Thứ Bảy, 30/11/2024
Chính sách
Chủ Nhật, 26/10/2008 9:43'(GMT+7)

”3 tự”-- một cuộc vận động đầy tính nhân văn

Từ tiếng nói trên các diễn đàn…

Từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, trên thế giới và ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XXI này, đại diện những người nhiễm HIV/AIDS từ nhiều quốc gia đã được trực tiếp tham gia các diễn đàn của những người nhiễm, cất lên tiếng nói để thế giới biết rằng: những người sống chung với HIV/AIDS đã trở thành một cộng đồng tồn tại tất yếu trong xã hội. Ở Việt Nam, cộng đồng ấy đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố, địa phương. Mặc dù vẫn còn nhỏ bé, rải rác và còn khép kín bởi nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân sinh kế nhưng họ vẫn rất hy vọng vào những đổi thay trong cuộc đời. Họ còn rất nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng họ đang khao khát được tạo điều kiện để kéo dài hơn cuộc sống của mình và tự tin là còn có ích nhiều hơn cho gia đình, cộng đồng, xã hội.

Năm 1994, Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về HIV/AIDS tại Paris khi ra Tuyên bố chung đã nhấn mạnh: “ Cần lôi cuốn những người có HIV/AIDS tham gia vào việc ứng phó với đại dịch”. Nguyên tắc GIPA - Lôi cuốn sự tham gia mạnh mẽ hơn của những người chung sống với AIDS - đề ra tại Hội nghị này cũng cho rằng: cần phải mở rộng khái niệm người chung sống với HIV/AIDS ra cả những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Tại khoá họp đặc biệt về HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (LHQ) tháng 6 năm 2001 tại New Ỷork, Tuyên bố cam kết về HIV/AIDS với tiêu đề “Khủng hoảng toàn cầu - Hành động toàn cầu” đã khẳng định: “Thừa nhận vai trò đặc biệt và sự đóng góp quan trọng của những người sống chung với HIV/AIDS… và nhận thấy sự tham gia đầy đủ của họ trong việc xây dựng, lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá các chương trình có tính chất quyết định đối với việc phát triển những phương thức ứng phó có hiệu quả đối với dịch bệnh HIV/AIDS” (Điều 33 của Tuyên bố cam kết)(*).

Tại Việt Nam, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh HIV/AIDS, Đảng và Nhà nước ta đã tăng cường lãnh đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS ở cả nước. Tháng 3/2004, Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống AIDS đến năm 2010, tầm nhìn 2020. Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư (khoá IX) ngày 30/11/2005 về “ Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới” nêu rõ: “… tạo điều kiện để những người nhiễm bệnh và gia đình họ thấy rõ trách nhiệm, tự giác tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS”. Đồng thời, tháng 6/2006 Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống HIV/AIDS làm cơ sở pháp lý cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và tạo nhiều thuận lợi cho cộng đồng người nhiễm HIV.

Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và phối hợp đa ngành nhằm thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010” do UNDP và Sida tài trợ ( dự án 40232), Ban Tuyên giáo TW đã khởi xướng cuộc vận động “3 tự” (tự tin, tự giác, tự lập) trong cộng đồng người nhiễm HIV nhằm huy động sự tham gia ngày càng nhiều hơn của cộng đồng này trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, với hy vọng giảm dần sự kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng, xã hội đối với họ, từ đó nhân lên niềm tin và khơi dậy khả năng tự lập của họ trong cuộc sống. Cuộc vận động này là bước cụ thể hoá chủ trương xã hội hoá công tác phòng, chống HIV/AIDS của Đảng và Chính phủ, đồng thời thể hiện đầy đủ tính nhân văn, đạo lý tương thân, tương ái của dân tộc ta. Mặt khác, cuộc vận động cũng đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cộng đồng những người nhiễm HIV/AIDS, góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong phòng, chống HIV/AIDS.

Quá trình xác định nội dung cuộc vận động.

Ý tưởng ban đầu khi đề xướng phong trào “4 tự” (tự tin, tự giác, tự lập, tự công khai danh tính). Tuy nhiên, để có cơ sở khoa học cho việc xây dựng nội dung của cuộc vận động, lãnh đạo Ban Tuyên giáo TW đã giao cho Tạp chí Tuyên giáo tổ chức những chuyến khảo sát cùng nhóm chuyên gia tại 3 tỉnh dự án là Lạng Sơn, Khánh Hòa, An Giang. Sau đó, tổ chức 5 cuộc Hôị thảo ở TW và các địa phương với sự tham gia của hàng trăm người, đại diện các cấp uỷ đảng, các nhà quản lý có liên quan trực tiếp quản lý người nhiễm HIV/AIDS; các chuyên gia phòng, chống HIV/AIDS trong nước và quốc tế; đặc biệt có sự góp mặt của nhiều đại diện các nhóm tự lực của những người nhiễm HIV, một số nhóm hoạt động nhiều năm nay và được các tổ chức nhân đạo nước ngoài biết đến và hỗ trợ như mạng lưới Vì ngày mai tươi sáng (Bright Future) 17 tỉnh thành, địa phương; mạng lưới Hy vọng, nhóm Hoa hồi, Hoa sữa… các CLB “Tự lực”, “Bạn giúp Bạn”, “Nha Trang xanh”, “Hoa phượng đỏ”, “Hoa xương rồng đen”, “Hoa biển xanh”…

Qua khảo sát, hội thảo, toạ đàm…các ý kiến đều đồng tình với chủ trương phát động cuộc vận động và cho rằng, nếu cuộc vận động thành công thì người hưởng lợi đầu tiên chính là cộng đồng những người nhiễm HIV. “Sự thật là chúng tôi trăn trở điều này từ lâu rồi; chúng tôi muốn được sống giống như mọi người, có lòng tự tin, tự lo được miếng cơm manh áo cho mình và gia đình và hy vọng cuộc sống khá giả hơn. Nếu TW mà phát động được phong trào này cho người có H thì tốt vô cùng; tuy nhiên đối với chúng tôi, tự công khai danh tính là rất khó khăn”- Một bạn nhiễm HIV tại Lạng Sơn phát biểu như vậy và rất nhiều ý kiến đồng tình. Tuy nhiên, đa số ý kiến đều cho rằng trong “4 tự” thì “ tự công khai danh tính” là khó nhất vì thực trạng xã hội ta hiện nay, sự kỳ thị của xã hội, ngay cả trong gia đình và cả “tự kỳ thị” là rào cản lớn nhất trong ứng phó với HIV/AIDS. Một số ý kiến tỏ ra “hối hận” vì tự công khai danh tính, sau đó là thực tế phũ phàng và hậu quả nặng nề: mất việc, không có việc làm, con cái bị ảnh hưởng từ bố mẹ nên không được học chung trường với các bạn khác, đi khám bệnh bị y tá, bác sỹ kỳ thị, đùn đẩy, xa lánh, khi buộc phải khám cho bệnh nhân thì họ đeo tới 2-3 đôi găng tay vì sợ lây…do nhận thức của một số ngưòi, kể cả cán bộ còn lệch lạc, thiếu hiểu biết ! Chính vì thế mà nhiều người nhiễm HIV chưa thật sự sẵn sàng “ lộ mình”. “ Tôi cho rằng, muốn công khai danh tính thì mình phải thật sự tự tin; có được điều ấy thì xã hội, cộng đồng phải tạo điều kiện để củng cố niềm tin của chúng tôi. Cần phải phục hồi lại sự tự tin ấy! có tự tin thì giải quyết “4 tự hay 3 tự” kia không khó lắm”- một bạn bị nhiễm đã công khai danh tính ở An Giang thổ lộ. Trên thực tế, những hoạt động nhằm hỗ trợ người nhiễm HIV phục hồi lòng tự tin chưa được coi trọng đúng mức, chưa có kế hoạch và các giải pháp cụ thể, phù hợp trong thực tiễn. Điều này phải được coi là yếu tố vừa cấp bách, vừa lâu dài.

Vì là chủ thể của phong trào “4 tự” nên tiếng nói, ý kiến của đại diện những người nhiễm HIV/AIDS tại TW, các địa phương, trong các cuộc toạ đàm, các cuộc phỏng vấn sâu… đều được ghi nhận, tiếp thu rất cẩn thận, với tinh thần tôn trọng, “lắng nghe để thấu hiểu”.

Trong quá trình khảo sát phong trào “4 tự”, các cuộc thảo luận nhóm với nhiều cán bộ các cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan chức năng và những người hoạt động PC HIV/AIDS ở các tỉnh dự án đã tham gia nhiều ý kiến về việc tổ chức, triển khai thực hiện cuộc vận động. Đa số ý kiến cho đây là phong trào hay, mang nhiều lợi ích cho người nhiễm và nếu làm tốt thì rất an toàn cho cộng đồng, xã hội, làm giảm kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Phong trào này một khi đi vào cuộc sống, được xã hội ủng hộ thì sẽ góp phần đáng kể để giải quyết các mục tiêu cụ thể và các chương trình của Chiến lược Quốc gia phòng, chống AIDS.

Sau gần ba tháng tiến hành khảo sát, hội thảo tham vấn, góp ý kiến, toạ đàm, phỏng vấn sâu… từ cộng đồng người nhiễm HIV, về cơ chế, chính sách, về quan niệm và nhận thức xã hội... phản hồi góp ý về dự thảo hướng dẫn thực hiện phong trào “4 tự”, nhiều đề xuất nên chuyển phong trào “4 tự” thành cuộc vận động thực hiện “3 tự” cho phù hợp thực tiễn cuộc sống cũng như các Luật hiện hành.

Ban Tuyên giáo Trung ương đã soạn thảo dự thảo (lần 4) Hướng dẫn các cấp uỷ đảng chỉ đạo hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội và những người nhiễm HIV/AIDS phát động và triển khai cuộc vận động thực hiện “3 tự” trong phòng, chống HIV/AIDS; đồng thời có Tờ trình Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc ban hành hướng dẫn triển khai cuộc vận động “3 tự”.

Hy vọng, trong thời gian không lâu nữa, một cuộc vận động lớn phù hợp với đạo lý dân tộc, với tinh thần tương thân, tương ái - cuộc vận động thực hiện “3 tự” trong cộng đồng những người nhiễm HIV/AIDS – được phát động, sẽ thu hút sự quan tâm của xã hội, dư luận bởi tính nhân văn cao cả của nó, góp phần đẩy lên một bước về chất các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên đất nước ta./.

 ThS Trần Thu Hiền
—————————

(*) Báo cáo đánh giá xây dựng hướng dẫn phong trào “4Tự”-Ban Tuyên giao TW, Tài liệu Hội thảo, tháng 6.2008. tr.3, 4.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất