Thứ Sáu, 11/10/2024
Khoa học
Thứ Tư, 5/8/2020 10:2'(GMT+7)

Ai có thể miễn nhiễm với virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19?

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Quiberon, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Quiberon, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong hơn 7 tháng qua, người dân trên toàn thế giới đã phải vật lộn cùng virus SARS-CoV-2 gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Không thể phủ nhận được thực tế rằng giới khoa học đã hiểu được nhiều điều về virus SARS-CoV-2 và bệnh COVID-19, song dường như chừng ấy kiến thức vẫn là chưa đủ.

Điển hình là vẫn còn một bí ẩn lớn chưa được giải mã, đó là: tại sao một số bệnh nhân có diễn biến bệnh nghiêm trọng và thậm chí tử vong, nhưng nhiều người khác lại không thể hiện triệu chứng khi mắc bệnh và thậm chí không chút mảy may về việc họ đã nhiễm virus chết người?

Chúng ta biết một số nguyên nhân chính khiến các bệnh nhân nguy cơ diễn tiến xấu, thậm chí dẫn đến tử vong, đó là khi họ trên 60 tuổi; bị thừa cân hoặc béo phì; mắc một hoặc nhiều bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh thận hoặc phổi và ung thư; và thuộc các nhóm người nhất định như người da màu, người Mỹ Latinh hoặc người Mỹ bản địa.

Ở chiều ngược lại, một số người thực sự đang sở hữu một "tấm khiên" đặc biệt, phần nào che chắn họ trước sự tấn công của "quả cầu gai" COVID-19.

Một báo cáo được công bố gần đây trên tạp chí Nature Reviews Immunology đưa ra giả thuyết rằng: Một tỷ lệ lớn trong dân số dường như có các tế bào miễn dịch trong cơ thể có khả năng nhận biết virus SARS-CoV-2, và qua đó cho cơ thể họ sức mạnh ngăn ngừa nhiễm bệnh, dù họ không hề hay biết về điều này.

Một trong những tác giả của nghiên cứu trên - nhà khoa học Alessandro Sette làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu vắcxin và bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Miễn dịch La Jolla cho biết: "Những gì chúng tôi đã phát hiện đó là trong số những người chưa từng phơi nhiễm SARS-CoV-2, có khoảng 50% trường hợp có khả năng phản ứng tế bào T."

Để hiểu tại sao điều đó lại quan trọng, hãy cùng tìm hiểu những kiến thức cơ bản sau về miễn dịch học. Hệ thống miễn dịch của con người, có nhiệm vụ giữ cho bạn khỏe mạnh khi đối mặt với vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng và những "kẻ xâm nhập" khác, có hai thành phần chính, đó là hệ thống miễn dịch bẩm sinh và hệ thống miễn dịch thích nghi.

Hệ thống miễn dịch bẩm sinh là tuyến phòng thủ đầu tiên. Nhiều bộ phận của hệ thống này bao gồm các rào cản vật lý như da và màng nhầy trên cơ thể con người, có nhiệm vụ ngăn chặn một cách vật lý những "kẻ xâm nhập" vào cơ thể vật chủ. Hệ thống này cũng bao gồm một số tế bào nhất định, các protein và các hóa chất có nhiệm vụ làm những việc như gây viêm và phá hủy các tế bào xâm lấn.

Trong khi đó, hệ thống miễn dịch thích nghi được nhắm mục tiêu chống lại một kẻ xâm lược cụ thể và từng "quen mặt" trước đó. Điều này sẽ mất một chút thời gian để cơ thể kích hoạt hệ thống miễn dịch.

Hệ thống miễn dịch thích nghi bao gồm một loại tế bào bạch cầu, được gọi là tế bào B, có nhiệm vụ "tuần tra" khắp cơ thể tìm kiếm virus xâm nhập. Mỗi tế bào B có một kháng thể duy nhất nằm trên bề mặt của nó và có thể liên kết với một kháng nguyên duy nhất (tên khoa học của virus xâm nhập) và ngăn không cho virus xâm nhập vào tế bào vật chủ.

Khi phát hiện và liên kết với virus xâm nhập, tế bào B sẽ được kích hoạt: nó tự sao chép và tạo ra các kháng thể, cuối cùng tạo ra một đội quân trung hòa khổng lồ cho virus xâm nhập cụ thể đó. Đó là nơi các kháng thể được tạo ra nhờ hệ thống miễn dịch của những người đã mắc COVID-19.

Tuy nhiên, một vài nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng các kháng thể đối với chủng virus đặc biệt này có thể biến mất khá nhanh, đặc biệt là ở những người bị COVID-19 thể nhẹ.

(Nguồn: Getty Images)

(Nguồn: Getty Images)

Điều này đã khiến nhiều nhà nghiên cứu lo lắng: vì phản ứng kháng thể dường như tan biến đi nhanh chóng, giới khoa học không chắc chắn một người đã bị nhiễm loại virus này sẽ có thể miễn nhiễm trong bao lâu. Điều này cũng đáng lo ngại vì các nhà khoa học đang dựa vào vắcxin để kích hoạt phản ứng kháng thể để giúp bảo vệ con người và mong muốn sự bảo vệ đó tồn tại lâu dài.

May mắn là kháng thể không phải là vũ khí duy nhất mà hệ thống miễn dịch dễ thích nghi của chúng ta sử dụng để ngăn ngừa nhiễm bệnh. Chúng ta còn có tế bào T. Có 3 loại tế bào T được cơ thể sản sinh ra sau khi bị nhiễm virus để có thể giúp cơ thể chúng ta chống lại sự nhiễm bệnh trong tương lai từ khi virus này tái xâm nhập.

Một trong những tế bào T này giúp cơ thể dễ dang nhận diện kẻ xâm nhập này trong trường hợp chúng lại "gõ cửa", trong khi tế bào T khác truy tìm và phá hủy các tế bào chủ bị nhiễm bệnh, và tế bào T còn lại hỗ trợ cơ thể phòng bệnh theo những cách khác.

Đó là những tế bào T giống như những tế bào đã phản ứng với virus SARS-CoV-2 mà nhà khoa học Alessandro Sette và người cộng sự Shane Crotty đã phát hiện ra một cách khá tình cờ trong máu của những người đã được thu thập mẫu máu cách đây vài năm - từ trước khi đại dịch này bùng phát.

Các nhà khoa học này đang thực hiện một thí nghiệm với máu của những người đã hồi phục sau khi mắc COVID-19. Vì các nghiên cứu cần "một sự kiểm soát âm tính" để so sánh với máu của những bệnh nhân mắc COVID-19 đã hồi phục, nên họ đã chọn mẫu máu từ những người khỏe mạnh được thu thập ở San Diego trong giai đoạn 2015-2018.

Ông Sette giải thích: "Những người này không thể nào từng phơi nhiễm SARS-CoV2. Và khi chúng tôi tiến hành thử nghiệm đối với họ... hóa ra sự kiểm soát âm tính lại không quá tiêu cực: khoảng 50% số các trường hợp này có phản ứng tế bào T chống lại virus. Shane và tôi đã xem qua dữ liệu; chúng tôi đã xem xét nó từ mọi góc độ - và phản ứng này thực sự "có thật. Những người chưa từng phơi nhiễm virus này vẫn có thể có một số phản ứng tế bào T chống lại virus."

Nghiên cứu nói trên đã được đăng trên tạp chí khoa học Cell số xuất bản cuối tháng 6 vừa qua. Hai nhà khoa học Sette và Crotty đã lưu ý trong báo cáo nghiên cứu này rằng họ không phải là những người duy nhất đã phát hiện ra thực tế này.

Ông Sette nhấn mạnh: "Điều đó đã được xác nhận ở các châu lục khác nhau, các phòng thí nghiệm khác nhau, với các kỹ thuật khác nhau, đó là một trong những đặc điểm nổi bật khi bạn bắt đầu thực sự tin rằng một cái gì đó có cơ sở khoa học, bởi vì nó được tìm ra bởi các nghiên cứu khác nhau và các phòng thí nghiệm khác nhau."

Các nhà khoa học suy đoán rằng sự nhận biết của tế bào T đối với virus SARS-CoV-2 có thể xuất phát từ việc phơi nhiễm 1 trong 4 chủng virus corona mà chúng ta từng biết, vốn gây ra chứng cảm lạnh thông thường ở hàng triệu người mỗi năm.

Theo Tiến sỹ Bruce Walker, một nhà khoa học về bệnh truyền nhiễm - người từng dành phần lớn thời gian để nghiên cứu về miễn dịch ở người, phát hiện này mở ra hướng nghiên cứu một loại vắcxin khác, tương tự như những loại vắcxin hiện đang được sử dụng để phòng một số bệnh ung thư nhất định.

Tiến sỹ Walker - Giám đốc sáng lập Viện Ragon thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts giải thích: "Những gì chúng ta biết là hầu hết các loại vắcxin đã được tạo ra cho đến nay đều dựa trên việc tạo ra các kháng thể. Bây giờ, về mặt lý thuyết, các kháng thể có thể ngăn chặn mọi tế bào bị nhiễm bệnh - nếu trong cơ thể bạn có đủ kháng thể và bất kỳ virus nào xâm nhập cơ thể bạn đều có thể bị vô hiệu hóa trước khi virus gây nhiễm bệnh cho một tế bào. Mặt khác, nếu một số virus lén lút xâm nhập và lây nhiễm một tế bào thì cơ thể phụ thuộc vào các tế bào T để loại bỏ virus. Và đó là cơ hội để chúng ta suy nghĩ lại về vấn đề có nên tiêm chủng hay không - bởi những tế bào T đó, ít nhất là về mặt lý thuyết, có thể rất mạnh và có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh hoặc mức độ nhiễm bệnh."

"Nói cách khác, chúng sẽ không thể ngăn virus tấn công cơ thể, nhưng chúng có thể giữ mức độ nhiễm trùng nhẹ tới mức bạn không nhận rằng mình đã nhiễm bệnh và trên thực tế, bạn sẽ không bao giờ có đủ số lượng virus trong cơ thể để lây truyền cho người khác."

Mặc dù vậy, hai nhà khoa học Sette và Crotty cũng cho rằng các chủng virus corona xuất hiện ở những nơi khác nhau, vào những thời điểm khác nhau, một số quốc gia, thành phố hoặc địa phương có thể bị ảnh hưởng với các quy mô khác nhau, tùy thuộc tỷ lệ dân số tiếp xúc với các chủng virus đó và mức độ lây nhiễm chéo.

Còn Tiến sỹ Arturo Casadevall thì nhận định: "Nguy cơ mắc bệnh là không thể đoán trước được, vì nhiều yếu tố kết hợp với nhau theo những cách mà bạn không thể nắm bắt hết được, như những diễn biến trong cuộc đời bạn, chế độ dinh dưỡng của bạn, bạn đã nhiễm bệnh như thế nào, lượng virus trong cơ thể bạn là bao nhiêu, và thậm chí, ngày bạn bị nhiễm bệnh là ngày nào"./.

Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất