Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 14/3/2012 21:23'(GMT+7)

Yên Bái: Đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác dân vận

Đồng chí Lương Thị Tiến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Yên Bái trực tiếp tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ người dân tộc thiểu số thực hành tiết kiệm theo lời Bác Hồ dạy. (Ảnh: QĐND).

Đồng chí Lương Thị Tiến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Yên Bái trực tiếp tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ người dân tộc thiểu số thực hành tiết kiệm theo lời Bác Hồ dạy. (Ảnh: QĐND).

Cùng với công tác tuyên giáo, trong những năm qua, công tác dân vận luôn được đảng uỷ và chính quyền các cấp trong tỉnh Yên Bái chú trọng, quan tâm, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện thành công các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương đối với mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Sự phối hợp chặt chẽ, tích cực giữa Ban Dân vận với Ban Tuyên giáo các cấp, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã đem lại những kết quả thiết thực trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng.

Những năm qua, hệ thống dân vận các cấp tiếp tục được kiện toàn, củng cố và tăng cường, góp phần động viên đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia có hiệu quả vào quá trình thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa... Đồng thời, công tác dân vận cũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, tạo sự đồng thuận trong xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội - văn hóa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Có được những kết quả đó chính là nhờ công tác dân vận trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, bám sát địa bàn, bám dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, kịp thời phản ánh những vấn đề liên quan tới lợi ích chính đáng của nhân dân và tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác thực hiện những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, công tác dân vận của Yên Bái cũng còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hệ thống dân vận ở một số địa phương, đơn vị còn chậm; công tác dân vận có mặt còn bất cập so với yêu cầu phát triển toàn diện của tỉnh. Phương thức tập hợp quần chúng còn hạn chế, nhất là đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân, vùng dân tộc ít người... việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân chưa đi vào chiều sâu, chưa tham mưu giải quyết tốt được những vấn đề bức xúc ngay từ ở cơ sở nhất là vấn đề đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng. Vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân còn bất cập; một số cấp uỷ, chính quyền còn xem nhẹ công tác dân vận. Đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận ở một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu.

Nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác dân vận, Yên Bái đã đề ra chủ trương từ năm 2012 đến năm 2015: Nhân rộng các mô hình "Dân vận khéo" có hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh; tiếp tục xây dựng các mô hình mới phù hợp với đặc thù từng địa phương, đơn vị. Duy trì và nâng cao chất lượng việc thực hiện công tác phối hợp trong công tác dân vận theo Quyết định số 1270-QĐ/TU ngày 21/10/2009 của Tỉnh uỷ.

Để tiếp tục làm tốt công tác dân vận, tỉnh Yên Bái đưa ra một số giải pháp sau:

Một là, đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng đối với công tác dân vận.

Tiếp tục làm tốt và đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân về công tác dân vận. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục chỉnh đốn Đảng, xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Quan tâm gắn công tác dân vận với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Các cấp uỷ Đảng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nội dung công tác và phương pháp làm việc. Quan tâm nâng cao chất lượng, định hướng lãnh đạo cũng như việc ban hành các chủ trương nghị quyết theo hướng chọn lọc đúng các vấn đề thực tế đòi hỏi. Trên cơ sở thực hiện đúng nội dung, tham khảo rộng rãi các ý kiến, phát huy trí tuệ tập thể nhằm ban hành chủ trương nghị quyết đảm bảo tính thiết thực, cụ thể, đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong cuộc sống. Nội dung nghị quyết phải dễ hiểu, dễ phổ biến và dễ triển khai thực hiện.

Đổi mới phương pháp, quan hệ công tác và quy chế làm việc của cấp uỷ Đảng, trong đó coi trọng việc bổ sung những quy định cụ thể về chế độ làm việc, chế độ giao ban, báo cáo, phản ánh tình hình... trên cơ sở mở rộng và phát huy dân chủ trong Đảng và xã hội; chú trọng lấy tuyên truyền, vận động, thuyết phục là chính, khắc phục lối làm việc quan liêu mệnh lệnh.

Duy trì nề nếp, chế độ giao ban giữa cấp uỷ và khối dân vận, đặc biệt là của cấp uỷ cấp xã với khối dân vận cơ sở, chỉ đạo các lực lượng dân vận cơ sở thường xuyên tiếp xúc với nhân dân để nắm tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của nhân dân từ đó có biện pháp sử lý đúng đắn, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong công tác dân vận ở cơ sở.

Định hướng cho MTTQ và các đoàn thể hoạt động theo phương châm "Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Lãnh đạo và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 30-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế giám sát của MTTQ và các đoàn thể nhân dân đối với hoạt động của chính quyền và các chức danh do HĐND bầu. Xây dựng và bổ sung hoàn thiện các quy định để tiếp thu ý kiến đóng góp của MTTQ, các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cấp uỷ các cấp có quy chế chỉ đạo phối hợp toàn diện các nhiệm vụ chính trị và phân cấp quản lý về công tác tổ chức, cán bộ giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân với cấp ủy cùng cấp, xây dựng chương trình công tác vận động quần chúng và định kỳ kiểm tra, kiểm điểm việc thực hiện chương trình đã đề ra.

Ban dân vận các cấp xây dựng quy chế phối hợp cụ thể với các cấp, các ngành, với các ban của Đảng, Ban cán sự UBND, Đảng đoàn HĐND và các tổ chức đoàn thể xã hội, MTTQ để nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác vận động quần chúng. Các nội dung phối hợp phải đảm bảo nguyên tắc cụ thể, phù hợp, thiết thực và có hiệu quả cao. Mỗi đảng viên phải làm tốt công tác dân vận, phải gương mẫu, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được phân công và nghĩa vụ công dân nơi cư trú, hoạt động tích cực vận động nhân dân và người thân trong gia đình tham gia trong các đoàn thể, lấy đó là một trong những tiêu chí quan trọng để phân tích, đánh giá chất lượng đảng viên hàng năm.

Hai là, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, thực hiện có hiệu quả công tác dân vận

Nâng cao năng lực quản lý của chính quyền cơ sở. Hoạt động của chính quyền phải công khai, minh bạch khi giải quyết công việc của nhân dân; thực hiện tốt phương châm "chính quyền gần dân, sát với dân và vì dân”. Đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai quy trình, thủ tục giải quyết công việc hành chính đối với tổ chức và công dân để nhân dân biết, giám sát và thực hiện. Nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của nhân dân.

Tiếp tục hướng dẫn xây dựng bổ sung quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư cho phù hợp với tình hình hiện nay, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 28/3/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ phải do đồng chí bí thư hoặc phó bí thư cấp uỷ làm trưởng ban; cấp uỷ các cấp phân công một đồng chí phó bí thư cấp uỷ trực tiếp phụ trách công tác dân vận của cấp uỷ; các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị phân công một đồng chí lãnh đạo trực tiếp phụ trách công tác dân vận của cơ quan, tổ chức; chủ tịch UBND các cấp trực tiếp phụ trách công tác dân vận của chính quyền; cấp ủy viên, thành viên các cơ quan, tổ chức được phân công phụ trách công tác dân vận chịu trách nhiệm trước cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức, cơ quan, đơn vị về công tác dân vận.

Chăm lo đào tạo bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, kiến thức về công tác dân vận, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có năng lực và phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Giáo dục cán bộ công chức xây dựng và thực hành phong cách "trọng dân, gần dân hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Xây dựng phong cách văn hoá công sở để cán bộ công chức các cấp phải có thái độ chân thành, tôn trọng nhân dân, hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân không thành kiến phân biệt đối xử khi làm việc với dân. Khắc phục tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, áp đặt hoặc né tránh; nghiêm cấm gây phiền hà sách nhiễu, vô cảm trong giải quyết công việc của dân, phòng, chống các hành vi tiêu cực, tham nhũng lãng phí.

Chính quyền các cấp chủ động, phối hợp với MTTQ, các đoàn thể nhân dân xây dựng quy chế phối hợp và định kỳ kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện. Công tác dân vận phải góp phần động viên cổ vũ, tổ chức phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của cơ quan, địa phương, đơn vị, biến nghị quyết của Đảng thành hiện thực trong cuộc sống. Cơ quan nhà nước các cấp quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí để Mặt trận và đoàn thể nhân dân các cấp tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Thực hiện chế độ giao ban định kỳ giữa cấp uỷ, chính quyền với cơ quan dân vận và các đoàn thể nhân dân cùng cấp.

Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ, các đoàn thể và tổ chức hội quần chúng

Thực hiện tốt Kết luận số 62-KL/TW, ngày 08/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội. Nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân phải phù hợp với nhiệm vụ cụ thể ở mỗi cơ sở, trong đó lưu ý đến đặc điểm tình hình về trình độ dân trí, bản sắc văn hoá truyền thống và khả năng thực hiện của từng cụm dân cư.

Hoàn thiện các quy định của MTTQ, các đoàn thể nhân dân về tiếp thu sự đóng góp của nhân dân trên tất cả các lĩnh vục. Nâng cao năng lực tham mưu với cấp uỷ về công tác dân vận, thực hiện có hiệu quả vai trò giám sát và phản biện xã hội theo quy định của pháp luật. Hướng mạnh hoạt động về cơ sở, tăng cường công tác vận động thuyết phục quân chúng. Có kế hoạch cụ thể để xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến. Tổ chức sơ kết tổng kết kịp thời để nhân rộng trong thực tiễn.

Đổi mới việc xây dựng và củng cố tổ chức theo hướng coi trọng và nâng cao cả số lượng và chất lượng. Đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân, gắn việc triển khai các phong trào, các cuộc vận động của MTTQ và các đoàn thể với việc chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên để thực hiện mục tiêu đề ra. Tích cực xây dựng tổ chức cơ sở đoàn thể, hội vững mạnh. Chú trọng nâng cao chất lượng đoàn viên, hội viên, tăng tỉ lệ đoàn viên, hội viên tham gia các hoạt động của tổ chức; chú trọng xây dựng lực lượng đoàn viên, hội viên làm nòng cốt cho phong trào.

Đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân, nhất là đối với các đối tượng đặc thù bằng các hình thức linh hoạt (nhóm, tổ, CLB.. .hoặc có các hình thức quản lý hội viên, đoàn viên đi làm ăn xa địa bàn bằng các phương tiện thông tin đại chúng...), khắc phục bệnh thành tích, chồng chéo, thiếu thiết thực. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu MTTQ và các đoàn thể, bảo đảm bộ máy tinh gọn, hiệu quả.

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, nghiêm túc thực hiện quy chế giám sát đảng viên ở khu dân cư. Chủ động xây dựng các loại quỹ của đoàn thể, hội bằng nhiều hình thức tham gia thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội, các chương trình mục tiêu của Nhà nước trong các mối quan hệ phối hợp để bổ sung kinh phí hoạt động cho mặt trận tổ quốc, các đoàn thể hội.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình trong các lĩnh vực sản suất và đời sống với quy mô phù hợp điều kiện từng vùng, miền, tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm. MTTQ và các tổ chức đoàn thể các cấp căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình lựa chọn, phối hợp lồng ghép các nội dung, mục tiêu trong các mô hình để không chồng chéo, tăng tính hiệu quả. Quan tâm đầu tư trọng điểm cho 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Càng Chải và các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Bốn là, củng cố tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ MTTQ và các tổ chức đoàn thể các cấp; tổ chức thành công Đại hội Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; bố trí đảm bảo số lượng, chất lượng cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận các cấp; nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho cấp uỷ; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra công tác dân vận tại cơ sở.

Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Huyện, Thị, Thành uỷ tham mưu cho cấp uỷ cùng cấp, bổ sung hoàn thiện quy chế hoạt động và nâng cao trách nhiệm của Trưởng khối dân vận trong công tác lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ vận động quần chúng của tổ chức. Cấp uỷ cơ sở quan tâm lãnh đạo, xây dựng và bổ sung hoàn chỉnh quy chế về tổ chức và hoạt động của khối dân vận nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và phát huy vai trò của Trưởng khối dân vận trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác vận động quần chúng ở cơ sở. Củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban công tác mặt trận cơ sở, Ban thanh tra nhân dân và tổ hoà giải ở các thôn, bản, tổ dân phố.

Tập trung xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận. Chú trọng công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ trẻ, có trình độ chuyên môn, có uy tín, gắn công tác quy hoạch cán bộ với việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng và luân chuyển cán bộ; quan tâm sử dụng hợp lý cán bộ có kinh nghiệm, am hiểu về công tác vận động quần chúng đảm bảo tính kế thừa và phát triển. Có chương trình, kế hoạch. hàng năm phối hợp với Sở Nội vụ, Trường Chính trị tỉnh và các ngành có liên quan tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cán bộ về chuyên môn, chính trị, nghiệp vụ công tác đoàn, hội.

Phát động thi đua xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” từ cơ sở, tổ chức hội thi dân vận khéo các cấp. Quan tâm và làm tốt hơn nữa việc phát triển đảng viên trong đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các loại hình doanh nghiệp.

Năm là, từng bước đảm bảo tốt hơn điều kiện hoạt động của MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở

Trước mắt triển khai thực hiện một số nội dung như: Bố trí nơi làm việc, trang thiết bị, kinh phí đảm bảo đủ điều kiện cho MTTQ và các đoàn thể trong quá trình hoạt động. Tiếp tục thực hiện đề án quy hoạch và xây dựng nhà văn hoá thôn, bản, khu dân cư làm địa điểm sinh hoạt, hoạt động của nhân dân và các đoàn thể trên địa bàn dân cư theo Nghị quyết của HĐND.

Từng bước nghiên cứu hỗ trợ sinh hoạt phí cho cán bộ làm công tác mặt trận và đoàn thể chính trị ở thôn, xóm, tổ dân phố (Trưởng ban công tác mặt trận, bí thư chi đoàn, chi hội trưởng hội phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân).

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội để đáp ứng yêu cầu và đạt chuẩn hoá cán bộ theo quy định.

Từ những chủ trương, giải pháp nhằm đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dân vận trên địa bàn, Yên Bái xác định, muốn có sự thay đổi thực sự, trước hết cả hệ thống chính trị tỉnh phải nghiêm túc thực hiện lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận "Dân vận khéo việc gì cũng thành công ". Để thực hành được dân vận khéo thì chính những cán bộ làm công tác dân vận phải có tầm hiểu biết, có ý chí cách mạng. Do đó, cần chú trọng việc nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng, chuẩn bị một lực lượng cán bộ cơ sở đủ trí tuệ, năng lực, trình độ gánh vác trách nhiệm quản lý, lãnh đạo và vận động đồng bào các dân tộc anh em trong tỉnh không cam chịu đói nghèo, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn./.

PHẠM VĂN THẮNG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất