Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 13/11/2009 21:41'(GMT+7)

Kịch tuyên truyền: Đâu cần đao to, búa lớn

Một cảnh trong vở kịch “Em cho anh đôi mắt của em”

Một cảnh trong vở kịch “Em cho anh đôi mắt của em”

Theo tôi, sân khấu Việt Nam cần học tập ở vở kịch này về cách chuyển tải các vấn đề tuyên truyền tưởng như khô cứng

Làm “mềm” kịch tuyên truyền bằng cảnh “nóng”

Câu chuyện giản dị nếu như không muốn nói là không mới, xoay quanh những quan hệ gia đình, khi người chồng bạo hành vợ, ghen tuông, chửi bới, đánh đập vợ rồi lại ra sức xin lỗi, chiều chuộng, âu yếm vợ... Vòng tuần hoàn bi kịch - hạnh phúc này khá phổ biến trong những xung đột gia đình thời hiện đại, khi đàn ông dường như nắm được điểm yếu của đàn bà để mà thẳng tay xúc phạm rồi lại tìm cách yêu chiều họ. Nhưng đạo diễn không để cho câu chuyện trượt dài trên những cuộc cãi cọ hay giải thích và phân xử mà tạo được những điểm nhấn ấn tượng. Sau những trận cãi cọ nảy lửa, đôi vợ chồng Pilar và Antonio (Gabriela Flores và Minh Hiếu, ảnh) lại yêu nhau nồng nàn. Hai thân thể bán “nude” quấn riết vào nhau với những bộc lộ tình cảm mạnh mẽ, tự nhiên ở nhiều tư thế. Khi diễn tả cơn giận dữ của đàn ông đến mức hành hạ vợ bằng cách lột trần quần áo thì để cho Pilar hành động như vậy trên sân khấu với Antonio, chỉ còn lại bộ đồ lót trên người cô...

Nếu không có những tờ rơi trên tay hay không biết trước nội dung vở diễn nói trên thì chắc hẳn đa phần khán giả không nghĩ đó là tác phẩm tuyên truyền cho vấn đề bạo lực gia đình và bình đẳng giới. Điều đáng nói hơn cả là mặc dù chuyển tải thông điệp về bình đẳng giới và chống bạo hành gia đình nhưng vở diễn không hề để cho các nhân vật phát ngôn những lời “đao to, búa lớn”, rao giảng đạo đức hay răn dạy một lời khiên cưỡng nào.

Ngay cả những cảnh đem trực tiếp những bài học giáo dục đến với người xem như lúc nhà tâm lý giảng giải bằng các bài tập thực hành cho “thủ phạm” của bạo hành là những người đàn ông thì vẫn được dàn dựng một cách hài hước, hóm hỉnh. Mối quan hệ, cảnh chăm sóc nhau giữa đàn ông và đàn bà còn được kể trong câu chuyện của về Pilar về những bức tranh khỏa thân khi cô làm hướng dẫn viên ở bảo tàng...

Xem vở kịch “nhẹ nhàng” này, không ít người tự hỏi, bao giờ các nhà làm sân khấu ta mới bớt “bệnh” hô hào, rao giảng và phán xét trên sân khấu. Chưa kể nhiều người còn dùng nhân vật làm cái loa phát ngôn cho những ý tưởng chủ quan, lạc lõng với nhân vật và vở kịch.

Giá như các “sao” chịu khó tham gia

Ngoài vai Pilar, các nhân vật trong vở diễn nói trên đều do các gương mặt nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Kịch VN đảm nhiệm. Hầu hết là những gương mặt lạ, lại thoại những câu dài, tên nhân vật nước ngoài và diễn viên nước ngoài nói tiếng nước họ nhưng dàn diễn viên không ai bị “khớp” lời hay lập cập một từ nào. Đài từ tốt, diễn xuất tròn vai..., họ để lại ấn tượng về thái độ làm việc nghiêm túc và trách nhiệm với vai diễn. Có người gây ngạc nhiên thích thú khi chỉ thay bộ tóc hay trang phục trên sân khấu thì diễn viên đã thoắt đã biến thành nhân vật khác, với giọng nói khác, điệu bộ và tính cách khác hẳn...

Tuy nhiên, có người giá như vở kịch thu hút được những diễn viên tên tuổi của Nhà hát thì chắc hẳn tác phẩm sẽ đến được với nhiều người hơn và có thể phát huy hiệu quả hơn. Với khả năng và tên tuổi, họ có thể góp phần làm các vở diễn hấp dẫn hơn. Không khó hiểu khi đa số nghệ sĩ có tên tuổi e ngại tham gia các vở diễn thuộc các dự án tuyên truyền, giáo dục... Có nhiều lý do nhưng xuất phát từ quan niệm, vở diễn tuyên truyền không phải là đất diễn của diễn viên chuyên nghiệp?

H. Đông (TT&VH Online)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất