(TG) - “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho nền báo chí Việt Nam, một giả định hợp với logic bởi suốt đời mình, Người là một nhà báo. Người viết nhiều thể loại văn chương và báo chí: Bút ký, truyện thời sự, xã luận, thơ, cùng các thể loại khác. Các bài báo của Người, đi thẳng vào vấn đề và được viết một cách giản dị, rõ ràng và súc tích, rất dễ hiểu với độc giả đông đảo của Người .
Trên thực tiễn diễn đàn báo chí, Hồ Chí Minh có một vị trí đặc biệt quan trọng. Người không chỉ sáng lập ra nền báo chí cách mạng mà còn đưa một phong cách làm báo mới ở Việt Nam, lấy dân tộc và người dân làm chủ đề thời sự chính. Người căn dặn: Viết cho giai cấp lao động, các tờ báo cách mạng phải lột tả thực tế đời sống của người lao động và hướng dẫn họ trong cách cư xử và hành động nhằm giúp họ cải thiện điều kiện sống của mình. Sự chuẩn mực, tinh tế và sáng tạo trong các tác phẩm báo chí của Người và những điều mà Người chỉ dạy vẫn mang tính thời sự nóng hổi, kể cả trong điều kiện công nghệ thông tin hết sức phát triển như ngày nay. Những bài học đó càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với những người làm báo khi viết về công việc “học và làm theo Bác”.
Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (Chỉ thị 05), Tạp chí Tuyên giáo đã bám sát nội dung Chỉ thị và Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, xây dựng chuyên mục tuyên truyền trên các ấn phẩm (in và điện tử) phù hợp với điều kiện của Tạp chí và thực tiễn đặt ra. Cụ thể, xây dựng chuyên mục: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên tạp chí in; chuyên mục: Theo gương Bác trên Tạp chí điện tử (dưới đây gọi chung là chuyên mục: Theo gương Bác). Theo đó, quán triệt rõ nội dung Chỉ thị 05: Tổ chức tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng và có hệ thống bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc những giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Phát huy kết quả tuyên truyền đạt được trước đó trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW ngày 7/11/2006 và Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị khóa X, khóa XI về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Ban Biên tập và tập thể Tòa soạn chủ trương: Một mặt, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung bài viết gắn với yêu cầu của thực tiễn, tạo được sự chuyển biến rõ nét về hiệu quả tuyên truyền thực hiên Chỉ thị 05. Mặt khác, chú trọng đổi mới phương thức tuyên truyền, tiếp cận nhanh công nghệ hiện đại, đáp ứng kịp thời nhu cầu bạn đọc. Trong đó, việc đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung bài viết có ý nghĩa quan trọng và là cách tốt nhất để cụ thể hóa nội dung Chỉ thị 05 theo hướng lấy độc giả làm trung tâm, góp phần lan tỏa cao nhất việc học và làm theo Bác; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, giữ vững niềm tin và không ngừng phấn đấu vươn lên “Theo gương Bác”.
Thông qua nhiều kênh thông tin, như hội nghị cộng tác viên, thư trao đổi trực tuyến, comment tương tác với bạn đọc… Ban Biên tập chủ động xây dựng kế hoạch, gợi ý đề cương, chủ đề bài viết phù hợp với yêu cầu tuyên truyền ở từng thời điểm, từng giai đoạn lịch sử; đồng thời, phù hợp với chức năng và đối tượng tuyên truyền của Tạp chí Tuyên giáo. Nhờ đó, các tác giả đã lựa chọn chủ đề, xây dựng nội dung bài viết phù hợp với yêu cầu đặt ra. Nhiều bài viết hướng đến các mô hình, nhân tố mới có hiệu quả cao trong học và làm theo Bác; hoặc hướng đến việc đánh giá thực trạng, chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm của một số tổ chức, cá nhân trong thực hiện Chỉ thị 05, gây nên các hệ lụy trong công tác, nhiều cán bộ vi phạm khuyết điểm phải xử lý kỷ luật. Đây là những bài viết có tác dụng tốt được nhiều bạn đọc quan tâm.
Chuyên mục: Theo gương Bác, vì thế ngày càng thu hút nhiều cộng tác viên tham gia viết bài. Bên cạnh các bài nghiên cứu, trao đổi, lý luận, ngày càng có nhiều bài viết phản ảnh thực tiễn quá trình học và làm theo Bác ở cơ sở. Đặc biệt, xuất hiện nhiều công tác viên trẻ, cộng tác viên cơ sở, vùng sâu vùng xa, kể cả nơi biên giới, hải đảo. Nội dung bài viết được thể hiện qua nhiều thể loại báo chí, như chính luận, nghiên cứu, phỏng vấn, phóng sự, ghi chép, vidio,… phản ánh sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn trên nhiều địa bàn, nhiều lĩnh vực khác nhau.
Từ thực tiễn sinh động học và làm theo Bác, các bài viết trên chuyên mục: Theo gương Bác đã làm nổi bật tư tưởng Hồ Chí Minh là di sản lý luận quý báu của Đảng, là kim chỉ nam soi đường cho cách mạng nước ta, đồng thời góp phần làm phong phú thực tiễn sinh động trong công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh của Đảng ta.
Nhiều bài viết của chuyên mục được độc giả quan tâm khai thác, làm tài liệu phục vụ trong công tác nghiên cứu, học tập, tuyên truyền, nhất là đối với cán bộ nghiên cứu, học viên, sinh viên, trong các cơ sở đào tạo; báo cáo viên, tuyên truyền viên, trong hệ thống Tuyên giáo cả nước.
Chuyên mục “Theo gương Bác” đã góp phần quan trọng làm phong phú thêm nội dung và phương thức tuyên truyền của Tạp chí Tuyên giáo. Số lượng phát hành tạp chí in và số lượng người truy cập trên tạp chí điện tử, nhờ đó ngày càng được nâng lên . Nhiều bài viết trên chuyên mục của Tạp chí điện tử thường xuyên có số lượng độc giả truy cập nhiều nhất trong ngày/tuần và tháng; góp phần xây dựng Tạp chí Tuyên giáo là địa chỉ tin cậy trong việc tuyên truyền, quảng bá mang tính định hướng; giúp cho các cơ quan báo chí và người dân có thể tiếp cận, lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đời sống chính trị, xã hội.
Mặc dù vậy, trên thực tế, vẫn còn những hạn chế về năng lực cũng như sự đột phá về chất lượng nội dung bài viết. Bên cạnh nhiều bài viết tốt, vẫn có những bài viết chưa sát với thực tiễn, chưa phản ánh đúng “nhịp thở” của cuộc sống. Nội dung bài viết không mới, chất lượng còn nhiều hạn chế. Trung bình có khoảng từ 15-20% bài viết gửi về Tòa soạn không được sử dụng, hoặc rất khó khăn trong việc biên tập để bài viết có thể sử dụng được.
Một số biểu hiện tồn tại của các bài viết đó là: Bài viết nặng về lý thuyết, có tính giáo điều, xa rời với thực tiễn, ít sáng tạo; một số bài nặng về phê phán có tính cực đoan, cho rằng việc học và làm theo Bác chỉ là hình thức, nặng về “phong trào” mà không đi vào thực chất; một số bài tuy có giá trị lý luận nhưng lại không gắn với thực tiễn, thiếu các giải pháp căn cơ để việc tuyên truyền, học tập và làm theo Bác có hiệu quả thiết thực hơn. Bên cạnh đó, vẫn còn một số bài viết theo một “mô tuýp truyền thống”, thiếu tính sáng tạo, ít thay đổi về kết cấu và cách đặt vấn đề mà thường bị lệ thuộc vào các báo cáo của đơn vị, do đó không tạo được dấu ấn mới;…
Để khắc phục tình trạng nêu trên, bên cạnh sự nỗ lực xây dựng một chuyên trang: Học và làm theo Bác có tên miền riêng trên tạp chí Tuyên giáo điện tử, Ban Biên tập và Tòa soạn tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng bài viết trên chuyên mục Theo gương Bác của Tạp chí. Trong đó, chú trọng một số nội dung:
Thứ nhất, chủ động xây dụng kế hoạch, chủ đề đặt và viết bài, lựa chọn nội dung bài viết phù hợp với yêu cầu tuyên truyền của Tạp chí. Việc phát hiện trúng vấn đề đáp ứng yêu cầu tuyên truyền là có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bài viết. Việc chọn vấn đề cần tránh ôm đồm quá nhiều nội dung, có thể chỉ nên “lẩy” từng nội dung nhỏ để bàn luận được sâu hơn. Điều quan trọng là rút ra thông điệp của bài viết. Nhà báo Hà Đăng có bài viết được nhiều bạn đọc đánh giá cao khi chỉ bàn về “Hai chữ “tự” trong nghị quyết Trung ương 4”; TS. Bùi Thế Đức có bài bàn về hai chữ “liêm” và “chính” trong cán bộ, đảng viên hiện nay; Phó GS, TS. Phạm Xuân Hảo khi viết “Thấm nhuần chữ “Dân” để thực sự là “công bộc của dân”; … đã tạo được sự hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc với số lượng truy cập cao ngay trong vài giờ đầu sau khi bài được phát lên mạng...
Thứ hai, xây dựng đề cương và xác định kết cấu, nội dung bài viết. Đây cũng là khâu quan trọng để bài viết có chất lượng cao. Bài viết chỉ đạt được hiệu quả tuyên truyền khi đem đến cho bạn đọc những thông điệp họ quan tâm, thích thú, trong đó giải quyết được những vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đang đặt ra, như Bác Hồ đã từng chỉ dạy: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào? Do đó, cần phải khắc phục những hạn chế, nhất là tránh lý luận dài dòng, tránh sao chép, “tầm chương trích cú”, xa rời thực tiễn; tránh các biểu hiện giáo điều hoặc cực đoan, đề cao cái tôi và ý đồ cá nhân trong bài viết; tránh viết một chiều và “thổi phồng thành tích”; tránh lệ thuộc vào giáo trình, giáo án, tài liệu, báo cáo, thiếu gắn kết với với cuộc sống mà bạn đọc quan tâm.
Thứ ba, cách viết cần ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề đã được xác định “Phải viết gọn, rõ ràng, vắn tắt… Viết phải thiết thực” như Bác Hồ đã chỉ ra. Nội dung viết cần có lập luận chặt chẽ, gắn chỉ thị, nghị quyết với thực tiễn; tập trung giải đáp những vấn đề thiếu hổng, bất cập và bức xúc trong lý luận và trong thực tiễn, tạo nên sự hấp dẫn, tính thuyết phục trong bài viết. Tránh giáo điều, hô hào, hoặc viết chung chung.
Thứ tư, đa dạng hóa thể loại bài viết phù hợp với yêu cầu đặt ra. Chú trọng cách trình bày, logic, hành văn trong sáng, giản dị, gần gũi với thực tiễn. Dung lượng bài viết không quá dài so với yêu cầu của Tạp chí. Bài viết cần được kiểm chứng chặt chẽ về nội dung, nhất là nội dung các câu trích dẫn, các số liệu so với tài liệu tham khảo,...
Với vai trò và vị thế của mình, tạp chí Tuyên giáo luôn phấn đấu là đơn vị đi đầu trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 05. Trong đó, đảm bảo thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng bài viết tạo uy tín, thương hiệu của Tạp chí đối với bạn đọc; góp phần tuyên truyền, giáo dục trong toàn Đảng và toàn xã hội về học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân của cán bộ, đảng viên trong việc học tập và làm theo Bác./.
Phương Vinh