Sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đi qua chặng đường gần 25 năm và thu được những kết quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Cùng với những thành tựu quan trọng về kinh tế, an ninh quốc phòng, đối ngoại, vấn đề phát triển văn hoá- xã hội và xây dựng con người luôn luôn được Đảng coi trọng. Trước những khó khăn, thách thức, những biến động phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, Đảng luôn kiên định xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách đổi mới đúng đắn trên nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực văn hoá, chỉ đạo hoạch định các chính sách văn hoá nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tháng 11 năm 1987, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 05 về Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hoá, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn hoá nghệ thuật và văn học phát triển lên một bước mới. Sau một số chỉ thị, nghị quyết khác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác văn hoá văn nghệ, tháng 7-1998, Hội nghị Trung ương 5 khoá VIII đã ra Nghị quyết về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Toàn bộ tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã làm sáng rõ bức tranh của nền văn hoá đất nước trong tương lai. Đó là nền văn hoá với vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, gắn với sự nghiệp CNH- HĐH đất nước, gắn với những vấn đề nảy sinh trong xu thế toàn cầu hoá và nền kinh tế thị trường. Đối với công tác lãnh đạo văn hoá, Nghị quyết khẳng định: Để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng về văn hoá, phải xây dựng văn hoá từ trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước như Bác Hồ đã dạy “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, cơ bản và chiến lược không chỉ đối với công tác lãnh đạo mà cả công tác quản lý văn hoá, với mỗi cán bộ, đảng viên.
Có thể nói Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) đã thể hiện sự phát triển cả nhận thức và tư duy lý luận về văn hoá, lãnh đạo văn hoá của Đảng. Đó cũng chính là kết tinh của sự kế thừa và phát triển Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá, về xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hoá, về phương pháp lãnh đạo văn hoá, quản lý văn hoá; là sản phẩm từ tổng kết lý luận và thực tiễn trong quá trình hơn 70 năm lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo văn hoá của Đảng.
Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về văn hoá thông qua việc thể chế hoá các chủ trương, chính sách của Đảng bằng luật pháp, pháp lệnh, nghị định, quy định, các chính sách văn hoá... Thông qua các chương trình hành động, phong trào thi đua yêu nước, qua hệ thống các thiết chế văn hoá để vận động quần chúng nhân dân thực hiện; biến chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Đảng thành lực lượng vật chất, thành phong trào cách mạng; tạo ra những kết quả cụ thể nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, trực tiếp xây dựng nền tảng tinh thần cho xã hội.
Đến đại hội IX, những tư tưởng chủ yếu của Đảng về phát triển văn hoá được thể hiện trên cơ sở thực tiễn thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), Nghị quyết đại hội IX tiếp tục nhấn mạnh vị trí của văn hoá trong lịch sử phát triển của dân tộc ta; khẳng định sức sống lâu bền của những quan điểm, tư tưởng nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) trong đời sống xã hội, trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; về ý nghĩa “văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội”, Nghị quyết nhấn mạnh đó là tầm cao, chiều sâu của sự phát triển của dân tộc, khẳng định và làm rõ vị trí của văn hoá trong đời sống dân tộc, trong cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Hội nghị Trung ương 10 (khoá IX) kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) và ra kết luận tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá làm nền tảng tinh thần xã hội, gắn kết và đồng bộ với phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt.
Đại hội X, Đảng xác định tiếp tục phát triển sâu rộng, nâng cao chất lượng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Gắn kết chặt chẽ hơn với phát triển kinh tế xã hội, làm cho văn hoá thấm sâu vaò mọi lĩnh vực đời sống xã hội, xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam. Bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Bồi dưỡng các giá trị văn hoá trong thanh niên, sinh viên, học sinh, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hoá Việt Nam.
Cũng trong nhiệm kỳ Đại hội X, đối với văn hóa, văn học nghệ thuật, Đảng đã dành sự quan tâm tới một số lĩnh vực tinh túy và nhạy cảm thường xuyên tác động đến đời sống tinh thần của xã hội. Đó là 02 kết luận quan trọng của Ban Bí thư (số 83 ngày 27/6/2008), Bộ Chính trị (số 51 ngày 22/7/2009) chỉ đạo việc tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chỉ thị này. Nghị quyết số 23- NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học- nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Theo đó sẽ có các đề án của các ban, bộ, ngành phối hợp triển khai nhằm đưa các quan điểm chỉ đạo, những chủ trương và giải pháp của Đảng về văn học, nghệ thuật thành hiện thực phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân.
Định hướng đối với các chính sách văn hoá
Quá trình tiến hành sự nghiệp đổi mới, vấn đề định hướng phát triển đất nước là đặc biệt quan trọng. Định hướng đúng để đạt tới mục tiêu mà Cương lĩnh năm 1991 về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã đề ra, được Đại hội VII của Đảng thông qua. Theo đó, phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa để phấn đấu đến năm 2020 cơ bản nước ta trở thành nước công nghiệp. Nhưng điều cốt lõi là chất lượng phát triển, phát triển muốn đạt chất lượng nhất thiết phải có nội dung văn hoá - xã hội. Phát triển văn hoá- xã hội và xây dựng con người luôn luôn gắn bó với định hướng chính trị, định hướng phát triển kinh tế đất nước. Và cũng như phát triển kinh tế, phát triển văn hoá cũng phải coi trọng chất lượng, phải đúng hướng. Bác Hồ từng nói “muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Những con người đó phải được chăm lo cả về bản lĩnh chính trị tư tưởng, học vấn, sức khoẻ, trí tuệ, tình cảm và đạo đức. Đó chính là văn hoá.
Nền văn hoá định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua các chính sách văn hoá mang tính nhân văn, vì con người; phát huy tiềm năng, trí tuệ con người để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới, của nền kinh tế tri thức trong xu thế hội nhập quốc tế. Nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa, vai trò, vị trí của văn hoá trong đời sống dân tộc và trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) của Đảng đã đề cập đến chính sách văn hoá trong nhiệm vụ thứ 10, đó là “củng cố, xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hoá”. Nhiệm vụ chỉ rõ việc phải hoàn chỉnh các văn bản luật pháp về văn hoá, nghệ thuật, thông tin trong điều kiện cơ chế thị trường; ban hành các chính sách khuyến khích sáng tạo văn hoá và nâng mức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Do tầm quan trọng, tính cấp thiết của nhiệm vụ này nên Nghị quyết đã ghi nội dung đó vào giải pháp thứ II trong cụm các giải pháp xây dựng và ban hành luật pháp và các chính sách văn hoá.
Đến Hội nghị Trung ương 10 (khoá IX), Trung ương Đảng khẳng định cần tiếp tục thực hiện đầy đủ 5 quan điểm chỉ đạo đã được Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) đề ra. Trong kết luận của Hội nghị Trung ương 10, mục tiêu đầu tiên xây dựng và phát triển văn hoá trong những năm tiếp theo là “Đảm bảo sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội; tạo nên sự phát triển đồng bộ cả ba lĩnh vực trên chính là điều kiện quyết định để bảo đảm cho sự phát triển toàn diện bền vững của đất nước”.
Như vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn quan tâm đến văn hoá và càng coi trọng hơn trong thời kỳ đổi mới, trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết Đại hội Đảng các kỳ VIII, IX, X; các kết luận, chỉ thị của Hội nghị Trung ương các khoá đều thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng trong nhìn nhận, đánh giá, chỉ đạo xây dựng và phát triển văn hoá, gắn chặt với chiến lược xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Theo hướng đó, văn hoá phải thực sự trở thành động lực và mục tiêu của sự phát triển, đồng thời đòi hỏi một cơ chế chính sách đảm bảo cho văn hoá và kinh tế cùng phát triển.
Yêu cầu chính trị tư tưởng đối với chính sách văn hóa
Các chính sách văn hoá phản ánh những giá trị nhân văn của văn hoá Việt Nam. Muốn vậy phải xác định được những giá trị nhân văn dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Tập trung làm nổi bật hệ thống giá trị nhân văn đó ở tinh thần Yêu thương con người; tôn trọng con người; bảo vệ con người; coi trọng người tài, người có công, giúp đỡ người tàn tật, người khó khăn. Đồng thời phải kết hợp hài hoà 3 lợi ích; lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể, lợi ích toàn xã hội, trong đó coi trọng lợi ích cá nhân chính đáng của từng người. Đây cũng chính là một trong những động lực của sự nghiệp đổi mới.
Các chính sách văn hoá đều theo tinh thần xã hội hoá. Hiện nay còn không ít người, kể cả cán bộ cấp cao hiểu vấn đề xã hội hoá chưa đầy đủ. Điều đó trở thành lực cản cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá. Công tác giáo dục, tuyên truyền cần phải làm cho mọi người nhận thức được xã hội hoá là vấn đề hết sức cần thiết, nhất là đối với hoàn cảnh kinh tế của nước ta còn nhiều khó khăn, Nhà nước không thể “bao” toàn bộ; xã hội hóa là nhằm tạo sự quan tâm của toàn xã hội; thu hút trí tuệ, nhân lực, vật lực của toàn xã hội; tạo nhân tố thúc đẩy các hoạt động văn hoá phát triển theo hướng biến đổi về chất, đổi mới về hình thức và nội dung. Xã hội hóa cũng là một nội dung quan trọng của giải pháp xây dựng, ban hành các chính sách văn hoá trong Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII). Trong quá trình đất nước thực hiện chủ trương đổi mới, nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì xã hội hoá hoạt động văn hoá được coi như một động lực thúc đẩy các hoạt động văn hoá phát triển.
Chính sách văn hoá đúng định hướng của Đảng, bám sát yêu cầu về tư tưởng chính trị còn góp phần tạo nên sự ổn định và lành mạnh hoá xã hội. Ở đâu không ổn định thì ở đó không thể phát triển. Một gia đình, tập thể, cộng đồng và lớn hơn là toàn xã hội nếu có đời sống văn hóa phong phú, chất lượng cao, bình đẳng… tức là có chính sách văn hóa nhân văn đúng đắn.
Xây dựng đời sống văn hoá được coi như bước đi ban đầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá, là nhiệm vụ quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh. Đồng thời xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh cũng chính là góp phần tạo ra môi trường chính trị-xã hội ổn định, an toàn và bền vững trên cơ sở đời sống kinh tế được đảm bảo.
Thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ ở cơ sở (theo tinh thần Quy chế của Chính phủ ra ngày 11/5/1998 và Nghị định 29-1998/ NĐ-CP; Kết luận số 65 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở) là việc cần được duy trì nghiêm túc ở mọi hoàn cảnh. Đối với công tác văn hoá, xã hội, nếu không thực hiện nghiêm túc những yêu cầu như: những việc cần thông báo để nhân dân biết; dân bàn và quyết định trực tiếp; những việc nhân dân tham gia ý kiến, HĐND, UBND quyết định... sẽ dẫn đến thiếu công bằng trong phân phối, hưởng thụ, sáng tạo văn hoá; dân chủ trong văn hoá bị vi phạm./.
Nhạc sỹ Vũ Việt Hùng
Chánh Văn phòng Ban Tuyên giáo Trung ương