Thanh Điền là xã nội địa nằm phía Đông Nam của huyện Châu Thành, có diện tích tự nhiên là 2.421,46 ha, gồm 7 ấp, 5.738 hộ với 19.706 nhân khẩu. Trên địa bàn xã có 1 cụm công nghiệp với 4 doanh nghiệp đầu tư. Toàn xã có 4 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (2 trong cụm và 2 ngoài cụm). Tổng số công nhân tập trung làm việc tại các công ty khoảng 10.000 công nhân (chủ yếu là địa phương khác đến).
Xã Thanh Điền có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, tại thời điểm bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Thanh Điền chỉ đạt 4/19 tiêu chí (Tiêu chí 4: Điện; Tiêu chí 8: Bưu điện; Tiêu chí 12: Cơ cấu lao động; Tiêu chí 16: Văn hóa). Hạ tầng kinh tế xã hội rất hạn chế, hệ thống giao thông không đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân; hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp (tỷ lệ kiên cố chỉ đạt 14,5%).
Hệ thống trường lớp không đáp ứng nhu cầu dạy và học (chỉ 1/6 trường đạt chuẩn); cơ sở vật chất văn hóa hầu như không có; cơ sở vật chất y tế chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Môi trường chưa được quản lý tốt từ rác thải, chất thải, nước sinh hoạt, đặc biệt là việc chôn cất tự phát xảy ra khá phổ biến. Trong khi đó, nhà ở dân cư còn 262 căn nhà tạm, dột nát; tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao (chiếm 3,07%); chưa có mô hình tổ chức sản xuất hiệu quả. Thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp (khoảng 20 triệuđồng/người/năm); tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội diễn biến hết sức phức tạp.
PHÁT HUY VAI TRÒ VÀ SỰ GÓP SỨC CỦA NGƯỜI DÂN
Khi được tỉnh Tây Ninh và huyện Châu Thành chọn làm 1 trong các xã điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cùng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm hỗ trợ của các ngành, các cấp, đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, đến năm 2015, xã Thanh Điền được tỉnh thẩm định và công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.
Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới xã Thanh Điền tiếp tục xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch duy trì, giữ vững, nâng chất theo các tiêu chí nông thôn mới với sự đồng thuận, tham gia chung sức mạnh mẽ của đại đa số người dân.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của xã có sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ. Cụ thể, hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư khá đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Hệ thông giao thông được cứng hóa, đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Cùng với đó, xã thường xuyên duy tu, sửa chữa 15 tuyến đường tổng chiều dài 14,65 km, với số tiền 401 triệu;xây dựng 21 tuyến đường giao thông, với chiều dài 6,857km, với số tiền 4.372.580.000 đồng. Trong đó, đã xã hội hóa làm được 7 tuyến bê tông xi măng dài 1,912km, 10 tuyến sỏi đỏ kết hợp đổ đá 0-4 với chiều dài 2,895km, số tiền 1.567.766 đ. Từ nguồn vốn của huyện và xã, đã làm được 4 tuyến sỏi đỏ với chiều dải 2.5 km, với số tiền 2.804.814.000 đồng. Kết quả là tuyến đường ngõ xóm được bê tông hóa so với lúc công nhận là 1,912km/21,736 km, đạt tỷ lệ: 0,87≥0,5% so với quy định. Hệ thống thủy lợi được kiên cố hóa, nạo vét hoàn chỉnh đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Trong đó, đã nạo vét 12 tuyến kênh tưới tiêu 2,3,4,5,6,7,8,9,10, kênh 2 thước, kênh 6b, kênh Gia Gòn, với số tiền là 4,682,319.000đồng, đảm bảo phục vụ nước tưới và tiêu cho các hộ sản xuất nông nghiệp, đạt tỷ lệ diện tích 1184/1220,7 ha chiế tỷ lệ 97%. Đồng thời, đã kiên cố hóa 3 tuyến kênh nội đồng; xây dựng 5 cây cầu qua kênh với số tiền 3.455.895.000 đồng.
Cùng với đó, đã xây dựng hệ thống trường lớp từ mầm non đến trung học cơ sở đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu dạy và học (6/6 trường đạt chuẩn). Cơ sở vật chất văn hóa được quan tâm đầu tư, đạt chuẩn từ trung tâm văn hóa thể thao học tập cộng đồng xã đến nhà văn hóa 7 ấp. Các thiết chế đều hoạt động hiệu quả. Cơ sở vật chất y tế được xây dựng đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Hệ thống điện được đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt là chiếu sáng đường quê đạt tỷ lệ 76,32% (43,35km/56,8km, vận động nhân dân đóng góp thực hiện 32,61 km, với tổng kinh phí 935.250.000 đồng).
Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong xã được nâng lên rõ rệt, hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư, các mô hình tổ chức sản xuất hiệu quả và được nhân rộng. Cụ thể, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Điền, tổ hợp tác cá lồng bè, tổ hợp tác nhân lúa giống ấp Thanh Phước, triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa theo tiêu chuẩn vietgap gắn cánh đồng mẫu lớn đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 là khoảng 20 triệu đồng/người/năm, đến năm 2015 là 36,1 triệu đồng/người/năm (gấp 1,8 lần), đến năm 2018 là 51,58 triệu đồng/người/năm (gấp 2,56 lần năm 2011, gấp 1,43 lần năm 2015). Cùng với các thiết chế văn hóa phát huy tác dụng, hệ thống bưu chính, mạng lưới internet phủ khắp đã phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân trên địa bàn xã.
Môi trường và các vấn đề xã hội được quan tâm thực hiện tốt, cải thiện rõ nét. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh cùng với sự quản lý chặt chẽ cảu các cơ quan chức năng trong xã đã hạn chế tối đa tình trạng vứt rác thải sinh hoạt ra môi trường. Việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý nghĩa trang tập trung đã khắc phục được tình trạng các hộ gia đình chôn cất tự phát. Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã đã tập trung vận động, huy động tất cả các nguồn lực để thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn xã. Cụ thể, đã vận động xây dựng 30 căn nhà đại đoàn kết, 9 căn nhà tình nghĩa, 5 căn nhà mái ấm tình thương, 1 căn đồng đội, với tổng kinh phí 2.214.000.000 đồng. Xã cũng đã vận động các mạnh thường quân, khám chữa bệnh, cấp thuốc, quà miễn phí cho người già neo đơn với số tiền 290.400.000 đồng. Giai đoạn 2011-2019, xã vận động trao 16.856 phần quà, tương đương số tiền 5.495.990.000đồng (giai đoạn năm 2011-2015 là 6,025 phần quà, trị giá 1.794.990.000 đồng; giai đoạn 2016-2019 là 10.831 phần quà, trị giá 4.200.500.000đ) và tiền cho các hộ nghèo, cận nghèo, chính sách, khó khăn tương đương số tiền 3.029.900.000 đ. Đến nay cơ bản đã xóa nhà tạm, dột nát. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,07% vào năm 2011, đến tháng 10/2019, xuống còn 0,34%, kể cả những hộ nghèo phát sinh theo chuẩn đa chiều (20 hộ nghèo/5738 hộ).
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã được giữ vững và chuyển biến tích cực. Tình hình phạm pháp hình sự giảm mạnh qua các năm, các tệ nạn xã hội được kềm chế, đặc biệt là những năm gần đây (2016, xảy ra 24 vụ; 2017, giảm còn 12 vụ; năm 2018, giảm còn 8 vụ; 9 tháng 2019, chỉ xảy ra 5 vụ). Nhiều mô hình được xây dựng mới như: “ Vận động toàn dân tham gia tố giác, truy bắt tội phạm” ở 7 ấp; mô hình “Giáo xứ Phước Điền an toàn”, mô hình “Họ đạo cao đài tự phòng, tự quản” về an ninh trật tự, mô hình lắp đặt Camera, an ninh, phòng chống tội phạm,…đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự của địa phương.
MỘT SỐ KINH NGHIỆM
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng đã được cấp ủy, chính quyền và người dân trong xã nhận thức đúng và triển khai đồng bộ, theo đúng kế hoạch và lộ trình đề ra. Trong triển khai thực hiện, đã phát huy được tính cộng đồng, lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, được nhân dân đồng tình, tích cực tham gia. Qua quá trình thực hiện, xã Thanh Điền rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn của Đảng và Nhà nước, có tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của người dân. Vì vậy, công tác tuyên truyền vận động phải thực hiện tốt, để mọi người hiểu rõ mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân. Phương châm thực hiện là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
Hai là, cấp uỷ, chính quyền phải chủ động triển khai thực hiện, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn. Các bước tiến hành được tính toán một cách khoa học, trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; trong đó, cần xác định nhiệm vụ ưu tiên làm khâu đột phá, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đồng thời thực hiện tốt việc công khai, dân chủ, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và giám sát.
Ba là, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp có tâm huyết với địa phương kết hợp với khai thác các nguồn thu tại địa phương. Trong đó, quán triệt sâu sắc tinh thần lấy sức dân để lo cho dân, tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng thuộc nhóm không có hỗ trợ của Nhà nước. Xây dựng nông thôn mới trên cơ sở kế thừa, phát huy và phát triển bền vững những tiêu chí đã đạt, bổ sung, nâng cấp chỉnh trang để hoàn thiện những tiêu chí gần đạt và tập trung chỉ đạo quyết liệt những tiêu chí khó.
Bốn là, trên tinh thần xác định rõ xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; trong đó, nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý điều hành của chính quyền và chú trong sự phối kết hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cùng với phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, phát huy tính chủ động và tích cực của người dân và đa dạng hóa các nguồn lực, tạo thành một khối đoàn kết thống nhất cùng thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Năm là, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cả chiều rộng và chiều sâu để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hành động cụ thể của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác tuyên truyền, vận động luôn phải đi trước một bước, phải thực hiện thường xuyên, nhất là phải phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động nhân dân, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là yếu tố quyết định thắng lợi trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, là vận động trong các chi bộ đảng, các chi tổ hội, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân; trong đó, cán bộ tuyên truyền phải là những người có năng lực, nắm vững các nội dung tuyên truyền để nâng cao hiệu quả tuyên truyền và chất lượng của công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới./.
Nguyễn Quang Thắng
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh