bộ tư pháp làm công tác hộ tịch trên cả nước đã yêu cầu nên rút kinh nghiệm trên toàn hệ thống, từ đó đề ra những giải pháp hạn chế khắc phục cụ thể ở từng địa phương. Cán bộ hộ tịch, hộ khẩu ở xã phường phải thường xuyên bồi dưỡng, học hỏi để hoàn thành công tác.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó xây dựng hoàn thiện về Luật Hộ tịch, chú trọng đến chất lượng, tiến độ của văn bản, đảm bảo quyền lợi của dân. Nâng cao hơn nữa vai trò, vị trí, ý nghĩa pháp lý của công tác hộ tịch đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nhận thức quản lý hộ tịch trong mối quan hệ với các luật khác, xây dựng thiết chế tạo cơ sở quản lý hộ tịch chặt chẽ, trong đó chú trọng việc xây dựng mã số cá nhân cho công dân. Đây chính là cơ sở dữ liệu chung cho các bộ ngành vừa phục vụ chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Việc đăng ký quản lý hộ tịch phải kịp thời chính xác, quan tâm thường xuyên đến việc đào tạo cán bộ tư pháp cấp xã, phường, thị trấn qua đó nâng cao trình độ, thái độ làm việc, cung cách phục vụ nhân dân. Cải cách thủ tục hành chính trong công tác hộ tịch phải bảo đảm công khai minh bạch, gỡ bỏ rào cản hành chính để tạo thuận lợi cho người dân.

“Chúng ta cần xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, không phải chờ dân đến, gọi dân lên để làm đăng ký mà chủ động đến với dân, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan như công an để làm tốt công tác này. Bộ Tư pháp chủ động, tích cực hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện pháp luật, tổng hợp các kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với công tác, bảo đảm quyền lợi của nhân dân, phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH của đất nước.” Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao nghiên cứu tiếp thu có chọn lọc công tác quản lý hộ tịch của các nước trên thế giới, từ đó áp dụng vào tình hình quản lý hộ tịch của Việt Nam.

HƯƠNG NGUYÊN/Nhan Dan 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất