(TCTG) -Năm 2005, không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đã đuợc công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Từ bao đời nay, những dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã sáng tạo, lưu giữ những hình thức sinh hoạt văn hoá cồng chiêng độc đáo và mang đậm bản sắc dân tộc.
Hơn trăm năm qua, nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu cả trong và ngoài nước đã tiếp cận, nghiên cứu cồng chiêng và các hình thức sinh hoạt văn hoá – tín ngưỡng gắn bó với cồng chiêng ở Tây Nguyên. Thông qua những kết quả sưu tầm, nghiên cứu của họ, bạn đọc cả trong và ngoài nước đã hiểu thêm về giá trị của “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên”. Để thực hiện Chương trình hành động Quốc gia nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên”, Viện Văn hoá và Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức sưu tầm các loại tư liệu: bài nghiên cứu, chuyên luận, ảnh ... đã có về di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại này.
Trong khuôn khổ chương trình “Hành động bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên”, hội thảo quốc tế “Sự thay đổi đời sống kinh tế, xã hội và bảo tồn văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á” đang được tổ chức tại Kon Tum do Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam chủ trì. Hội thảo có sự tham gia của 180 học giả đến từ nước ngoài như Pháp, Mỹ, Nhật bản, Hà Lan, Philippin, Trung Quốc ... và Việt Nam. Đó là các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và những người quan tâm đến văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và du lịch 5 tỉnh Tây Nguyên , Uỷ ban UNESCO Việt Nam ... Trước đó, vào chiều ngày 6/11/2009, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã diễn ra lễ khai truơng trưng bày ảnh về cồng chiêng Tây Nguyên, do Viện Văn hoá và Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức. Cuộc trưng bày ảnh tư liệu này được tổ chức nhân dịp Festival cồng chiêng quốc tế lần thứ nhất tại Gia Lai tháng 11/2009. Những bức ảnh xưa này chưa từng được công bố tại Việt Nam, cho phép chúng ta đi ngược thời gian và hiểu hơn về một truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Tây Nguyên ở Việt Nam. Khoảng 90 bức ảnh trưng bày đều được lựa chọn từ các kho lưu trữ của Pháp, hầu hết là của trường Viễn Đông Bác cổ, Hội thừa sai Pari và Bảo tàng Quai Branly. Đó là những bức ảnh do các viên chức thuộc địa, sĩ quan quân đội, các nhà truyền giáo và học giả Pháp chụp trong khoảng từ những năm 30 đến những năm 60 của thế kỷ 20. Họ ghi lại những điều được thấy tại các làng của người Ba-na, Gia-rai, Ê-đê ... hồi bấy giờ. Các bức ảnh của Hội thừa sai đa phần được hụp ở vùng người Bana ở Kon Tum, một phần lớn số ảnh này do linh mục Christian Simonet từ năm 1950-1955. Điều đáng nói là chúng được bảo quản rất tốt nhưng chưa hề được công bố với công chúng trước đây. Có thể nói, những bức ảnh này là những tư liệu có giá trị nhiều mặt cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên”.
Với sự đóng góp tích cực của bà Christine Hemmet, chuyên gia của Bảo tàng Quai Branly (Pari), nội dung trưng bày được xây dựng và tổ chức thành 4 phần. Phần thứ nhất, Dàn nhạc cồng chiêng giới thiệu những bức ảnh cho thấy cơ cấu của dàn nhạc bao gồm: cồng, chiêng, trống và chũm choẹ. Phần thứ hai, Tập quán gõ cồng chiêng, chủ yếu là các thể hiện cách thức gõ cồng và chiêng. Phần thứ ba, Bối cảnh âm nhạc cồng chiêng, giới thiệu các nghi lễ có sử dụng cồng chiêng như: tang ma, hiến sinh trâu, đón tiếp “vua Lửa” và những nghi lễ gia đình khác. Phần cuối cùng, Vượt khỏi truyền thống, cho thấy từ lâu trong đời sống âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên đã du nhập những yếu tố mới, như: diễn tấu cồng chiêng để đón tiếp một bà xơ Công giáo, một quan chức người Pháp hay người Kinh ...
Khác với các loại nhạc cụ khác đều có thể chơi đơn chiếc, cồng chiêng luôn tạo thành một dàn nhạc, tuân theo một trình tự cố định, trong đó mỗi chiếc cồng, chiêng có vị trí riêng và giữ vai trò của một nốt nhạc. Cồng chiêng được đúc bằng hợp kim bao gồm đồng và một số kim loại khác, những chiếc cồng chiêng quý nhất có cả bạc. Cồng chiêng không làm ra tại Tây Nguyên mà thường mua của người Lào(loại cổ nhất) hoặc của người Kinh (loại mới hơn và có giá trị thấp hơn). Chất lượng âm thanh phụ thuộc vầo chất lượng hợp kim tạo nên cồng chiêng và bằng khả năng thẩm âm của mình, người Tây Nguyên điều chỉnh chỉnh âm thanh bằng nhiều cách khác nhau: dúng búa sắt, dùng gỗ cứng đập vào lòng chiếc cồng, chiêng ...để tạo thành một bản hợp sướng tinh tế và giàu tính biểu cảm. Cồng thường chơi bằng một dùi gỗ có bọc vải hoặc da thú ở đầu, gõ vào núm cồng. Dùi gõ chiêng của người Giarai, Bana, Êđê là những đoạn cây mềm, gõ vào lòng chiêng. Người Mnông, Mạ và Cơho lại dùng nắm tay phải đánh vào mặt chiêng, trong khi tay trái giữ lòng chiêng để điều chỉnh âm thanh.
Theo truyền thống, cồng chiêng chỉ được chơi trong nghi lễ. Cồng chiêng có mặt trong tất cả các lễ hội của buôn làng và những ngày lễ lớn trong đời sống. Các nghi lễ vòng đời đều có hoà tấu cồng chiêng. Do vậy, đời sống gia đình diễn ra dường như được đánh dấu thường xuyên bằng âm nhạc cồng chiêng. Ở hầu hết các dân tộc Tây Nguyên, cồng chiêng được chơi vào dịp mừng nhà mới và đa số các nghi lễ gia đình, quan trọng nhất là những nghi lễ chuyển tiếp của các thanh thiếu niên nam cũng như nữ. Tuỳ theo mỗi dân tộc, những nghi lễ đó khác nhau, nhưng đều gắn với cuộc đời mỗi người từ khi sỉnh ra đến khi chết đi, đa dạng nhất là các nghi lễ tang ma, và tất cả đều đi kèm với âm nhạc cồng chiêng.
Mặc dù ảnh không bao trùm được âm nhạc cồng chiêng của tất cả các dân tộc Tây Nguyên nhưng qua đó cho người xem thấy được phạm vi nghiên cứu của các nhà khoa học. Có nhiều ảnh do các nhà nghiên cứu Pháp chụp. Họ đã sống nhiều năm trong các cộng đồng dân cư mà họ nghiên cứu như Georges Condominas ở người Mnông Gar, Jacques Dournes ở người Giarai hoặc Jean Boulbet ở người Mạ. Ảnh của họ thường rất đẹp và đều là nhừng bằng chứng vô giá về một di sản phi vật thể đại diện của nhân loại đang đứng trước nguy cơ bị mai một.
Vương Tâm