Phát biểu bên lề hội nghị chuyên đề về cúm A/H1N1 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc), ông Fukuda nhấn mạnh thực tế đã cho thấy những nước nghèo nhất là những nước dễ bị dịch bệnh tấn công nhất, và đây là vấn đề rất đáng lo ngại.
Vì vậy, WHO luôn hy vọng các công ty dược tăng cường sản xuất vắcxin phòng cúm A/H1N1 và ủng hộ cho các nước này.
Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan đã trực tiếp đưa ra đề nghị này với các hãng dược sản xuất vắcxin phòng cúm A/H1N1, nhưng cho đến nay mới chỉ có hãng GlaxoSmithKline PLC của Anh và hãng Sanofi-Aventis của Pháp cam kết chia sẻ 150 triệu liều cho các nước đang phát triển.
Ông Fukuda cũng cho biết WHO đang xem xét một số phương thức khác như thương lượng để các hãng dược bán vắcxin với giá rẻ cho các nước nghèo và hỗ trợ những nước này tự sản xuất vắcxin phòng cúm mới.
Trước đó, ngày 21/8, Giám đốc WHO phụ trách khu vực Tây Thái Bình dương Shin Young-soo đã kêu gọi Trung Quốc chia sẻ vắcxin phòng cúm A/H1N1 giúp các nước nghèo dập dịch.
Ông Shin Young-soo đưa ra lời kêu gọi sau khi Bộ trưởng Y tế Trung Quốc Chen Chu thông báo tại hội nghị rằng thử nghiệm vắcxin phòng cúm A/H1N1 do công ty dược Sinovac Biotech của nước này sản xuất đã cho kết quả khả quan.
Theo các chuyên gia, hiện tại dịch cúm A/H1N1 mới ở thể nhẹ và hầu hết các ca nhiễm bệnh tự khỏi mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, dịch bệnh này có sức tàn phá lớn hơn ở những nước đang phải đấu tranh với các dịch bệnh khác như AIDS, sốt rét, lao và một số bệnh truyền nhiễm khác. Trong khi đó, hầu hết các nước đang phát triển không có ngân sách cho kế hoạch mua vắcxin phòng cúm A/H1N1 cho toàn thể người dân./.
TH