Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 11/6/2009 18:1'(GMT+7)

Xã hội không được đói thông tin

Các phóng viên đang tác nghiệp

Các phóng viên đang tác nghiệp

Năm tháng qua đi, cùng với sự tiến hoá của nhân loại, sự tiến bộ của khoa học công nghệ với những thành tựu mang tính nhảy vọt, con người - xã hội đã được thụ hưởng ngày càng đa dạng hơn những phương tiện truyền thông cực kỳ hiện đại, thông minh, tiện ích và không kém phần lãng mạn. Theo đó là sự tiếp nhận của con người về số lượng và chất lượng nội dung thông tin.

Nhờ thông tin phát triển mà đời sống con người luôn đạt tới những nấc thang mới của sự văn minh, tiết kiệm chi phí thời gian và công sức. Đó là nói về mặt phát triển của các phương tiện chuyển tải thông tin. Còn nội dung thông tin thì sao? Sự đổi thay sâu sắc của công nghệ thông tin đã làm cho trái đất dường như không còn rộng lớn nữa, khoảng cách địa lý đã bị xoá dần. Con người ở khắp các nước trên hành tinh này “ bỗng dưng” hiểu nhau hơn, xích gần nhau hơn nhờ thông tin và sự hiểu biết về nhau một cách khá toàn diện về phong tục tập quán, cuộc sống, đời sống kinh tế mỗi nước. Niềm vui và cả nỗi buồn của dân tộc nào đó cũng được sẻ chia kịp thời. Hay thì học, dở thì cảnh giác và tìm cách ngăn chặn, đào thải...Thông tin chính xác có một giá trị vô cùng lớn với mọi người. Nhờ có thông tin nhanh, trung thực mà một người hay nhiều người đang bị uy hiếp tính mạng được cứu sống. Nhờ thông tin mà tránh được thảm hoạ. Nhờ thông tin mà con người vui hơn, sống có ích hơn, yêu đời hơn...Giá trị của thông tin nói sao cho hết!

Đã ai đó tự hỏi: một ngày nào đấy trái đất không có thông tin (nghĩa là không có báo chí) sẽ ra sao?. Ai mà sống đến “ngày ấy” để giải đáp cho thắc mắc này. Nhưng dám chắc một điều, con người chỉ tồn tại khi có thông tin; sự phát triển thông tin cả về nội dung và phương tiện là không ngừng, là tất yếu.

Báo chí là một trong những phương tiện chuyên chở thông tin. Ai cần thông tin đều phải mua, vì thông tin cũng là hàng hoá - hàng hoá đặc biệt. Nội dung thông tin càng hay, càng hấp dẫn, cập nhật, giá trị càng cao. Thông tin mang lại lợi ích kinh tế thật lớn, thậm chí trong những trường hợp cụ thể, còn được xem là vô giá. Báo chí nước nhà trong những năm qua cũng nằm trong quy luật ấy và đã thể hiện được vai trò của nó trong đời sống quốc kế dân sinh.

Trong những kỳ họp quốc hội, nhiều đại biểu ( nhất là đại biểu không chuyên trách) đều coi trọng nguồn thông tin từ báo chí. Có đại biểu còn cho rằng nhờ những thông tin báo chí mà họ có thêm cơ sở tin cậy để thực hiện chất vấn, phản biện mà không “ run”, không bị mất tự tin. Đương nhiên đời sống thực tiễn mới là chân lý của thông tin. Nhưng đâu phải ai cũng có thời gian và điều kiện để thâm nhập thực tiễn trên mọi vấn đề. Họ rất cần đến sách, báo, cùng các tài liệu có liên quan đến vấn đề mình cần tìm hiểu. Mỗi ngày, cứ sáng ra lại thấy trên tay rất nhiều người môt hay vài tờ báo; nhiều người khi thể thao ( đi bộ), khi ăn sáng thường mang theo radio, mua một vài tờ báo mà mình ưa thích...Mỗi gia đình ( chủ yếu nơi đô thị) đều có quyền lựa chọn cho mình những ấn phẩm, loại hình báo chí. Nhiều báo, tạp chí, kênh truyền hình, xem không xuể, thông tin có nơi, có lúc không “tiêu hoá” nổi, xem ra lựa chọn cũng không dễ chút nào.

Tác động của báo chí với xã hội đương nhiên là ghê gớm rồi. Hàng ngày, mạng điện tử vẫn được xem là kênh thông tin nhanh nhất đối với những ai cần cập nhật thông tin một cách chọn lọc trước đa dạng thông tin. Trên các trang báo mạng, thông tin gọn, xúc tích và có thêm lời bình nữa nên được nhiều bạn đọc truy cập, tin dùng. Lúc này, thông tin chính xác mới tạo được sự cạnh tranh lành mạnh, mới tạo dựng sự phát triển bền vững uy tín của tờ báo. Chuyện một chiếc máy bay của hãng hàng không Pháp mất tích cùng với 228 hành khách kéo dài hàng tuần với những thông tin thay đổi từng giờ. Báo chí thông tin sao người dân biết vậy, nhưng nếu không có thông tin tiếp theo thì ai cũng quan tâm chờ đợi. Lại có những loại thông tin mà nhiều người quan tâm. Biết từng cái “ gu” của mỗi loại độc giả, báo chí cũng phải khai thác để đáp ứng các nhu cầu lành mạnh, chính đáng của mỗi loại đối tượng bạn đọc.

Cả nước ta hiện có gần 700 cơ quan báo chí với khoảng trên 800 ấn phẩm báo in, 67 đài PTTH, 21 tờ điện tử cùng hàng nghìn trang thông tin các loại, khoảng 16.000 người được cấp thẻ nhà báo...Số lượng báo chí có thể còn ý kiến khác nhau nhưng đại thể báo chí nước mình là phong phú và đáp ứng cơ bản nhu cầu thông tin của người dân. Một vài năm tới, nếu kinh tế phát triển, rất có thể đời sống báo chí sẽ trở lại sôi động và nhộn nhịp hơn trước nhiều. Cho dù thời gian gần đây, sự suy giảm của nền kinh tế đất nước đã tác động mạnh vào đời sống báo chí nước nhà. Hoạt động báo chí xem ra có phần lắng xuống nhưng không vì thế vai trò vị thế của báo chí sút giảm. Trái lại, nhu cầu thông tin của xã hội luôn phát triển, đó cũng là quy luật chung của mọi xã hội phát triển. Báo chí, có thể ví như hạ tầng giao thông, hạ tầng phát triển có ý nghĩa quyết định đến phát triển kinh tế.

Hoạt động báo chí đã có những biến đổi mau lẹ, nhiều có quan báo chí đã thoát khỏi cơ chế bao cấp, tự chủ về tài chính, cân đối thu chi, có lãi và thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Một số đơn vị báo chí, cơ quan chủ quản là đơn vị kinh tế mạnh. Kinh tế báo chí đã dân thành hình hài. Mô hình tập đoàn báo chí đã bắt đầu được triển khai mang tính thí điểm. Ở đó sẽ tạo lập được sự liên kết sức mạnh truyền thông của các loại hình báo chí, hội tụ tiềm lực kinh tế, tinh gọn bộ máy quản lý, chỉ huy, tạo nên “quả đấm”- sức mạnh thông tin. Đương nhiên do khái niệm kinh tế báo chí còn mới mẻ và nhận thức khác nhau về các cách gọi như xã hội hoá báo chí, liên kết, hợp tác trong xuất bản, sản xuất, phát hành các ấn phẩm báo chí, coi báo chí là hàng hoá đặc biệt vận hành theo cơ chế thị trường...nên cơ quan quản lý và chỉ đạo còn lúng túng chưa theo kịp sự phát triển của báo chí nước nhà. Không cho phép tư nhân thành lập cơ quan báo chí là quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Trên thực tế lại đang xuất hiện những cái gọi là “ bán cái”, bán sóng, bán kênh, liên kết trong cả lĩnh vực báo chí và xuất bản... Chưa ai dám chắc có báo chí tư nhân nhưng đã xuất hiện sự tham gia với quy mô, mức độ khác nhau của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước vào đời sống báo chí, xuất bản theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực. Đây là thực tế càng sớm được các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí nghiên cứu, khảo sát để có những đánh giá sát thực, xử lý thích hợp.

Thế kỷ 21 là thế kỷ “lên ngôi” của báo mạng- người ta dự báo như thế. Điều đó dường như đúng khi các báo in đang gặp rất nhiều khó khăn, một số tờ báo phải giảm ấn phẩm, số lượng phát hành sụt giảm đáng kể. Không vì thế lại vội vàng coi nhẹ báo viết, bởi văn hoá đọc vẫn luôn song hành cùng với sự đa dạng của các phương tiện truyền thông. Xã hội đói thông tin là xã hội chậm phát triển. Chăm lo cho sự phát triển bền vững, đúng định hướng của báo chí cũng không ngoài mục đích thúc đẩy xã hội phát triển mạnh mẽ.

Trong cái khó ló cái khôn. Đúng vào lúc đời sống báo chí gặp khó khăn cũng đã xuất hiện những đơn vị báo chí mạnh dạn xuất bản ấn phẩm mới ( Báo Công an Nhân dân với ấn phẩm Cảnh sát toàn cầu; Đài THKTS VTC xuất bản tờ Thể thao 24h; Đài Tiếng nói Việt nam có kênh truyền hình VOV...); vẫn có một số tổ chức xin xuất bản tạp chí; hàng năm số lượng tạp chí vẫn tăng thêm; các hình thức liên kết, trao đổi, bảo trợ thông tin giữa các báo viết, với nhau; giữa báo viết với báo hình, báo điện tử đã xuất hiện. Điều đáng mừng nữa là các báo đã và đang có những chuyển hướng đúng, đa dạng ấn phẩm cùng đa dạng các hoạt động trước, trong và sau mặt báo; đổi mới hình thức và cách chuyển tải thông tin ( trình bày trang bìa, thay đổi thiết kế giao diện các trang báo điện tử, khai thác, chọn lọc thông tin đăng trên mạng...) Hơn thế, các báo đã có những nhận thức tích cực hơn về chất lượng thông tin theo hướng phải chính xác, nhanh nhạy, kịp thời, trung thực;bám sát tôn chỉ mục đích, xã hội hoá thông tin; hạn chế mức thấp nhất tính câu khách, đặt tít giật gân, thông tin kiểu nhanh nhẩu đoảng vội vàng...Trình độ người tiêu thụ thông tin đang ngày càng nâng cao, ắt họ sẽ khắt khe hơn trong lựa chọn. Nhu cầu lựa chọn, thụ hưởng thông tin cũng có thể so với chuyện chọn lựa món ăn- không chỉ là ăn no mà cần nâng lên mức ngon và có văn hoá.

Để có được những đánh giá khách quan về hiệu quả của đổi mới phương thức chuyển tải và nâng cao chất lượng thông tin cần phải chờ đợi từ thực tiễn, trong đó có thẩm định của bạn đọc. Song, với những bước đổi mới mạnh dạn, khác nhau của từng cơ quan báo chí thời gian gần đây đã chứng tỏ, báo chí luôn biết năng động để tồn tại và khẳng định mình. Đó là phẩm chất vốn có ở những nhà báo chuyên nghiệp, nhất là vào những thời đoạn khó khăn của cuộc sống.

  • VĂN HÙNG
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất