Thứ Sáu, 4/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 11/11/2009 9:58'(GMT+7)

Vùng lũ miền Trung: Đuối sức trở lại trường

Phú Yên - Học trò vẫn không bỏ con chữ

Phú Yên - Học trò vẫn không bỏ con chữ

Trường sập

Tại thị xã Sông Cầu (Phú Yên), nhiều ngày qua học sinh nơi đây học trở lại trong các lán trại tạm bợ được thầy cô và bộ đội dựng lên. Hiện ở vùng rốn lũ Sông Cầu, Đồng Xuân và Tuy An vẫn còn hơn 20 trường học chưa thể hoạt động được.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Phú Yên, đợt bão lũ vừa qua đã khiến 1 giáo viên và 15 học sinh thiệt mạng, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất hơn 110 tỷ đồng.

Sáng ngày 10/11, nhiều trường học ở Phú Yên đã bắt đầu học tạm bợ trong những lán dù do bộ đội căng lên.

Trước mắt, ngành sẽ hỗ trợ một phần sách vở, bàn ghế để các em đến trường.

Về lâu dài, ngành đề nghị tỉnh, trung ương hỗ trợ. Đồng thời, kêu gọi những tấm lòng nhân ái giúp đỡ để học sinh nơi đây sớm được trở lại trường lớp trong điều kiện tốt nhất.

Bão số 11 và trận lũ lịch sử đi qua đã càn quét hàng chục ngôi trường ở xã Xuân Lâm (thị xã Sông Cầu), Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam, Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân)... thành đống gạch vụn và hàng trăm trường bị xói lở móng hoặc tốc mái hư hỏng nặng, có thể đổ ập bất cứ lúc nào.

Trường tiểu học và trường mẫu giáo thôn Hội Phú (xã An Thạch, Tuy An) vừa mới xây dựng bằng tiền đóng góp của người dân, giờ chỉ còn trơ lại những đống gạch vụn. Toàn bộ bàn ghế, đồ dùng dạy học... đều bị nước lũ cuốn phăng theo dòng Tam Giang.

Nhiều trường học bị nước ngập lên đến mái, nên toàn bộ trang thiết bị thí nghiệm, máy vi tính, đồ dùng dạy học bị hư hỏng hoàn toàn. Ngay cả những ngôi trường cao ráo hơn như trường cấp 2 - 3 Nguyễn Viết Xuân ở xã An Định, lũ cũng không buông tha.

Ông Đặng Chí Tôn, Phó Hiệu trưởng trường Nguyễn Viết Xuân cho biết: “Toàn bộ sách vở, trang thiết bị, trị giá ngót tỷ đồng theo bão lũ mất hết! Hiện không biết khi nào mới sắp xếp được cho học sinh học trở lại”.

Tại trường tiểu học Xuân Sơn Bắc, cô giáo Trần Thị Kim Thanh - Phó Hiệu trưởng, ngậm ngùi: “Trường này do Tổ chức Đông Tây Hội ngộ tài trợ xây dựng rất kiên cố và đưa vào sử dụng năm 2005. Thế nhưng, bão lũ đã san bằng tất cả 10 phòng học. Tất cả tài liệu, sổ sách của giáo viên đều ngập nước, hư hỏng hoàn toàn. Toàn bộ 312 em nhỏ đang không biết sẽ học ở đâu ?”.

Tại phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn, Bình Định), ông Huỳnh Văn Phương, Chủ tịch phường cho biết, tất cả các trường từ cấp 3 tới mẫu giáo  trên địa bàn đều bị ngập nên toàn bộ bàn ghế, máy móc thiết bị bị ảnh hưởng nặng. Đặc biệt có đến 90 phần trăm học sinh vùng ngập lũ cần được hỗ trợ.

Thầy Nguyễn Văn Ba - Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An (TP Quy Nhơn, Bình Định) cho biết: Trường tổ chức học lại từ ngày 5/11, nhưng đến nay nhiều học sinh vẫn chưa thể đến lớp.

Sách trôi

Mấy ngày nay, em Phạm Trần Nam Giang, học sinh lớp 4A  cùng với người chị ruột Phạm Trần Bảo Trâm, học sinh lớp 5A, trường Tiểu học An Thạch (huyện Tuy An, Phú Yên) cặm cụi lau rửa từng quyển sách, tập vở còn sót lại giữa bùn đất để đem phơi.

Bảo Trâm cũng chưa biết bao giờ được trở lại trường vì trường em cũng đang ngập ngụa trong bùn đất, các bạn đồng trang lứa thì sách vở không còn.

Đứng chờ đoàn cứu hộ vượt cầu Lò Gốm qua An Thạch cứu trợ, nhiều em nhỏ hồi hộp không biết trong đó sẽ có vở, tập cho mình.

Em Nguyễn Công Hậu, học sinh phổ thông cấp 2-3 Võ Thị Sáu, An Ninh Tây (huyện Tuy An) gạt nước mắt: “Nước sông dâng nhanh quá, cả nhà vội chạy thoát thân chứ không kịp cất sách vở, đồ dùng học tập. Giờ nhiều quyển phơi khô rồi nhưng rách tã, mất chữ, đâu đọc được nữa !”.

Đã hai ngày rồi, sáng nào cũng thế, em Bùi Thị Ái Trâm (đội 6, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, Bình Định) thẫn thờ ngóng ra đường. Tối trước, nghe cậu bạn cùng lớp 8 thông báo trường lớp đã được khắc phục, thứ hai các bạn đi học, Trâm càng rối bời.

Cha em là ông Bùi Văn Thu, 42 tuổi, làm nghề phụ hồ, lao động chính nuôi cả nhà vừa bị lũ cuốn chết. Đồ đạc, sách vở trôi hết, bốn mẹ con giờ ăn cũng không có, lấy gì trở lại trường. Ở đội 8 gần bên, anh ruột ông Thu là ông Bùi Công Chánh cũng chết vì lũ, để lại 3 đứa con dại trước nguy cơ bỏ học.  

Khắc phục hậu quả cơn bão số 11, Bộ GD&ĐT:

Chủ yếu hỗ trợ các địa phương về mặt tinh thần

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT vừa kết thúc chuyến thăm và nắm tình hình sau cơn bão số 11 tại hai tỉnh Phú Yên và Bình Định.

Trao đổi với Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Nghĩa nhận định, đây là những địa phương mà người dân nói chung, hệ thống trường học nói riêng chịu sự thiệt hại nặng nề nhất do bão số 11 gây ra. Để thầy trò những nơi đó có trường, lớp, nhanh chóng ổn định hoạt động dạy học sau lũ là trách nhiệm của chính quyền các địa phương.

“Đồng chí chủ tịch huyện Tuy An nói với chúng tôi, huyện sẽ đầu tư xây dựng trường mới cho thầy trò trường Tiểu học Đồng Xuân”, bà Nguyễn Thị Nghĩa cho biết.

Về hỗ trợ của Bộ GD&ĐT đối với các trường chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, bà Nguyễn Thị Nghĩa nói: “Sau cơn bão số 9, Bộ GD&ĐT đã có thư kêu gọi toàn ngành cũng như các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập... cho học sinh, giáo viên vùng ảnh hưởng bão.

Hiện nay chúng tôi vẫn tiếp tục nhận sự hỗ trợ đó và phân bổ cho cả những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 11”.

Bà Nghĩa đồng ý rằng, lời kêu gọi giúp đỡ, hỗ trợ từ Bộ GD&ĐT dù nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thì cũng chỉ giúp thầy trò vùng thiên tai đỡ khó khăn phần nào trong cuộc sống hiện tại. Để có một khoản tiền lớn giúp nơi này, nơi khác xây lại trường, lớp là việc nằm ngoài khả năng của Bộ.

“Bộ chỉ có thể hỗ trợ về mặt tinh thần. Yêu cầu Bộ hỗ trợ về tài chính là rất khó vì Bộ không nắm tiền” - Bà Nghĩa nói.

 Quý Hiên

Văn Tài - Nguyễn Huy - TienPhongOnline

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất