Những vướng mắc, khó khăn trong đất đai, cơ sở hạ tầng, thuế, thủ tục
hành chính… đã được các đại biểu đưa ra trong cuộc họp tham vấn xây dựng
Nghị định về chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào ngành nông
nghiệp, nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại
Hà Nội, ngày 13/7.
Theo đại diện Công ty Nestle, đến giờ một số nhà đầu tư nước ngoài vẫn
hỏi muốn đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam thì đầu tư thế nào? Khó khăn
đầu tiên khi đầu tư vào nông nghiệp là đất đai. Lập dự án rồi nhưng muốn
có diện tích đất lớn rất khó vì quy định sử dụng đất thuộc sở hữu đất
của nông dân. Đền bù, giải tỏa khó khăn, vướng không phải ở Luật Đầu tư
mà ở Luật Đất đai. Chính vì thế nhà đầu tư nước ngoài ngần ngại.
Đại diện của Công ty Nestle cho hay, nếu không có đất trong tay, doanh
nghiệp có xu hướng thực hiện hình thức ký hợp đồng với nông dân. Tuy
nhiên, nhiều nông dân vẫn phá vỡ hợp đồng làm cho nhà đầu tư nước ngoài
không yên tâm. Đầu tư một hình thức nào đó sử dụng ít đất, năng suất cao
như nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, dường như đến nay chưa có
doanh nghiệp FDI nào đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao được hưởng ưu
đãi thuế đầu tư công nghệ cao.
“Tôi mong Nghị định này cần làm rõ thế nào là đầu tư nông nghiệp công
nghệ cao và đầu tư công nghệ cao được miễn thuế thế nào”, đại diện Công
ty Netsle đưa ra.
Đại diện Công ty Syngenta Việt Nam cho biết, Công ty có 100% vốn nước
ngoài. Công ty đã đầu tư một Trung tâm nghiên cứu giống lúa lai tại Nam
Định, một Trung tâm nghiên cứu thuốc bảo vệ thực vật tại Tiền Giang. Cả
hai trung tâm này đều cần phải sử dụng đến đất đai mà cụ thể là đồng
ruộng để khảo nghiệm sản phẩm, nhưng Trung tâm không được thuê đất của
nông dân bởi trái quy định. Nếu nông dân làm gia công thì sản xuất của
Công ty phải phụ thuộc nông dân. Mong muốn của các công ty nghiên cứu có
đất để khảo nghiệm, dù chỉ với 5-10 ha.
“Đầu tư nhà máy sản xuất không vấn đề gì, nhưng thuê đất sản xuất giống
là một vấn đề. Mong ban soạn thỏa có hướng giải pháp cho công ty nước
ngoài thuê đất, có nguồn đất sạch cho công ty sản xuất giống tại Việt
Nam,” đại diện Công ty Syngenta nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Thanh Tâm, đại diện VCCI cho rằng, Việt Nam đã và đang ký
rất nhiều hiệp định thương mại tự do, nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông
sản Việt Nam nhưng tiêu chuẩn chất lượng là hàng rào kỹ thuật của các
nước. Do đó, nên khuyến khích doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp
đầu tư vào chế biến sau thu hoạch. Bên cạnh đó, có những khuyến khích để
thu hút doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông nghiệp.
Đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đưa ra một thực
trạng, tại sao Nhật Bản không nhập khẩu nông sản Việt Nam? Câu trả lời
đơn giản họ quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm và họ chưa tự tin lắm
đến an toàn nông sản Việt Nam. Cần ưu tiên và quan tâm đến tính an toàn
của sản phẩm nông sản Việt Nam, coi đó là cơ chế khuyến khích ưu tiên.
Tại cuộc họp, nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh việc cần thực hiện
nghiêm túc các hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân, cần có hệ thống
thu nhận, xử lý thông tin phản hồi của doanh nghiệp. Hay những chính
sách cần quan tâm khi dự án bắt đầu khởi động, khi doanh nghiệp hoạt
động rồi thì việc hỗ trợ, tháo gỡ không còn quan trọng như lúc đầu./.
(TTXVN)