Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 7/11/2008 15:53'(GMT+7)

Trò chơi trên truyền hình còn nhiều "sạn"!

Chương trình “Đấu trí’ của VTV3 (Ảnh minh hoạ)

Chương trình “Đấu trí’ của VTV3 (Ảnh minh hoạ)

Khán giả quan tâm đến các trò chơi thử thách kiến thức như “Đấu trí”, “Đấu trường 100”, “Đường lên đỉnh Olympia”, “Rung chuông vàng”, “Đối mặt”, “Tìm người thông minh”, “Chung sức”... đã bức xúc khi có khá nhiều thông tin sai đã được truyền đến hàng triệu khán giả qua những chương trình này. Chẳng hạn như trong chương trình “Chung sức” đầu tháng 6-2008 cho rằng “Mặt trăng là một hành tinh trong Thái Dương Hệ”, trong khi Mặt trăng là vệ tinh của Trái Đất. Hay chương trình “Tìm người thông minh” phát sóng giữa tháng 6-2008 đã dám gán ẩu cho Nam Cao là tác giả của “Kép Tư Bền” - một tác phẩm của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan.

“Đường lên đỉnh Olympia” giữa tháng 8-2008 đã chấp nhận câu trả lời có 12 cấp độ bão của một thí sinh là đúng, trong khi đó theo thang bão Saffir - Simpson chỉ có 5 cấp độ bão. Một em học sinh đến từ tỉnh Vĩnh Long đã mất điểm oan uổng khi trả lời đúng phần quan trọng nhất trên đỉnh đầu là “mỏ ác” (vốn là từ miền Nam) lại bị cho là sai. Lý do: đáp án của chương trình là “thóp”!

Chương trình “Rung chuông vàng” phát sóng cuối tháng 7-2008 thì nêu lên nhạc sĩ Beethoven là người Áo, trong khi rất nhiều người đều biết đây là nhạc sĩ thiên tài người Đức. Chương trình “Đối mặt” phát sóng đầu tháng 7-2008 lại khiến hầu hết khán giả bật cười khi yêu cầu người chơi điền thêm hai chữ cái bắt đầu bằng chữ D vào câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan: “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc. Thương nhà mỏi miệng cái ...”. Trong tình huống này, người chơi dù biết là “cái gia gia” (vốn đối với “con quốc quốc” rất chuẩn theo niêm luật thơ Đường) cũng đành trả lời là “cái da da” cho hợp với câu hỏi của chương trình!

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, đã có quá nhiều sai sót về kiến thức trong vô vàn sai sót của các chương trình kiến thức trên truyền hình. Hầu như chương trình nào cũng có vài sai sót về kiến thức. Phương tiện truyền hình đưa đến hàng triệu khán giả truyền hình - trong đó có lớp trẻ - những kiến thức sai lệch, nhưng chưa bao giờ thấy có người tổ chức chương trình đính chính và nhận sai sót.

Một điểm cũng làm cho nhiều khán giả khó chịu là cách ứng xử của người dẫn những chương trình. Chẳng hạn như khi người chơi trả lời sai, người dẫn chương trình tươi cười cao giọng chúc mừng... những người đang cùng thi đấu, hoặc những người đang chờ đến lượt mình để trở thành người chơi chính! Một số chương trình xen vào phần phỏng vấn người thân của người tham gia chương trình với những câu hỏi có khi rất “vô duyên”, lạc lõng, chẳng hạn: “Đến giờ phút này anh chị có lời gì nhắn gởi đến người thân của mình”; hay đôi lúc, những người dẫn chương trình lại tỏ ra quá “phấn khích” và hò hét trên sân khấu làm không khí của chương trình mất đi tính nghiêm túc cần có.

Hiện nay, các trò chơi truyền hình thử thách kiến thức người chơi đang chiếm phần lớn “giờ vàng” là 20 - 21 giờ hằng đêm và 11 - 12 giờ thứ bảy, chủ nhật trên VTV lẫn HTV. Những “hạt sạn” trên làm “ê răng” rất nhiều khán giả màn ảnh nhỏ./.

 Phạm Tường

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất