Thứ Tư, 1/5/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Sáu, 18/8/2023 8:7'(GMT+7)

Yên Bái: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng

“Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” được ứng dụng rộng rãi trong các Chi bộ.

“Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” được ứng dụng rộng rãi trong các Chi bộ.

Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, trọng tâm là cấp ủy cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, với nhiều cách làm bài bản, khoa học, tỉnh Yên Bái đã đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng, góp phần hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tỉnh Yên Bái luôn chú trọng việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết kịp thời, bài bản với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Việc ban hành các văn bản nhằm cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng nguyên tắc, phù hợp thực tiễn; đồng thời bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, liên thông với các chương trình hành động, các nghị quyết, chỉ thị, đề án… của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Để cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả các nội dung Nghị quyết số 37-NQ/TU, nhất là các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được xác định, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành 05 nghị quyết chuyên đề, 1 chỉ thị, 10 quy định, 08 đề án, 2 kế hoạch, 2 chương trình hành động toàn diện về nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị bảo đảm phù hợp với quy định của Trung ương và yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn của Đảng bộ; đồng thời ban hành các quy chế phối hợp bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. 

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy dự sinh hoạt tại Chi bộ Văn phòng Trung tâm kinh doanh VNPT - Yên Bái

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy dự sinh hoạt tại Chi bộ Văn phòng Trung tâm kinh doanh VNPT - Yên Bái

Sau 2 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TU, đến nay, đã có 16/25 chỉ tiêu thuộc 08 nhóm chỉ tiêu vượt và đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra, trong đó có những chỉ tiêu quan trọng tăng cao so với trước khi thực hiện Nghị quyết như: Các đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh hoàn thành vượt chỉ tiêu kết nạp đảng viên hằng năm, số cấp ủy viên cơ sở có trình độ chuyên môn đại học trở lên, số cấp ủy viên cấp cơ sở có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên…; đây là điều kiện quan trọng bảo đảm lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Thông qua kết quả này cho thấy Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng tốt.

 Nét nổi bật của Đảng bộ tỉnh Yên Bái trong những năm gần đây là thực hiện cơ chế “Giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”, trong đó xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể với yêu cầu về tiến độ, thời gian hoàn thành và chất lượng, sản phẩm cần đạt được đối với từng địa phương, đơn vị. Qua đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị được thực hiện thường xuyên; nội dung, phương thức, chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên, bảo đảm thiết thực. 

Các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 37- NQ/TU được triển khai đồng bộ: Công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện; công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những nơi dễ xảy ra vi phạm, nơi có nhiều bức xúc, dư luận quan tâm, các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm được trú trọng; vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên được phát huy; phong cách, phương pháp công tác, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên ngày một nâng lên, bảo đảm khoa học, dân chủ, sâu sát, cụ thể; lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được củng cố.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy dự sinh hoạt và tặng quà tại Chi bộ Tổ dân phố số 7, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy dự sinh hoạt và tặng quà tại Chi bộ Tổ dân phố số 7, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái

Chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ được nâng lên rõ rệt với hình thức phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, sau khi triển khai thí điểm, ngày 28/10/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 11-ĐA/TU về “Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái”, qua đó từng bước thay đổi nhận thức, thói quen của đảng viên về việc chuyển đổi số trong các lĩnh vực công việc và đời sống. Đến nay, đã có 1.299/2.903 chi bộ thuộc 06/12 đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh thí điểm triển khai, sử dụng ứng dụng nền tảng số trong sinh hoạt. Đây là một trong những giải pháp mới vừa thể hiện vai trò tiên phong gương mẫu, đi đầu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên về chuyển đổi số, vừa khẳng định sự quyết tâm đưa nhiệm vụ chuyển đổi số vào công tác Đảng trong tỉnh; đồng thời, là điều kiện rất quan trọng trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ.

Một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TU của Yên Bái là tập trung quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có cơ cấu hợp lý, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đổi mới nội dung, cách thức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, nhất là cấp ủy viên. Trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị được tăng cường, gắn với giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong Đảng.

Tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương bí thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện không phải là người địa phương; bí thư hoặc chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã không phải là người địa phương; chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận được thực hiện nghiêm túc; số trưởng thôn, bản, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên chiếm tỷ lệ cao (đạt 97,9%). Cùng với đó, công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên, nhất là trong doanh nghiệp và khu vực kinh tế tư nhân được quan tâm; chất lượng đảng viên mới kết nạp ngày một nâng lên, gắn với thường xuyên rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh có 359 chi bộ (chiếm 12,4%) đăng ký xây dựng mô hình “Chi bộ kiểu mẫu”; theo lộ trình, đã có 30 chi bộ được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận là “Chi bộ kiểu mẫu”, đây thật sự là những mô hình mẫu về mọi mặt trong lãnh đạo thực hiện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, trong thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và địa phương.

Để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, trọng tâm là cấp ủy cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở, Đảng bộ tỉnh luôn thực hiện nền nếp việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy định. Trên cơ sở nắm sát tình hình thực tiễn, kịp thời phát hiện những khuyết điểm, hạn chế, đã nghiêm túc chỉ đạo việc gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân theo thẩm quyền, qua đó đã mang lại hiệu quả thiết thực. Sau kiểm điểm các tập thể, cá nhân được góp ý phê bình đã nghiêm túc tiếp thu, bổ sung vào kiểm điểm, xác định cụ thể thời gian, biện pháp khắc phục, sửa chữa; góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; giúp mỗi tổ chức đảng, đảng viên thấy rõ hơn những ưu điểm để phát huy và kịp thời sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. 

Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng được tăng cường, sâu sát, cụ thể; vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng trong quản lý, giáo dục, rèn luyện, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên được phát huy. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp uỷ các cấp tiến hành giám sát chuyên đề 689 tổ chức đảng, 2.576 đảng viên (1.382 cấp uỷ viên); kiểm tra định kỳ 1.075 tổ chức đảng, 5.658 đảng viên (2.851 cấp uỷ viên). Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 1 tổ chức đảng, 01 đảng viên. Xem xét xử lý kỷ luật 7 tổ chức đảng, trong đó khiển trách 06 tổ chức đảng, cảnh cáo 1 tổ chức đảng; xem xét thi hành kỷ luật 360 đảng viên trong đó khiển trách 267 đảng viên, cảnh cáo 52 đảng viên, cách chức 07 đảng viên, khai trừ 34 đảng viên. 

Sau 2 năm triển khai thực hiện, hầu hết các chỉ tiêu so với đầu nhiệm kỳ đều tăng, nổi bật là các chỉ tiêu về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, một số chỉ tiêu khó đã có những giải pháp phù hợp để triển khai thực hiện và thu được kết quả, tạo sự lan tỏa tích cực. Thông qua thực hiện Nghị quyết, nhận thức của cán bộ, đảng viên về công tác xây dựng Đảng ngày một nâng lên, có sự chuyển đổi tích cực trong hành động; đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung đã thường xuyên nêu cao tinh thần đoàn kết, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nhất là thực hành tốt trách nhiệm nêu gương; đổi mới phương pháp, tác phong làm việc, đề cao ý thức trách nhiệm; có ý thức học tập, nghiên cứu, chất lượng trình độ chuyên môn, lý luận chính trị ngày một nâng lên.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của các cấp ủy, tổ chức đảng chuyển biến tích cực, có sự đổi mới quyết liệt. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng chú trọng đổi mới, xây dựng, ban hành nghị quyết, kết luận, chương trình, kế hoạch công tác sát hợp với tình hình thực tiễn, nắm chắc và giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở. Chất lượng sinh hoạt và tính chiến đấu của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng có sự cải thiện; dân chủ trong sinh hoạt đảng được mở rộng và thực chất hơn. Công tác kiện toàn, phát triển tổ chức đảng, đảng viên được chú trọng, đem lại kết quả tích cực. Việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đi vào nền nếp; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng đối với tổ chức đảng, đảng viên được tăng cường, sâu sát hơn, góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 37 của Đảng bộ tỉnh Yên Bái vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Việc tuyên truyền, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 37 cũng như các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy, của cấp ủy cấp trên ở một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa được kịp thời; chưa sát với tình hình thực tiễn và đặc điểm của địa phương, cơ quan, đơn vị. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở có mặt còn hạn chế, mức độ chuyển biến chậm, không đồng đều giữa các loại hình tổ chức đảng; Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa sáng tạo, chưa có giải pháp đột phá trọng tâm trong lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt đảng bộ, chi bộ ở một số cơ quan, đơn vị chưa được nâng lên, một số nơi chưa quan tâm đúng mức đến sinh hoạt cấp ủy; công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình của một số cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế.

Do vậy, để đạt được mục tiêu đề ra theo tinh thần Nghị quyết số 37, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện, trong đó, yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết và thực tế sau 2 năm thực hiện để có kế hoạch cụ thể phát huy ưu điểm, kịp thời khắc phục những khó khăn, khuyết điểm, hạn chế được chỉ ra; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, đề án, quy định của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng và các giải pháp được xác định trong Nghị quyết; phấn đấu bảo đảm hoàn thành và hoàn thành có chất lượng, vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra./.

Phương Lan - Văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất