Thứ Tư, 6/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 12/11/2008 9:30'(GMT+7)

Âm nhạc Việt Nam: nhìn vào sự thật để phát triển

Ca si Hong Ngat- Huy chuong Vang nhac dan gian Lien hoan giong hat vang ASEAN 2008

Ca si Hong Ngat- Huy chuong Vang nhac dan gian Lien hoan giong hat vang ASEAN 2008

Sự hỗn loạn của ca khúc

Ca khúc- thế mạnh của âm nhạc Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển và có một số nhạc sĩ khẳng định được phong cách riêng. Tuy nhiên, có một thực trạng đáng báo động là giới trẻ đang đứng trước nguy cơ mất thói quen nghe nhạc lành mạnh, bị cuốn theo dòng thác pop-rock, Rap. Một số ca khúc rẻ tiền ra đời do các cây bút trẻ viết bài hát theo đơn đặt hàng của các hàng băng đĩa, của các ca sĩ trẻ muốn nhanh chóng thành danh. Một số Sở Văn hoá nhiều tỉnh, thành đã dễ dãi cho phép phát hành nhiều ca khúc kém chất lượng. Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc thể hiện sự bức xúc của ông khi cho rằng: "Ca khúc Việt Nam- sự hỗn loạn đã đước báo trước". Theo tác giả của bài hát Trăng chiều này, âm nhạc quần chúng đang có xu hướng phát triển tuỳ tiện. Có những người viết bài hát không ghi nổi những giai điệu mình nghĩ ra, phải nhờ người khác ghi, sau đó lại trở thành những nhạc sĩ "nổi tiếng" đoạt giải cao nhất trong các cuộc thi ca khúc. Nếu chúng ta còn tiếp tục quảng bá cho những việc tương tự, thì nền ca khúc quần chúng của chúng ta mãi mãi chỉ là nghiệp dư, hỗn loạn.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên cảnh báo về tình trạng ca khúc cho thiếu nhi vừa thừa lại vừa thiếu: thừa vì có quá nhiều bài mang tính áp đặt cho trẻ em, còn thiếu những bài hát trẻ em yêu thích. Một số nhạc sĩ quan niệm quá đơn giản về sáng tác bài hát cho các em: "bài nào người lớn không dùng thì đưa trẻ em dùng", thậm chí có tình trạng ca khúc thiếu nhi bị thương mại hoá. Nhiều khi trẻ em được các nhà tài trợ chọn lên để "làm trò", thu hút lợi nhuận mà thôi.

Tuy nhiên, nhạc sĩ Nguyễn Cường lại có cái nhìn khá lạc quan và cho rằng "không nên quá bức xúc về tình hình sáng tác ca khúc hiện nay". Lớp trẻ được học hành bài bản, có điều kiện vật chất và phương tiện hành nghề. Họ biết hướng ra thế giới để hội nhập với cái mới, thẩm thấu cái mới. Các phương tiện truyền thông đã giúp họ quảng bá tác phẩm nhanh hơn. Nhưng mặt hạn chế là vì thuận lợi quá nên các nhạc sĩ đã không nén được cảm xúc, không có đủ thời gian chiêm nghiệm tác phẩm của mình, tức là không kịp kiểm nghiệm trước khi có tác phẩm "ra lò". Nhạc sĩ Nguyễn Cường tin tưởng: "trong hàng nghìn người hướng ngoại đó, sẽ có tài năng chắt lọc được tinh hoa của bên ngoài, từ đó vận dụng và sáng tạo nên những tác phẩm của mình". Nhưng tài năng bao giờ cũng hiếm, họ sẽ lặng lẽ toả sáng, họ sẽ sáng tác bằng tài năng và trách nhiệm với cuộc đời.

Sự bất cập trong đào tạo và lý luân phê bình âm nhạc

Từ nhiều năm nay, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội trước đây) và các cơ sở đào tạo âm nhạc của nước ta, giáo trình đào tạo và giảng dạy là âm nhạc cổ điển hàn lâm chuyên nghiệp, âm nhạc dân truyền thống và nhạc Jazz. Học sinh, sinh viên khoa biểu diễn vẫn học và thi các tác phẩm của Haydn, Mozart, Beethoven, Schubert, Shuman... Khoa sáng tác, lý luận vẫn nghiên cứu, phân tích và sáng tác những tác phẩm trong phong cách kinh điển chuyên nghiệp. Nhưng trên các phương tiện thông tin đại chúng đa phần chỉ chuyển tải các ca khúc. Rất hiếm tác phẩm âm nhạc cổ điển được giới thiệu. Nhạc sĩ Nguyễn Thiếu Hoa, Chủ nhiệm Khoa Lý luận, sáng tác, chỉ huy Học viện âm nhạc Quốc gia VN nêu lên thực trạng: "Không ít học sinh, sinh viên sáng tác bỏ học giữa chừng sau khi biết được một số ca khúc ăn khách trên "Làn sóng xanh", "Bài hát Việt", "Sao Mai"... vì thấy đã "đạt đỉnh cao" của sự nghiệp. Hàng năm, Hội nhạc sĩ VN vẫn đầu tư tiền để viết các tác phẩm kinh điển, nhưng chấm và trao giải thưởng xong cũng là hết, không được dàn dựng và cũng không được giới thiệu, tác phẩm chấm dứt cuộc sống. Vì quá tốn kém, không có tiền và hầu như ai cũng thấy rằng xã hội không cần".

Để một nền âm nhạc phát triển lành mạnh, rất cần sự đánh giá, nhận xét, của đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu lý luận phê bình. Công luận góp phần định hướng sáng tác. Thế nhưng dường như trong thời gian qua, các nhà phê bình âm nhạc còn có tư tưởng né tránh, ngại ngùng, nhường phần "đất" này cho các nhà báo viết về văn hoá văn nghệ. Nhạc sĩ Vũ Tự Lân thẳng thắn nhìn nhận: "Nhiều khi chúng tôi cũng bức xúc, muốn nêu ý kiến của mình, nhưng ít khi có điều kiện được phát biểu trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Những người làm công tác lý luận phê bình nhiều cũng dè dặt, ngại ngùng, không muốn nói nhiều. Trong xu thế chung hiện nay, nhiều khi mình đưa ra ý kiến ngược chiều thì sợ người ta cảm thấy khó chịu, không được người ta ủng hộ. Nhưng chúng ta phải khắc phục cái đó, vì cái đích chung là làm sao cho nền âm nhạc VN ngày càng phát triển đúng hướng".

Thế kiềng ba chân để phát triển

Âm nhạc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập phải phát triển mạnh mẽ cả về ca khúc, giao hưởng thính phòng và âm nhạc dân tộc. Để một nền âm nhạc phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập, ý kiến của nhiều nhạc sĩ, nhà nghiên cứu cho rằng Hội nhạc sĩ cần quan tâm hơn nữa tới việc đưa những tác phẩm âm nhạc đích thực đến với công chúng, chứ không chờ công chúng tìm đến với mình. Nhạc sĩ Cát Vận tâm đắc vấn đề về quảng bá âm nhạc trên sóng phát thanh, truyền hình và internet hiện nay cho rằng: các phương tiện truyền thông đại chúng cần chọn lọc để đưa tới công chúng những tác phẩm âm nhạc giàu bản sắc văn hoá dân tộc, giàu tính nhân văn.

Quan tâm tới đội ngũ các nhạc sĩ trẻ, đẩy mạnh giáo dục thẩm mĩ âm nhạc của quần chúng và tăng cường sự phối hợp giữa hội nhạc sĩ với các cơ quan quản lý văn hoá, các cơ quan truyền thông đại chúng- Đó là 3 định hướng lớn nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nêu ra nhằm góp phần đưa nền âm nhạc VN phát triển trong thời kỳ hội nhập. Cụ thể là: "Thứ nhất phải tăng cường sự giáo dục âm nhạc, chăm lo tới việc thưởng thức âm nhạc cho quảng đại quần chúng, đặc biệt là hướng tới giới trẻ. Khi mà có chiến lược chăm sóc, giáo dục âm nhạc sâu rộng và sớm cho thế hệ trẻ sẽ đảm bảo nền tảng vững chắc cho đời sống âm nhạc lành mạnh. Thứ hai phải quan tâm tới đội ngũ nhạc sĩ trẻ được trang bị kiến thức, được đào tạo, được qua thực tiễn. Không thể nói là âm nhạc chỉ là cảm hứng, cũng không thể nói là âm nhạc chỉ là một nhu cầu mang tính chất hàng hoá, mà âm nhạc hàm chứa trong mình ba yếu tố: văn hoá, nghệ thuật và khoa học. Việc đào tạo những nhạc sĩ trẻ, ca sĩ trẻ có trình độ, có ý thức công dân cũng đảm bảo cho đời sống âm nhạc được tốt hơn. Và thứ ba là lâu nay việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý, quảng bá tuyên truyền về văn hoá và Hội âm nhạc VN chưa được nhịp nhàng. Chính vì thế, chúng ta đã lãng phí nhiều chất xám, nhiều tác phẩm tâm huyết của các thế hệ nhạc sĩ. Nếu như có sự phối hợp chặt chẽ, có mục đích và đồng lòng với nhau thì các sản phẩm âm nhạc của VN sẽ hiệu quả hơn".

Nhạc sĩ người Nga X. Prokophiev từng nói: "Người nhạc sĩ không được chiều theo khán giả, hạ thấp thẩm mỹ xuống như phong cách quần chúng dân dã, khẩu vị thấp kém..." Sứ mệnh của người làm nghệ thuật chuyên nghiệp là phải hướng dẫn, nâng cao thẩm mỹ và trình độ nghệ thuật của công chúng. Thiết nghĩ đó cũng là phương châm cho các nhạc sĩ VN sáng tạo những tác phẩm nhằm tạo dựng môi trường âm nhạc lành mạnh./.

 Trần Bá Dương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất