Thứ Hai, 23/12/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 13/8/2016 8:59'(GMT+7)

Xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện và bình đẳng

Học sinh cần được học tập trong môi trường an toàn, thân thiện và bình đẳng. Ảnh: Tiến Tuấn

Học sinh cần được học tập trong môi trường an toàn, thân thiện và bình đẳng. Ảnh: Tiến Tuấn

Thông qua nhiều hoạt động như tuyên truyền, biên soạn tài liệu đưa vào giảng dạy trên lớp, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng mô hình phòng tham vấn tâm lý học đường… dự án hướng tới mục tiêu nâng cao kiến thức không chỉ cho học sinh (HS) mà còn cho cả đội ngũ giáo viên (GV), phụ huynh HS về bình đẳng giới; kiến thức và kỹ năng ngăn chặn bạo lực giới nói riêng và bạo lực trong trường học nói chung, tiến tới xây dựng môi trường học đường ngày càng đẹp hơn.

Không chỉ tác động đến HS, dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” còn có ý nghĩa quan trọng đối với đội ngũ GV. Kết quả khảo sát do Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam tiến hành cho thấy, tỷ lệ GV chủ nhiệm có kiến thức, thái độ bình đẳng giới đúng đắn tăng từ 59,9% trong năm 2014 lên 71,8% trong năm 2015. Nhiều GV đã đầu tư thời gian vào việc chuẩn bị các tiết giảng trên lớp về bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới với sự hỗ trợ của thành viên câu lạc bộ lãnh đạo trẻ, giảng viên nguồn và nhờ đó, các vấn đề về giới, bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới được tiếp cận một cách khoa học, việc trao đổi về những vấn đề về giới được thực hiện nghiêm túc, thẳng thắn, không còn ngại ngùng như trước đây.


Cô giáo Lê Thị Bích Huệ (Tổ trưởng Tổ xã hội, Trường THCS Phương Trung, huyện Thanh Oai) - một trong số hàng trăm GV đã tham gia giảng dạy theo bộ tài liệu về giáo dục bình đẳng giới từ những ngày đầu dự án triển khai đến nay - nhận định: Tài liệu về giáo dục bình đẳng giới dành cho HS có rất nhiều nội dung phong phú, đề cập đến nhiều vấn đề “nóng” và chưa được thầy cô mạnh dạn đề cập nhiều trong môi trường học đường như vấn đề về giới tính; sự khác biệt và tình trạng phân biệt, kỳ thị đối với những người mang giới tính khác; nạn bắt nạt; tình yêu tuổi học trò…


Đây là những vấn đề dễ lôi cuốn HS song cũng là thách thức lớn đối với GV, đòi hỏi phải nỗ lực hơn trong khâu chuẩn bị trước giờ lên lớp. "Không chỉ soạn bài theo nội dung của tài liệu, tôi và các đồng nghiệp còn thường xuyên nghiên cứu nhiều tài liệu khác của dự án; liên kết thông tin liên quan trong bài dạy với cuộc sống hiện tại; thường xuyên nắm bắt diễn biến tâm lý HS để có cách truyền đạt phù hợp, hiệu quả và đạt mục tiêu định hướng ý thức, hành vi cho các em", cô giáo Bích Huệ nói.


Theo thống kê của dự án, chỉ từ tháng 12-2015 đến tháng 2-2016 đã có hơn 31 nghìn HS, trong đó có hơn 16 nghìn HS nam tham gia các tiết dạy trên lớp về bình đẳng giới. Với những kiến thức được đào tạo, nâng cao từ các khóa tập huấn do dự án triển khai định kỳ, kỹ năng của đội ngũ GV chủ nhiệm ngày càng được hoàn thiện, thích ứng hơn với trình độ nhận thức, tâm lý lứa tuổi HS và điều kiện giáo dục ở các nhà trường trên địa bàn thành phố, góp phần xây dựng trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng một cách bền vững.


"Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" là dự án do Sở GD-ĐT Hà Nội và Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam triển khai từ tháng 6-2014 đến tháng 11-2016 với sự tài trợ của Quỹ Ủy thác của Liên hợp quốc.


Thống Nhất (hanoimoi.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất