Trong thời buổi "chủ nghĩa thực dụng" đang lan tràn, người ta hay nêu gương những con người cúc cung tận tụy phục vụ, "không màng danh lợi".
Ðiều đó rất đúng. Nhưng có người nói lại:
- Danh lợi thì cũng có dăm bảy đường!
- Thế là thế nào, ông thử giải thích xem?
- Thì trong lịch sử văn học nhiều người hay nhắc tới câu thơ nổi tiếng của nhà thơ nổi tiếng nước ta "Phải có danh gì với núi sông" đấy ư!
Rồi trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta chẳng đang phấn đấu để hàng hóa, doanh nghiệp nước ta có sức cạnh tranh cao, "có danh và có lợi" mỗi ngày một lớn trên thương trường và cả trên chính trường đó ư!
- Ðúng là như thế, đó là "danh chính, lợi chính" như người xưa thường nói.
- Thế thì phải phân biệt. Ðiều cần phê phán ở đây là phê phán những kẻ hám danh, hám lợi riêng làm hại người, có khi làm xấu truyền thống tốt đẹp và hình ảnh của cả dân tộc.
Có kẻ hám danh, tìm cách hối lộ, van vỉ để được đỗ bằng này bằng nọ, phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư vì ý đồ riêng làm hoen ố cả học vị, học hàm, làm đau khổ cả những người chân chính khi phải đứng chung danh sách với những kẻ thiếu đức, thiếu tài.
Có kẻ hám lợi trong kinh doanh, làm hàng giả làm hại đồng nghiệp chân chính, làm hại cả uy tín quốc gia... Còn có thể kể ra rất nhiều chuyện xấu xa nữa.
- Ðúng như ông nói, cũng cần phải phân biệt. Cái danh, cái lợi nhiều khi là động lực cho sự phát triển tài năng cá nhân và cho đất nước. Ðất nước cần có nhiều người nổi tiếng và nhiều người giàu. Tất nhiên phải là danh chính, lợi chính./.
(Nhân Nghĩa-Báo Nhân dân)