Thứ Sáu, 20/9/2024
Sinh hoạt tư tưởng
Thứ Bảy, 10/1/2009 10:24'(GMT+7)

“Bắt bệnh” cho hội nghị

Thứ nhất: Hội nghị dành cho ai? Chắc chắn hội nghị phải có nhiều người thì việc bàn luận mới càng sôi nổi, vui vẻ. Nhưng hội nghị chuyên ngành khác hoàn toàn với hội nghị tổng kết, thế mới có chuyện để nói. Doanh nghiệp A tổ chức một hội nghị để giải quyết những vấn đề nghiệp vụ phát sinh, số người được phân bổ cho mỗi chi nhánh, mỗi cơ sở. Thế là việc thực hiện được áp dụng rất mềm dẻo, linh hoạt, anh nào năm trước chưa đi thì năm nay đi, hoặc cho những anh ít có cơ hội đi công tác, đấy là cách giải quyết rất tình cảm theo kểiu “chế độ chính sách”, vì còn nhiều doanh nghiệp nhà nước ta đều hoạt động theo cơ chế… gia đình. Năm 2002, một doanh nghiệp tổ chức hội nghị ở TP.HCM, khai mạc đúng vào lúc toà nhà ITC bốc cháy dữ dội, nhiều anh không liên quan hoặc chẳng dính dáng gì đến vấn đề hội nghị đang bàn thảo đã bỏ đi xem đến vãn cả hội trường. Câu chuyện này cho thấy một sự thật đau xót trong nhận thức về hội nghị và tính vô bổ của nó.

Thứ hai: Trình bày như thế nào ở hội nghị? Đây là vấn đề thuộc về nội dung, phòng chuyên môn, phòng chức năng chắc chắn sẽ phải chuẩn bị nó và đóng thành quyển. Nhưng cái tệ hại nhất chính là người trình bày, phần lớn các nội dung đều được đọc lại nguyên xi trong các tài liệu đã phát, có anh đọc một lèo đến hết không ngẩng mặt lên, anh nào cận thị còn cúi sát hơn, đây là một thực tế khôi hài, nhiều chữ viết tắt hay thuật ngữ có anh còn không luận ra nổi bởi tài liệu không phải do mình viết. Điều này lý giải cho những hội nghị thường xuyên vắng đại biểu, họ cho rằng mang tài liệu về xem là đủ. Vì thế thời gian đi hội nghị được quy ra thành thời gian ăn ngủ nghỉ khách sạn, đi shoping hay thăm thú người thân.

Thứ ba: phương pháp luận nào cho vấn đề trong hội nghị? Để nâng tầm quan trọng cho một hội nghị, người ta thường mời một hoặc vài bác có vị thế trong ngành đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Thông thường các vị này phải ngồi nghe, phân tích, mổ xẻ các vấn đề được nêu rồi vẽ ra mấy hướng giải quyết chung chung. Thế nhưng, nhiều trường hợp vì thời gian quá ít hoặc tranh thủ “chạy xô”, các vị này đến dự một hai tiếng rồi… phát biểu chỉ đạo luôn trong buổi khai mạc, có bác cẩn thận hơn còn viết sẵn chỉ đạo từ nhà, đến nơi chỉ việc đọc, chưa cần biết vấn đề của hội nghị nghiêm trọng đến đâu. Họ ra về được ban tổ chức cảm ơn, đưa cho một thứ rất kín đáo, không chữ nghĩa, được kẹp trong một thứ gọi tất tần tật chung chung là…tài liệu. Và như thế, hội nghị nào cũng thành công.

Không phải tất cả nhưng trên đây là những căn bệnh phổ biến, chịu khó bắt mạch có thể chúng ta còn tìm ra nhiều bệnh hơn cho hội nghị. Vào WTO và ngày càng hội nhập sâu cùng với thế giới, dứt khoát phải tìm cho ra liều thuốc trị dứt những căn bệnh trầm kha này cho các DNNN?

Lê Trí Dũng (Long Biên-Hà Nội)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất