Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 9/11/2008 22:30'(GMT+7)

Thực trạng nghệ thuật truyền thông quảng cáo

Các loại quảng cáo trên đường phố. Ảnh: TH.D.

Các loại quảng cáo trên đường phố. Ảnh: TH.D.

Thời gian qua, đa số những người làm quảng cáo xuất thân trong nước thường là những nhà thiết kế đồ họa (graphic designer), những người học truyền thông đa phương tiện và một số người khác nữa, chứ không ai chính thức được học và tốt nghiệp với bằng cấp chuyên ngành thiết kế quảng cáo (advertising design). Đa số nhà thiết kế này cũng làm tương đối tốt vai trò “nhà thiết kế quảng cáo” của mình trong tình hình hiện nay.

Nhưng những người phụ trách các công ty quảng cáo có khi chỉ học về kinh tế hay marketing! Vậy thì kiến thức quảng cáo liệu có đầy đủ chăng? Thẩm mỹ quảng cáo, thẩm mỹ truyền thông sẽ ra sao nếu chỉ chú tâm về lợi nhuận, kinh doanh thương mại?

Thực trạng sự rối loạn thị giác do kích thước lớn nhỏ đủ loại của bảng tên, biển hiệu, pa-nô, bích chương quảng cáo treo tràn lan trên mặt tiền các công trình, nhà cửa, đường phố, giao lộ đã góp phần làm cho đô thị vốn chưa được chỉn chu về quy định kiểu cách kiến trúc lại càng thêm rối mắt, làm mất mỹ quan đô thị. Đó là chưa kể đến những con đường luôn bị đào xới, che chắn khắp nơi.

Trên màn ảnh nhỏ thì quảng cáo tràn lan trong hầu hết các kênh, các chương trình. Nào là quảng cáo trong mặt đứng của nền phông, trên sàn sân khấu ca nhạc, trên bục nói chuyện; quảng cáo nhấp nháy chạy di động dưới chân màn hình; quảng cáo trong các thông tin tiên đoán có thưởng... làm hỗn loạn thị giác người xem!

Việc liên tục xen quảng cáo vào các chương trình chiếu phim là xé nát tư duy thưởng ngoạn của công chúng! Những ức chế về tâm lý của người dân trước thực trạng đường phố cho đến sự rối loạn trong thẩm mỹ truyền hình, sẽ dẫn đến mức độ tác hại nào đó về tâm sinh lý xã hội.

Lỗi của ai trong những người liên đới chịu trách nhiệm: nhà thiết kế quảng cáo, nhà làm phim quảng cáo, nhà tổ chức kinh doanh trên hệ thống truyền thông, nhà quản lý phương tiện truyền thông hay nhà quản lý cấp phép?

Nhà nước cần có luật quy định cụ thể về nhiều vấn đề liên quan đến quảng cáo truyền thông nơi công cộng, trên màn hình. trong đó có một số vấn đề cần lưu ý: kích thước các loại bảng hiệu và bảng tên cơ sở kinh doanh, các loại bảng quảng cáo; vị trí đặt các tên đơn vị tài trợ trên mặt đứng, sàn sân khấu ca nhạc, trong tất cả các chương trình khác; cần phải quy định tổng số thời gian và số lần quảng cáo xen trong tổng thời lượng của một chương trình, một tiết mục; có hợp lý hay không khi mà chương trình chiếu phim khoảng 30 phút thì quảng cáo xen vào rất nhiều lần và chiếm gần 1/3 thời gian vào giờ vàng, quảng cáo càng mạnh!

Tóm lại, chất lượng nội dung, thẩm mỹ của mọi hình thức quảng cáo là quan trọng. Nhưng quảng cáo đúng lúc, đúng chỗ, đúng liều lượng lại càng quan trọng hơn. Nó thể hiện trình độ chung về văn hóa, thẩm mỹ truyền thông trong thời kỳ hội nhập.

Hiện nay, mọi người trong và ngoài nước sẽ tiếp tục đánh giá trình độ quản lý, sáng tạo, quản lý truyền thông văn hóa này của chúng ta. Nhất là trong tình hình mọi người dân đang học tập và chờ hiệu quả cụ thể của việc triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Chúng ta vận động toàn dân xây dựng gia đình, khu phố, cơ quan văn hóa và nay cần chú ý văn hóa truyền thông!

(SGGP điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất