Thứ Ba, 8/10/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 3/1/2011 17:19'(GMT+7)

2010 - một năm cá tra vượt khó

Tính đến hết  tháng 12/2010, tổng diện tích nuôi cá tra đạt khoảng 5.400 ha; sản lượng cá thu hoạch đạt trên 1,1 triệu tấn (đạt 95% kế hoạch năm 2010, bằng 105% năm 2009), năng suất trung bình đạt gần 270 tấn/ha/vụ. So với các năm trước, năm nay không có tình trạng dư thừa cá nguyên liệu.

Nhiều khó khăn, rào cản

Khởi đầu năm 2010  là những ảnh hưởng không nhỏ tác động tới tình hình nuôi trồng cá tra trong nước, đó là biến đổi khí hậu nên hạn hán, nắng nóng kéo dài. Tiếp đến là hiện tượng xâm mặn, mức nước trung bình của sông Tiền, sông Hậu thấp hơn mọi năm nên khả năng cung cấp nước và thay nước cho các ao nuôi khó khăn đã ảnh hưởng đến nghề nuôi cá tra ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, việc đồng Euro mất giá so với USD khiến các nhà nhập khẩu không tích cực trong việc mua hàng dự trữ và ép mua cá tra với giá thấp để bù đắp vào phần lợi nhuận bị thu hẹp; lãi suất ngân hàng tăng, giá cả vật tư đầu vào cũng tăng cao đẩy giá thành sản xuất lên đáng kể.

Năm 2010 tiếp tục chứng kiến một số thị trường chính của cá tra xuất khẩu Việt Nam dựng hàng rào kỹ thuật đã gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản nói chung. Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất là việc cá tra Việt Nam bị Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) đưa vào vào "danh sách đỏ" khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng tại một số nước châu Âu.

Bên cạnh đó, một số nước trong khu vực như Thái Lan, Philippin, Malaysia, Indonesia cũng đang triển khai nuôi cá tra một cách mạnh mẽ, trong tương lai cũng là những nước cạnh tranh với Việt Nam.

Tổng cục Thủy sản (TCTS) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, việc tiêu thụ cá tra gặp khó khăn cũng có nguyên nhân một phần từ các doanh nghiệp tự xây dựng cho mình một thị trường, thương hiệu riêng mà chưa quan tâm đến thương hiệu chung của cá tra Việt Nam…

Cá tra vượt “vũ môn”

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ NNPTNT, TCTS đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương, sự cố gắng nỗ lực của bà con nông dân trong sản xuất cùng với sự năng động của các doanh nghiệp, tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra năm 2010 đã đạt được những kết quả khả quan.

Bộ NNPTNT cùng với các ngành, các cấp và Hiệp hội cung cấp nhiều thông tin, tài liệu, căn cứ khoa học về hoạt động kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất cá tra tại Việt Nam để phản bác những thông tin tiêu cực gây ảnh hưởng cho sản xuất và tiêu thụ cá tra trên thị trường quốc tế.

Đặc biệt, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo TCTS và Hiệp hội nghề cá Việt Nam yêu cầu WWF yêu cầu đưa cá tra Việt Nam ra khỏi danh sách đỏ trong cẩm nang hướng dẫn người tiêu dùng ở 6 nước châu Âu. Ngay lập tức các bên liên quan phía Việt Nam đã vào cuộc khẩn trương, kịp thời, mạnh mẽ, dành lại sự công bằng cho cá tra Việt Nam. WWF đã chính thức khẳng định cá tra của Việt Nam sẽ được đưa ra khỏi “danh sách đỏ” và mặt hàng này sẽ được khuyến khích người dân tiêu dùng trở lại.

Trước những chỉ đạo và hành động tích cực từ phía Trung ương và các bộ, ngành liên quan cá tra Việt Nam vẫn đứng vững, khẳng định bằng chất lượng, uy tín của mình. Tính đến tháng 12/2010, cá tra Việt Nam đã xuất khẩu sang 136 thị trường trên thế giới, đạt khoảng 680.000 tấn với kim ngạch ước đạt 1,4 tỷ USD.

Mỹ, Tây Ban Nha và Đức là 3 thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn nhất với giá trị lần lượt là 130,7 triêu USD; 97,9 triệu USD và 77,6 triệu USD, chiếm tỷ trọng tương ứng là 11,4%l 8,5% và 6,8%.

Ngoài ra, giá trị xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính đều tăng, một số thị trường như Estonia, Thái Lan, Các Tiểu Vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), Serbia, Belarut, Costa Rica… có dấu hiệu tăng trưởng khả quan. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu cá tra, basa sang Thái Lan và  Nga tăng mạnh tới 3 con số, tương ứng là 333,9% và 401,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 175 cơ sở sản xuất cá giống, đã sản xuất được hơn 2,3 tỷ cá giống các loại, bằng 116,7% so với năm 2009.

Trong năm 2010, giá bán cá tra nguyên liệu luôn có lợi cho người nuôi. Quý I, giá bán cá tra nguyên liệu liên tục tăng từ 500 – 1.000 đ/kg  so với những tháng cuối năm 2009; giá thành sản xuất dao động từ 14.000 – 16.000 đ/kg cá, giá bán nguyên liệu dao động từ 15.500 – 18.500 đồng/kg. Như vậy người nuôi có lãi từ 1.000 – 2.000 đ/kg.

Trong năm nay,  cũng nhờ việc áp dụng các bộ tiêu chuẩn tiên tiến trong nuôi trồng và chế biến nên tình trạng ô nhiễm môi trường được hạn chế thấp nhất.

 Đẩy mạnh nuôi trồng tập trung, đạt tiêu chuẩn quốc tế

Tại các tỉnh vùng ĐBSCL hiện nay có 5 loại mô hình nuôi cá tra là: nhà máy chế biến có vùng nguyên liệu, DN có diện tích lớn chuyên nuôi, hộ nhỏ lẻ có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hộ nhỏ lẻ nuôi gia công cho các nhà máy và hộ nuôi cá tra tự do. Trong đó địa phương thả nuôi nhiều nhất là Đồng Tháp với trên 1.870 ha, An Giang gần 1.000 ha và ít nhất là Kiên Giang 30ha... Tuy nhiên, việc nuôi cá tra không hiệu quả thường xảy ra ở những hộ nuôi nhỏ lẻ, nguyên nhân do không được bao tiêu sản phẩm, chất lượng sản phẩm còn thấp...

Do vậy, năm 2011, Bộ NNPTNT tập trung đẩy mạnh hình thức nuôi tập trung, hình thành chuỗi liên kết dọc từ sản xuất thức ăn, con giống, nuôi, chế biến và tiêu thụ theo mô hình khép kín hoặc liên kết theo từng khâu thông qua các hợp đồng.

Đồng thời công tác xây dựng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về đánh giá chất lượng cá tra, quy trình nuôi Việt GAP; áp dụng các quy trình công nghệ tiên tiến đã được công nhận như Global GAP, SQF, HACCP… trong nuôi và chế biến được đẩy mạnh.

Việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh ngoại giao nhằm tiếp tục khẳng định cá tra Việt Nam đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế, được bán với giá hợp lý sẽ được đẩy mạnh.

Dự kiến năm 2011 diện tích nuôi cá tra đạt khoảng 6.000 ha; sản lượng ước đạt từ 1,2 – 1,3 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1,45 – 1,55 tỷ USD./.

Theo Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất