Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 27/2/2010 14:46'(GMT+7)

Vui, buồn lễ hội đầu xuân

Trò chơi đẩy gậy tại lễ hội Lồng Tồng, Định hoá, Thái Nguyên

Trò chơi đẩy gậy tại lễ hội Lồng Tồng, Định hoá, Thái Nguyên

Dân gian có câu: “Đầu năm đi lễ, cuối năm đi tạ”. Tháng Giêng, nhân dân nhiều địa phương tưng bừng chung vui trong các hội đầu năm, mong ước một năm mới với nhiều thuận lợi, an vui.

Trang trọng lễ hội Đền Đô

Những ngày đầu xuân Canh Dần trời nắng vàng nhạt, mưa xuân rắc bụi nhẹ nhàng, làm ấm áp lòng người hành hương về Đền Đô-Bắc Ninh. Đền Đô còn gọi là Cổ Pháp Điện, hay đền Lý Bát Đế, được xây dựng vào thế kỷ XI (1030), trên khu đất phía Đông - Nam hương Cổ Pháp, châu Cổ Pháp, nay là xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Chuẩn bị đại lễ 1.000 năm Thăng Long, thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã đóng góp nhiều công sức và tiền của để tôn tạo Đền Đô thành một địa danh thiêng liêng của toàn dân tộc.

Cụ Ngô Đình Lan (Ban quản lý di tích Đền Đô) phấn chấn vì năm nay toàn bộ đồ thờ, câu đối đều được sơn son thiếp vàng mới. Dưới ánh sáng của hệ thống đèn thờ, nhà Hậu cung nơi đặt ngai và bài vị 7 vị vua nhà Lý (Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông) bừng lên ánh vàng rạng rỡ, đông nghịt người dâng hương cầu xin Tiên tổ.

                                                                   Đền Đô (đền Lý Bát Đế) thờ 8 vị Vua nhà Lý

Hàng vạn khách hành hương trong dịp Tết, vừa để chiêm bái di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, vừa để tỏ lòng thành kính với tổ. Cô Trần Thị Phượng, làm việc ở Ngân hàng NN-PTNT thành phố Hồ Chí Minh, hào hứng: “Biết miền Bắc rét đậm, tôi vẫn quyết định ra Hà Nội để đi lễ Đền Đô, đến đây tôi càng xúc động và tự hào là con cháu các vị vua triều Lý”.

Còn đối với anh thanh niên Hà Nội Phạm Văn Bình, cán bộ Học viện Tài chính, thì khi đọc Chiếu dời đô tại chính Đền Đô, anh càng cảm nhận được tài năng của ông cha: “Quả là vua Lý Thái Tổ có tầm nhìn xa trông rộng, dự báo đúng tương lai”.

Bà Lê Xuân Hương, giám đốc Công ty TNHH vật tư và vận tải Hải Phòng, lại gắn tâm linh với đời thường: “Tôi nghĩ đi lễ cầu may mắn, phát tài, thì mình phải thành tâm, thiện tâm, nên tôi luôn quan tâm đến mọi người, ví dụ ai làm việc vào ngày nghỉ, ngày lễ tôi đều thực hiện đúng Luật lao động qui định”.

Dù đông người lễ nhưng khuôn viên Đền Đô sạch sẽ, rất ít rác, các hàng quán được sắp xếp thành hai dãy trật tự, ngăn nắp bên ngoài tường bao quanh đền, không  chèo kéo, tranh giành khách.

Ngày hội của người… ăn xin

Cách đường cái 10 km, một con đường rừng nhỏ hẹp bụi mù và quanh co của xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, dẫn vào đền Bắc Lệ thờ Mẫu Thượng Ngàn nổi tiếng linh thiêng.

Đền Bắc Lệ thờ Mẫu Thượng Ngàn, còn gọi là Bà Chúa Thượng Ngàn, mang trang phục màu xanh, là con gái của Sơn Tinh và Mỵ Nương, có tên là La Bình. Bà được đi theo cha đến mọi nơi, từ núi non hang động, đến miền trung du đồi bãi trập trùng, học được những điều cha dạy dân về trồng cây, chăn nuôi, hái thuốc chữa bệnh, và nhiều khi được cha ủy nhiệm làm thay mình. Khi cha mẹ về trời theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng Đế và được Trời phong thánh bất tử, thì bà cũng được Trời phong là Công Chúa  Thượng Ngàn, thay cha đảm nhận công việc dưới trần.

Bãi đỗ xe còn lởm chởm đất đá, nhưng ô tô khắp nơi đổ về mỗi lúc một nhiều, rất đông ô tô các tỉnh thành, kể cả của đoàn ngoại giao. Lối đi vào đền vàng chóe những đồ lễ cây tiền, xen lẫn tiếng ông mù hát dạo đang rền rĩ khúc nhạc, cùng tiếng mời chào của chủ hàng quán.

Nhưng không đâu lại có nhiều người ăn xin như ở đây, thoạt nhìn tưởng là những bà già người Nùng đi lễ ăn mặc khá tươm tất. Cho tiền một người là cả chục người xúm lại. Sân bên phải đền chật kín ba bốn dãy hàng thuốc nam của người Nùng, một dãy viết sớ, những hàng bán đồ lưu niệm, còn sân trái ngổn ngang khách hành hương.

                                                                     Đền Bắc Lệ, Lạng Sơn thờ Mẫu Thượng Ngàn

Một bà bán thuốc tên là Phùng Thị Tuyến nhiệt tình mời khách: “Thuốc bổ lắm, mua đi. Thuốc kéo dài tuổi thọ đấy. Đừng ngại, vì thuốc không độc đâu, toàn các loại lá, cây thuốc rừng đấy”. Mấy ông trung niên lưỡng lự một lúc, rồi gật gù mua 3 chai thuốc chữa đau lưng, mỏi gối, chắc là hi vọng “một người uống, nhiều người vui” đây! Không thấy tiếng đàn tiếng phách của những giá đồng như ngày xưa, hỏi ra mới biết vì ban ngày đông khách lễ, phải đến tối mới có chỗ cho cánh cung văn, cô đồng đến tận đêm khuya.

Giữa sân, hơn một chục bà con vừa dâng hương xong, ra ngồi nghỉ, chờ tàu hỏa về ga Bắc Lệ. Bà Hà Thị Đối kể: “Chị em chúng tôi đều ở Lạng Giang (Bắc Giang), năm nào cũng đi tàu lên lễ đền, sau đó đi lễ đền Kiếp Bạc. Có lễ có may, hiềm nỗi eo hẹp đồng tiền nên chưa đi lễ chùa Hương được”.

Dãy bàn viết sớ lúc nào cũng đông khách, toàn là các bà, các chị, có người dắt theo cả con học cấp một, cấp hai. Mấy anh đồ chắc là người Nùng sẵn biết tiếng Hán, hỏi khách như máy: “Họ, tên? Ở đâu? Xã, huyện, tỉnh?...” rồi thoăn thoắt điền mấy chữ Hán vào những lá sớ in sẵn, và cũng thoăn thoắt lấy tiền công 15.000 đồng/sớ. Một “anh đồ” cho biết mỗi ngày viết sớ cho gần trăm người.

Cũng ở tỉnh Lạng Sơn nhưng quen thuộc và nổi tiếng từ lâu, là danh thắng các động Nhị Thanh, Tam Thanh nằm ngay thành phố. Nhưng trừ động Nhị Thanh còn đáng đi xem, đi chơi, còn động Tam Thanh thật sự không đáng mở cửa vào dịp Tết. Bởi vì, ngoài cái cổng sáng sủa, còn bên trong thì tối om om, căng mắt mà không biết hang động hình dáng như thế nào, vừa dễ va đầu vào vách đá, vừa tốn tiền vé và thời gian. Chẳng ai trong ban quản lý di tích giải thích, vẫn mở cửa thu tiền du khách.

Khó mà hình dung được địa thế và chiến công lẫy lừng của Quỉ Môn Quan, trừ một dòng chữ “Ải Chi Lăng” vô hồn bị chìm lỉm vào hai dãy phố tân thời hết sức khập khiễng trước núi non hùng vĩ. Lại càng tủi phận hơn, khi ngạo nghễ bên kia quốc lộ 1 là  nhà máy xi măng công nghệ Tàu cũng dễ sinh lời. Kinh tế là cần, nhưng di sản văn hóa lịch sử thì không gì so sánh được, không tạo ra được!

Sóc đĩa trong lễ hội Lồng Tồng

Khi về dự lễ hội “Lồng tồng” ở đồi Tỉn Keo, đỉnh Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, cách Tân Trào (Tuyên Quang) được đi đường nhựa. Nơi đây thuộc ATK (an toàn khu), là “thủ đô kháng chiến” thời đánh Pháp, do đích thân Bác Hồ chọn. Từ khi Nhà tưởng niệm Bác Hồ được xây dựng ở đây năm 2005, lễ hội Lồng tồng được tổ chức hàng năm đã thu hút hàng vạn đồng bào, trong đó có nhiều người ở ngoài tỉnh Thái Nguyên.

Tết của đồng bào Tày, Nùng sẽ mất vui nếu thiếu lễ hội “Lồng tồng”, không chỉ ở Định Hóa, mà còn ở các nơi khác như Yên Sơn, Chiêm Hóa, Nà Hang của tỉnh Tuyên Quang và Ba Bể của tỉnh Bắc Cạn. Phần lễ của lễ hội “Lồng tồng” ở Định Hóa vẫn giữ nguyên các nghi thức cúng lễ, mở đầu bằng lễ cầu mùa.

Đáng tiếc là lễ hội năm nay không có cảnh thày mo cúng ở chân cột còn, tranh cướp hai quả còn, cũng như được nghe bài hát sli mượt mà. Lễ hội cũng thiếu vắng nhiều trò chơi dân tộc truyền thống như đi cà kheo, đánh quay, đánh yến, đá cầu, chọi gà, múa sư tử, múa rối, múa võ, rước cờ… chỉ còn duy nhất trò chơi đẩy gậy. Thay vào đó, thật nao lòng là một đôi chỗ chơi xóc đĩa ăn tiền, inh ỏi nhạc pop, trò chơi  trúng thưởng, và la liệt hàng ăn, hàng uống trong lúc thanh niên mặt đỏ phừng phừng, không đội mũ bảo hiểm phi xe máy, tung bụi ngầu.

Ông Lương Văn Lành, Bí thư huyện ủy Định Hóa, cho biết lễ hội “Lồng tồng” sang năm sẽ cố gắng khôi phục dần những trò chơi dân gian, có biện pháp gìn giữ vệ sinh, trật tự. Muốn thế, các ngành văn hóa, du lịch của tỉnh Thái Nguyên phải vào cuộc thật sự, cũng như cần có sự phối hợp với tỉnh Tuyên Quang, để biến lễ hội “Lồng tồng” của “Thủ đô Kháng chiến chống Pháp” thành lễ hội của cả vùng núi Thái Nguyên-Tuyên Quang./.

Bài và ảnh: Trần Lê (VOV)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất