Lâu nay, đối với các cấp chính quyền, ngành, đoàn thể ở cơ sở, việc họp dân không phải lúc nào cũng đạt yêu cầu mong muốn. Tình trạng “giờ cao su”, đi trễ về sớm, lác đác người tham dự… vẫn còn xảy ra ở các cuộc họp. Làm thế nào để khắc phục tình trạng này?
Tối hôm ấy, khu phố X tổ chức họp dân để bàn chuyện giữ gìn vệ sinh môi trường. Giấy mời ghi rõ cuộc họp bắt đầu vào lúc 19h30' nhưng đến 20h15', hội trường đếm được mới có…tám người! Tổ trưởng khu phố bức xúc nói: Hồi chiều, tôi đã chạy một vòng nhắc nhở từng nhà cho chắc ăn. Ai dè…
Chuyện họp dân phải chờ đợi mất thời gian như trên không phải là cá biệt. Có nơi, vì số lượng người tham dự quá ít nên sau đó, chính quyền cơ sở phải tổ chức họp đi họp lại mới đạt được mục đích đề ra. Vì sao lại như vậy?
Trước hết, có thể thấy rằng, nhiều khi lý do họp không được thông báo thật chi tiết, cụ thể nên người được mời có tâm lý thờ ơ là một nguyên nhân. Thông thường, các giấy mời chỉ ghi vắn tắt: họp tổ dân phố, họp thôn… vì vậy, không đánh động được sự quan tâm của người dân. Lâu nay, nội dung nhiều cuộc họp diễn ra theo “lộ trình”: cán bộ lên báo cáo tình hình, xong, mời người dân phát biểu, nếu ai không có ý kiến gì thì kết thúc. Có khi, do chủ quan, không chuẩn bị thật kỹ nội dung, cán bộ lên trình bày vấn đề lắp bắp, lúng túng, thường đọc nhiều hơn nói nên không cuốn hút. Thậm chí, có cán bộ còn nói sai kiến thức chính trị, lịch sử, trích dẫn thông tin không chuẩn nên người nghe phát chán, thiếu tin tuởng. Về thời gian, các cuộc họp dân phần lớn phải tổ chức vào buổi tối, mà đây là thời gian bà con nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt nhọc, lại “đụng đầu” các chương trình thời sự, phim ảnh của tivi… đang ngày càng hấp dẫn hơn! Vì thế, nhiều chủ hộ đã trốn họp hay cử con cái đi thay, dù đây không phải là đối tượng chủ yếu mà cuộc họp nhắm đến.
Không cần thực hiện một cuộc điều tra xã hội học, cũng có thể thấy, từ trước đến nay, những cuộc họp dân có đông người tham dự ở cơ sở và hầu hết rất đúng giờ, phần lớn đều tập trung vào các nội dung liên quan “sát sườn” đến quyền lợi của bà con như giải tỏa, đền bù, giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện, kiểm điểm các đối tượng quậy phá, trộm cắp gây mất an toàn thôn xóm, khu phố… Bên cạnh đó, các cuộc họp đảng viên thường rất đông người tham gia, vì thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi đảng viên đang công tác tại các cơ quan, đơn vị đối với nơi mình đang cư trú theo quy định của Đảng.
Nhận rõ các khiếm khuyết trên, thời gian qua, có nơi đã tìm và thực hiện các biện pháp để thu hút người dân đi họp ngày càng đông đủ hơn. Cụ thể, “mạnh tay” thì lập sổ theo dõi họp của thôn, khu phố, khi đi trao giấy mời thì đề nghị chủ hộ ký vào xác nhận. Khi họp, điểm danh cẩn thận từng hộ. Đến cuối năm, khi bình xét danh hiệu gia đình văn hóa, hộ nào không đi họp đầy đủ thì xem như năm ấy không được công nhận... Nhưng cách làm này cũng không căn cơ về lâu dài. Vấn đề quan trọng nhất là phải đổi mới nội dung các cuộc họp sao cho thiết thực, lôi cuốn được sự quan tâm của bà con về những vấn đề thiết thân trong cuộc sống hàng ngày. Điều này đòi hỏi cán bộ chủ trì phải chuẩn bị thật kỹ thông tin, “tập luyện” cách truyền đạt cho tốt, không khô cứng, nhàm chán. Bất cứ việc gì, phong trào gì cũng phải xây dựng nòng cốt để nuôi dưỡng, động viên khí thế chung. Vì thế, trong họp dân, các gia đình cán bộ, gia đình đảng viên phải làm đầu tàu, phải gương mẫu đi đầu, đi đúng giờ, không bỏ về nửa chừng, tích cực phát biểu ý kiến xây dựng. Có như vậy, các hộ khác mới nhìn vào và làm theo. Trước khi họp, nhất thiết phải thông báo rộng rãi (thông qua hệ thống truyền thanh và nhiều cách khác) và rõ ràng mục đích cuộc họp cho nhân dân biết, nhất là họp bàn về những vấn đề liên quan đến cả cộng đồng.
Người dân mỗi nơi có phong tục, tập quán, nghề nghiệp làm ăn, sinh hoạt, tôn giáo… vì vậy, tổ chức các cuộc họp dân lúc nào, ở đâu, nội dung như thế nào cho thiết thực, thời gian dài, ngắn ra sao… đều cần phải cân nhắc cho kỹ để đảm bảo đạt hiệu quả, đảm bảo “lần sau đông hơn lần trước”. Cuối cùng, khi sắp kết thúc buổi họp, cần biểu dương các gia đình đi họp đúng giờ, đúng thành phần triệu tập. Những hộ nào còn lơ là, còn trốn họp… nên nêu đích danh trong các cuộc họp sau xem như là một cách nhắc nhở nhẹ nhàng.
(TM - Báo Phú Yên)