Chủ Nhật, 22/12/2024
Sinh hoạt tư tưởng
Thứ Bảy, 25/10/2008 9:9'(GMT+7)

Ai cũng phải thực hiện tiết kiệm

Này ông, điện ta dùng có mất tiền không? Tôi giật mình vì đó là câu hỏi của bác cán bộ hưu, nguyên thủ trưởng một ngành của tỉnh. Tuy thế tôi cũng bình tĩnh hỏi lại: bác hỏi vậy, tôi chưa hiểu hết ý. Chưa dứt lời, ông đã phản ứng luôn một mạch với giọng điệu khá bức xúc: Vừa qua, khi đến liên hệ giải quyết một số công việc ở một cơ quan của tỉnh, tôi thấy trong phòng làm việc không có người, nhưng điện vẫn sáng, các thiết bị “ăn” nặng điện như điều hoà, máy vi tính vẫn chạy vo vo. Chủ trương của Đảng và Chính phủ đề ra là tiết kiệm để phục vụ sản xuất, kêu gọi mọi người, mọi nhà hưởng ứng. Dân nhà nào trước đây đã lắp bình nóng lạnh, nay phải đầu tư thêm “Thái dương năng”. Bóng điện huỳnh quang trước đã được cho vào chương trình tiết kiệm, nay lại phải chuyển sang Compac. Không những thế mỗi khi xem ti vi, đến chương trình truyền hình địa phương, lại phải dặn vợ con chú ý nghe xem khu vực mình có bị cắt điện luân phiên không! Thế mà thật trớ trêu, điện tiêu dùng nhà dân bị cắt, nhưng điện đường cái quan lại để đỏ rực cả 3 hàng đèn. Sao không chỉ để 2 hàng, hoặc giảm bớt so le số bóng đèn đi? Đường của ta đâu phải là 50, 70 mét gì cho cam, nếu so với nhiều nơi thì đường của ta chỉ là tầm cỡ con lươn, con chạch thôi. Điện ta dùng đều trả bằng tiền. Tiền đó ở đâu ra? Là của dân, của doanh nghiệp đóng thuế mà có đấy chứ!

Nghe xong lời tâm sự của bác cán bộ hưu, tôi rất suy nghĩ, vì khi nói về đối tượng phải thực hành tiết kiệm, Bác Hồ đã chỉ rõ: Mọi người, mọi cấp, mọi ngành và từng lĩnh vực đều phải thực hành tiết kiệm. Tư tưởng đó lại càng có ý nghĩa khi hiện nay giá xăng dầu thế giới đã tăng lên 3-4 lần so với đầu năm 2006. Sự tăng giá đến chóng mặt của mặt hàng chiến lược, có tính chất chi phối nền kinh tế thế giới này đã buộc Chính phủ ta mới đây phải ngưng bù lỗ như nhiều năm qua, và điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước. Điều này đương nhiên sẽ tác động đến giá cả các mặt hàng khác. Đây là điều bất khả kháng.

Hưởng ứng chủ trương thực hành tiết kiệm của Chính phủ, và quan trọng hơn là để đối phó với “cơn lốc” giá, dân ta đã chủ động điều chỉnh mọi chi tiêu cá nhân. Trong bữa ăn, những món khoái khẩu, cao lương mĩ vị đắt tiền, được thay dần bằng những thứ giản đơn, giá cả phù hợp. Các thiết bị sinh hoạt, dùng năng lượng, phương tiện đi lại dùng xăng dầu, được điều chỉnh theo hướng tiết kiệm. Các doanh nghiệp thì ngừng đầu tư những dự án, phần việc chưa cần thiết, cùng nhau chung sức tìm phương án giảm bớt chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm… Ai cũng biết, sự thay đổi thói quen trong nếp sống, nhu cầu sinh hoạt cá nhân, gia đình và đặc biệt là kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã được xác định trong chiến lược phát triển của một doanh nghiệp là điều không dễ dàng. Nhưng do thực tế cuộc sống yêu cầu, lại được Đảng, Nhà nước động viên, người dân và doanh nghiệp đã đoàn kết, quyết tâm thực hiện, chia sẻ khó khăn với Nhà nước.

Tiếc thay, trong lĩnh vực được sử dụng tài sản, phương tiện có nguồn từ ngân sách Nhà nước, tính hiệu quả, sự lãng phí vẫn còn là một vấn đề nghiêm trọng, nó như một căn bệnh đã trở thành ác tính, phát triển hàng ngày, hàng giờ, trong cả việc nhỏ lẫn việc lớn. Văn bản, chủ trương của Đảng, Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì đã có nhiều, rất quyết tâm, quyết liệt. Kinh nghiệm thế giới về lĩnh vực này cũng được báo, đài phổ biến thường xuyên. Vậy là việc “bắt mạch, kê đơn” đã đúng. Tất nhiên, ở căn bệnh này, muốn điều trị thành công, một điều rất quan trọng và không thể thiếu, đó là mỗi “con bệnh” phải tự ý thức được sự nguy hiểm của loại “khuẩn độc-tham ô, lãng phí”, để mà thường xuyên tự giác sửa chữa./.

Nấm Linh Chi

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất