Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Sự tồn tại và hoạt động của các tôn giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh của đất nước.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một nội dung quan trọng trong hệ thống lý luận của Người về cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh CNH,HĐH, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, việc nghiên cứu tư tưởng, hành động nhất quán của Hồ Chí Minh về tự do tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề có ý nghĩa thiết thực về lý luận và thực tiễn.
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Sự tồn tại và hoạt động của các tôn giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh của đất nước. Nhận thức rõ điều đó, kế thừa những giá trị tinh hoa của truyền thống văn hóa dân tộc và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh đã sớm hình thành nên tư tưởng tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Năm 1927, trong tác phẩm Đường Cách mệnh, ở bài viết “Cách tổ chức Công hội”, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Ai là thợ thuyền thì được vào hội, dù tin Phật, tin đạo, tin cộng sản, tin vô chính phủ, tin gì cũng mặc, miễn là theo đúng quy tắc hội là được”(1). Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Người luôn khẳng định: Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, là quyền lợi của nhân dân; mọi hạn chế, vi phạm quyền ấy là đi ngược lại với xu thế tiến bộ của xã hội và Chính phủ phải đảm bảo thực thi quyền đó. Sau này, trên cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước, trong các bài nói, bài viết, các văn bản, sắc lệnh… quan trọng, Hồ Chí Minh luôn thể hiện rõ tư tưởng nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Sự tôn trọng ấy không chỉ thể hiện trên văn bản, lời nói mà cả trên hành động thực tiễn.
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí minh nêu 6 nhiệm vụ cấp bách; trong đó, Người đề nghị Chính phủ tuyên bố: “Tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết”(2). Trong cuộc tổng tuyển cử bầu ra các Đại biểu Quốc hội khóa I, Người tuyên bố: hễ ai là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ ai là công dân thì đều đi bầu cử, không chia rẽ gái, trai, giàu, nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam đều có hai quyền trên.
Để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được thực thi, Hồ Chí Minh cho rằng, về nguyên tắc: hoạt động của các tổ chức tôn giáo phải tuân theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ. Với tinh thần đó, Người chỉ đạo Chính phủ xây dựng các chủ trương, giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả các quyền đó trong đời sống hiện thực của đất nước; đồng thời, Người đã trực tiếp ký, ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định cụ thể về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân. Hiến pháp đầu tiên (thông qua ngày 2-3-1946) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ghi rõ: mọi công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng; Sắc lệnh số 234/SL ngày 14-6-1955 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, Điều 1 đã ghi: Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng, quyền theo hoặc không theo bất cứ tôn giáo nào, quyền “tự do giảng đạo tại cơ quan Công giáo”. Điều 5 của Sắc lệnh này còn thừa nhận các tổ chức tôn giáo có quyền mở trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo. Trên cơ sở nguyên tắc đã nêu, Người xử lý một cách hết sức mềm dẻo và thành công các vấn đề nảy sinh trong quan hệ giữa các tôn giáo, giữa lương - giáo, giữa tôn giáo với chính quyền.
Đoàn kết tôn giáo, đoàn kết lương - giáo là một nội dung quan trọng trong chiến lược đại đoàn kết của Hồ Chí Minh nhằm thực hiện thành công mục tiêu cơ bản của cách mạng Việt Nam: độc lập dân tộc và CNXH. Người luôn nhắc nhở những người cộng sản: bên cạnh việc luôn thực thà tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, phải coi đoàn kết là sức mạnh, là phương châm, là nguyên tắc, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong giải quyết các vấn đề tôn giáo ở nước ta. Người cho rằng: đoàn kết của chúng ta là rộng rãi, lâu dài, là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc, ta phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân thì ta phải đoàn kết với họ.
Để thực hiện tư tưởng đoàn kết tôn giáo, đoàn kết lương - giáo, Hồ Chí Minh đã chỉ ra cơ sở của sự đoàn kết đó chính là những nét tương đồng giữa các tôn giáo và sự tương đồng giữa đức tin của các tôn giáo với đạo đức, niềm tin của những người cộng sản. Theo Người, ở Việt Nam, đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo, hay không theo tín ngưỡng, tôn giáo nào, đều “đồng lòng” phấn đấu vì mục tiêu độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; và trong thực tế, đồng bào có đạo luôn kề vai, sát cánh cùng nhân dân cả nước xây dựng nên truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Chỉ khi đất nước có độc lập thì tôn giáo mới có tự do, cũng như khi tín ngưỡng, tôn giáo gắn liền với độc lập, tự do của Tổ quốc và dân tộc, việc đạo gắn với việc đời, việc nước, thì đức tin của tôn giáo và lòng yêu nước của mỗi người dân mới được gắn kết chặt chẽ với nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp xây dựng đất nước ngày càng giầu mạnh. Trong nhiều bài nói, bài viết, Hồ Chí Minh đã khẳng định sự tương đồng giữa đạo đức, niềm tin của những người có tín ngưỡng, tôn giáo với đạo đức, niềm tin của những người cộng sản là đều hướng tới giải phóng con người khỏi mọi áp bức, khổ đau, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ. Khi nói về Đức Giê Su, Người khẳng định: “Đức Giê Su hy sinh vì muốn loài người được tự do hạnh phúc, đồng bào ta cả Lương cả Giáo cũng vì tự do hạnh phúc cho toàn dân mà hy sinh phấn đấu”(3). Trong thư gửi đồng bào Công giáo nhân dịp Nôen năm 1953, Người viết: “Phúc âm dạy chúng ta rằng: Chúa Cơ đốc sinh ra làm gương mọi giống phúc đức như: hy sinh vì nước vì dân, làm gương lao động, công bằng ruộng đất, tin thờ Chúa bằng tinh thần. Chúng ta kháng chiến cứu nước, thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cải cách ruộng đất làm cho người cày có ruộng, tín ngưỡng tự do. Như thế là những việc Chính phủ và nhân dân ta làm, đều hợp với tinh thần Phúc âm. Cho nên tôi chúc đồng bào Công giáo làm trọn chính sách của Chính phủ cũng là làm trọn tinh thần của Chúa Cơ đốc”(4). Hay trong thư gửi Hội Phật tử Việt Nam, Người viết: “Từ ngày nước ta trở nên Dân Chủ Cộng hoà, Hiến pháp ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì Phật giáo cũng phát triển một cách thuận tiện. Thế là: Nước có độc lập, thì đạo Phật mới dễ mở mang… Đức Phật là đại từ bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn Người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma. Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải, xương máu, kháng chiến đến cùng,… để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ”(5)…
Gắn liền giữa lời nói và hành động, trong các dịp ngày lễ của đồng bào Công giáo, ngày lễ của đồng bào Phật giáo…, mặc dù bận trăm công, nghìn việc lãnh đạo kháng chiến, nhưng Hồ Chí Minh đều trực tiếp viết thư gửi hỏi thăm sức khoẻ, động viên các vị chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo, hay trực tiếp tham gia các ngày lễ Phật Đản, lễ Nôen... Đặc biệt, đối với các chức sắc tôn giáo, Người luôn tôn trọng tài năng, đức độ, uy tín của họ và tạo mọi điều kiện để họ cống hiến tài năng của mình cho đất nước. Năm 1946, khi thành lập Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Người đã trực tiếp mời một số Linh mục, trí thức tôn giáo tham gia Chính phủ, như: Linh mục Phạm Bá Trực, bác sĩ Vũ Đình Tụng, thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hà, ông Ngô Tử Hạ và nhiều trí thức tôn giáo khác. Khi anh Vũ Đình Thành, con trai của bác sĩ Vũ Đình Tụng, chiến đấu hy sinh tại Chợ Hôm, Bác đã viết thư chia buồn: “Thưa ngài. Tôi được báo cáo rằng: con giai Ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam. Họ là con thảo của Đức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc. Những thanh niên đó là dân tộc anh hùng. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ. Ngài đã đem món của quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây chắc ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng. Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài và gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng”(6). Năm 1946, khi chuẩn bị phái đoàn của Chính phủ vào kiểm tra tình hình ở Nam Trung Bộ, Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Giám mục Lê Hữu Từ, chân thành đề nghị cử người tham gia: “Chính phủ dự bị phái đại biểu vào miền Nam Trung Bộ để uý lạo đồng bào trong đó. Vì ở miền đó cũng có nhiều đồng bào Công giáo, nên tôi muốn nhờ Cụ chọn cho một vị linh mục thân tín của Cụ cùng đi với các đại biểu của Chính phủ vào thăm đồng bào ta”(7). Tấm lòng trong sáng và những hành động thiết thực của Hồ Chí Minh đã tạo sức hút mạnh mẽ các chức sắc, chức việc, trí thức và tín đồ các tôn giáo đi theo cách mạng, tham gia kháng chiến, tiêu biểu như: cụ Cao Triều Phát, cụ Ngô Tâm Đạo, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Bồ tát Quảng Đức, Ni trưởng Huỳnh Liên, Linh mục Chân Tín và nhóm Đối diện… Hàng nghìn tín đồ tôn giáo đã trở thành những anh hùng, liệt sĩ trong các cuộc kháng chiến. Trong suốt những năm trên cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước, Hồ Chí Minh đã có những cống hiến to lớn về đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tư tưởng và hành động của Người về đoàn kết tôn giáo còn tiếp tục có giá trị to lớn đối với sự ổn định và phát triển của đất nước hiện nay.
Cùng với việc tìm ra cơ sở khoa học cho sự đoàn kết tôn giáo, đoàn kết lương - giáo, Hồ Chí Minh còn rất quan tâm đến việc xây dựng hệ thống chính trị trong vùng có đồng bào tôn giáo, làm tốt việc vận động các chức sắc, chức việc, các tín đồ tôn giáo; đồng thời, đặc biệt chú ý tới công tác phát triển Đảng trong các tín đồ tôn giáo. Theo Người, một bộ phận nhân dân tin vào Chúa Trời, Thần, Phật… là một thực tế lịch sử, và những người có đạo vẫn có thể trở thành đảng viên của Đảng. Về vấn đề này, Người nói: “Có anh em hỏi một người Công giáo có thể vào Đảng Lao động không? Có. Người tôn giáo nào vào cũng được, miễn là trung thành, hăng hái làm nhiệm vụ, giữ đúng kỷ luật của Đảng”(8). Đồng thời, Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến đời sống của đồng bào tôn giáo. Theo Người, “phần xác có no ấm thì phần hồn mới được thong dong”; do đó, Người chỉ đạo Chính phủ và các tổ chức chính quyền các cấp phải: ra sức củng cố hợp tác xã, phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho xã viên; đồng thời, phải đảm bảo tín ngưỡng tự do. Đương nhiên, các hoạt động tôn giáo không được cản trở sản xuất của nhân dân, không được trái với chính sách và pháp luật của Nhà nước. Người cũng đặc biệt quan tâm đến công tác vận động đồng bào các tôn giáo. Đối với những người do thiếu hiểu biết mà bị lường gạt, Người chủ trương phải tuyên tuyền, giáo dục để đồng bào hiểu rõ chính sách của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn và thấy được âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch. Còn đối với chủ nghĩa thực dân và các thế lực tôn giáo phản động cấu kết với nhau để chống phá cách mạng, Người khẳng định: Hiến pháp nước ta đã quy định rõ quyền tự do tín ngưỡng, kẻ nào vi phạm Hiến pháp và khiêu khích đồng bào Công giáo sẽ bị trừng trị theo pháp luật,v.v.
Sự nhất quán trong tư tưởng và hành động của Hồ Chí Minh về tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã góp phần quan trọng vào xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong hơn 60 năm đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân ta. Tấm gương đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta quán triệt, vận dụng và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
(Theo: Minh Sơn/Tạp chí Quốc phòng toàn dân)
_______________________________________________
1- Hồ Chí Minh:Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H. 2000, tr.303.
2- Hồ Chí Minh: Sđd, tập 4, tr. 9.
3- Hồ Chí Minh: Sđd, tập 4, tr. 50.
4- Hồ Chí Minh: Sđd, tập 7, tr. 197.
5- Hồ Chí Minh: Sđd, tập 5, tr. 197.
6- Hồ Chí Minh: Sđd, tập 5, tr. 40.
7,8- Hồ Chí Minh: Sđd, tập 7, tr. 115.